Là đối tác số một của ngành công nghiệp dầu mỏ Iraq, Trung Quốc được mong đợi sẽ đóng góp tích cực cho phong trào chống ISIS ở Iraq và Syria, nhưng thực tế lại không phải vậy.
Bắc Kinh gần như không xuất hiện tại bất kỳ cuộc thảo luận chống ISIS nào của liên minh thế giới.
Có nhiều lý do đủ khiến Trung Quốc tham gia liên minh chống ISIS do Mỹ dẫn đầu.
Nền kinh tế lớn nhất châu Á này phụ thuộc một nửa vào nguồn năng lượng nhập khẩu từ Trung Đông. Trung Quốc hiện nhập dầu mỏ nhiều hơn Hoa Kỳ, đồng thời là nhà đầu tư lớn nhất trong ngành công nghiệp dầu mỏ ở Iraq.
Do giới chức trách Trung Quốc tăng cường đàn áp những phần tử Hồi giáo cực đoan phản kháng ngày càng mạnh ở khu tự trị Tân Cương, ISIS đã tận dụng cơ hội để tuyển quân gia nhập đế chế Hồi giáo tự phong của họ.
Theo lời đề nghị “khiêm tốn” từ Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị, Trung Quốc sẽ góp phần vào cuộc tấn công quân sự của liên minh quốc tế chống lại ISIS thông qua hình thức “chia sẻ thông tin tình báo và đào tạo nhân lực”.
Theo phân tích của các chuyên gia, lãnh đạo Trung Quốc không muốn tham gia nhiều vào cuộc chiến vì một số nguyên nhân, bao gồm sự hoài nghi đối với những mục đích của Mỹ cho đến nỗi sợ bị cuốn vào vòng xoáy Trung Đông.
Trung Quốc cũng bất mãn bởi sự chỉ trích của chính phủ các nước phương Tây về chính sách hà khắc của Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, đồng thời khẳng định chỉ Liên Hợp Quốc mới có quyền thực hiện những hành động quân sự trên lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền.
Lần đầu tiên Global Times, cơ quan truyền thông quốc gia Trung Quốc tuần này đã quy kết người Hồi giáo ở Tân Cương có liên hệ với nhà nước Hồi giáo của các chiến binh thánh chiến. Hãng thông tấn dẫn lời một “nhân viên chống khủng bố” Trung Quốc ẩn danh cho biết, các chiến binh Duy Ngô Nhĩ “muốn… kết nối với các tổ chức khủng bố quốc tế thông qua thực chiến nhằm xúc tiến và hậu thuẫn để tiến hành thêm nhiều vụ khủng bố ở Trung Quốc”.
Tháng 7 vừa qua, lãnh đạo ISIS là Abu Bakr al-Baghdadi từng tuyên bố, công dân Trung Quốc được tính trong đội ngũ chiến binh của tổ chức và cáo buộc chính phủ Trung Quốc “tra tấn dã man và sát hại tín đồ Hồi giáo” ở “Đông Turkestan”, Tân Cương theo cách nói của lực lượng ủng hộ tự trị.
“Khủng bố” Hồi giáo ở Trung Quốc
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, hơn 300 người thiệt mạng khi bạo lực leo thang tại Tân Cương suốt 18 tháng qua, trong đó nhóm khủng bố Duy Ngô Nhĩ đã giết chết 31 người bằng mã tấu hồi cuối tháng Ba tại nhà ga Côn Minh ở miền nam Trung Quốc.
Bắc Kinh quy kết trách nhiệm vụ việc cho Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM) và Tổ chức Nghị hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới (WUC), tức giận khi chính phủ phương Tây không đồng tình với quan điểm của mình.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã xóa ETIM khỏi danh sách các nhóm khủng bố thế giới trong bối cảnh còn nhiều hoài nghi về thực chất hoạt động của tổ chức này.
Với thế giới, WUC được coi là tổ chức nhân quyền thiểu số ôn hòa có mục đích hoạt động vì tự trị cho tộc người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Nhà bình luận chính trị độc lập Triệu Sở cho biết, chính phủ Trung Quốc ngày càng hoài nghi về ý định của Mỹ, cho rằng Washington và các nước đồng minh đang tìm cách kiềm chế Trung Quốc và phá hoại Đảng Cộng sản.
Trung Quốc do dự khi gia nhập liên minh của Mỹ là biểu hiện rõ ràng về sự hoài nghi của Bắc Kinh đối với mục đích của Hoa Kỳ, ông Triệu nhận xét. Nhà bình luận cũng cho rằng, Bắc Kinh nên chủ động tham gia tích cực hơn vào liên minh để bày tỏ sự quan tâm đến trật tự và công bằng quốc tế, đồng thời tạo cơ hội cho lực lượng vũ trang Trung Quốc được chiến đấu bên cạnh và học hỏi từ quân đội Hoa Kỳ.
Lý do khả năng có hạn
Cựu Đại sứ Trung Quốc ở Iran là Hoa Lê Minh (Hua Liming) cũng chỉ ra, trên thực tế Trung Quốc không hỗ trợ được nhiều trong cuộc chiến chống ISIS bởi “khả năng gia nhập quốc tế còn hạn chế”.
Trung Quốc cùng các thành viên khác của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày Thứ Tư (24/9) bỏ phiếu thông qua nghị quyết yêu cầu chính phủ các nước ngăn chặn hoạt động tuyển mộ, tổ chức, vận chuyển, trang bị và tài trợ cho lực lượng khủng bố nước ngoài. Nhưng Trung Quốc không thể tham gia các cuộc oanh tạc bởi không có căn cứ không quân cũng như tàu sân bay nào trong hoặc gần trận chiến. Do đó, kế hoạch gửi quân đội hỗ trợ Iraq là bất khả thi.
Bắc Kinh sẽ gửi một tiểu đoàn 700 lính để tăng cường lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan. Đây là hoạt động quân sự rầm rộ nhất mà Trung Quốc từng tham gia kể từ khi có mặt trong cuộc chiến ngắn ở Việt Nam năm 1979.
Các nhà ngoại giao Trung Quốc từng được giao nhiệm vụ mang lại hòa bình cho Nam Sudan, đất nước cung cấp 5% lượng dầu ngoại nhập cho cường quốc này.
Khác với hành động chỉ trích mạnh mẽ các cuộc không kích do phương Tây dẫn đầu trên lãnh thổ Syria của Nga, tuần này, phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, Trung Quốc chỉ “lưu ý” rằng các hoạt động quân sự không được gây thương vong dân sự và nhấn mạnh “phải phù hợp với các mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc”.
“Trung Quốc luôn ủng hộ những nỗ lực chống khủng bố của cộng đồng quốc tế và kiên quyết chống lại mọi hình thức khủng bố”, bà Hoa Xuân Oánh cho biết thêm. Có vẻ như điều mà thế giới có thể mong đợi nhất hiện giờ là nhận được mớ lý lẽ hùng biện từ Bắc Kinh.
Thiên Hà, Hồ Duyên – Theo Yahoo News