Tinh Hoa

Nguy cơ do phơi nhiễm valproat trong thai kỳ

SKĐS – Việc sử dụng valproat đơn trị liệu hoặc đa trị liệu đều có liên quan tới một số bất thường trong thai kỳ.

Việc sử dụng valproat đơn trị liệu hoặc đa trị liệu đều có liên quan tới một số bất thường trong thai kỳ. Các dữ liệu hiện có cho thấy nguy cơ dị dạng bẩm sinh khi sử dụng phác đồ đa trị liệu trong đó có thuốc chứa valproat lớn hơn so với đơn trị liệu.

Dị dạng bẩm sinh: các dữ liệu thu được từ một nghiên cứu gộp (bao gồm từ nguồn dữ liệu hồ sơ bệnh án và từ các nghiên cứu thuần tập) đã chỉ ra rằng, 10,73% số trẻ có mẹ mắc bệnh động kinh sử dụng valproat đơn trị liệu trong thai kỳ bị dị dạng bẩm sinh (khoảng tin cậy 95%). Nguy cơ bị dị tật nặng lớn hơn so với quần thể bình thường (với tỉ lệ dị tật chỉ chiếm từ 2 – 3%). Nguy cơ này phụ thuộc liều nhưng liều dưới ngưỡng vẫn chưa chứng minh được là không gây hại.

Có sự tăng tỉ lệ dị tật thai nhi cả nhẹ và nặng khi người mẹ dùng valproat trong thời gian mang thai. Loại dị dạng thường gặp nhất là dị tật ống thần kinh, biến dạng mặt, hở hàm ếch, hẹp hộp sọ, dị tật tim mạch, thận và niệu sinh dục, dị tật ở chi (bao gồm bất sản xương quay hai bên) và đa dị dạng nhiều hệ cơ quan khác trên cơ thể.

Rối loạn phát triển: việc phơi nhiễm với valproat có thể dẫn tới tác dụng bất lợi lên sự phát triển tâm thần và thể chất của trẻ bị phơi nhiễm. Nguy cơ này phụ thuộc liều nhưng liều dưới ngưỡng vẫn không loại trừ được nguy cơ. Khoảng thời gian chính xác trong thai kỳ bị ảnh hưởng bởi nguy cơ này vẫn còn chưa được xác định chắc chắn và khả năng nguy cơ xảy ra trong suốt thai kỳ không thể loại trừ.

Các nghiên cứu trên trẻ ở độ tuổi mẫu giáo từng bị phơi nhiễm valproat trong tử cung người mẹ khi mang thai đã chỉ ra rằng, 30 – 40% số trẻ bị chậm phát triển trong thời kỳ đầu như chậm nói và chậm biết đi, khả năng nhận thức chậm, khả năng ngôn ngữ (đọc và hiểu) nghèo nàn, có vấn đề về trí nhớ.

Chỉ số thông minh IQ được đo trên đối tượng trẻ em ở độ tuổi đi học (6 tuổi) đã từng bị phơi nhiễm valproat khi mẹ mang thai thấp hơn trung bình 7 – 10 điểm so với nhóm trẻ từng bị phơi nhiễm do thuốc chống động kinh khác. Trẻ bị phơi nhiễm valproat trong tử cung người mẹ khi mang thai có nguy cơ gây tự kỷ tăng khoảng 3 lần và tự kỷ thời niên thiếu tăng khoảng 5 lần so với quần thể thông thường.

Các trường hợp hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh được báo cáo ở mẹ đã dùng valproat 3 tháng cuối của thai kỳ. Các trường hợp thiểu năng tuyến giáp cũng được ghi nhận ở mẹ đã từng sử dụng valproat trong thai kỳ. Hội chứng cai thuốc (kích động, vật vã, kích thích quá mức, lo sợ, tăng động, rối loạn trương lực cơ, run cơ, rối loạn ăn uống) có thể xảy ra trên trẻ sơ sinh có mẹ từng sử dụng valproat trong 3 tháng cuối thai kỳ.

Valproat được bài tiết vào sữa mẹ với nồng độ từ 1-10% so với nồng độ trong huyết tương của người mẹ. Các rối loạn về máu cũng được báo cáo ở trẻ có mẹ đang điều trị bằng valproat. Quyết định ngừng cho trẻ bú sữa mẹ hay ngừng điều trị bằng valproat cần được cân nhắc dựa trên lợi ích của việc bú sữa mẹ cho trẻ và lợi ích của việc điều trị cho mẹ.

Mất kinh nguyệt, buồng trứng đa nang và tăng nồng độ testosteron trong máu ở phụ nữ sử dụng valproat đã được báo cáo. Sử dụng valproat có thể dẫn tới suy giảm khả năng sinh sản ở nam giới. Tình trạng rối loạn sinh sản này có thể được hồi phục sau khi ngừng điều trị bằng valproat.

Trên đây là một số thông tin cập nhật về thuốc chứa valproat, các bác sĩ, người bệnh cần nắm được để tránh những hậu quả do thuốc gây ra.

BS. Bảo Thư

Bà bầu không nên tự ý dùng thuốc bổ

Tại sao nên bổ sung các vitamin B?

Thuốc trị khó thở do hen phế quản

Theo SKĐS