Chân Âm là từ ngữ của y học đông phương, ám chỉ khí lực vô hình tiềm tàng của phần âm ở bên dưới cơ thể. Chân Âm sung mãn là điều kiện để não bộ được bền vững, khỏe mạnh.
Phần trên từ rốn trở lên là dương, và phần từ rốn xuống đến chân là âm.
Trước hết, Âm có nghĩa là phần khuất kín. Dương có nghĩa là phần phô bày. Nơi con người, phần bên trái là dương, phần bên phải là âm (nam tả nữ hữu); phần trên từ rốn trở lên là dương, và phần từ rốn xuống đến chân là âm; phần da vẻ bên ngoài là dương, và phần nội tạng là âm; phần hành vi lời nói bên ngoài là dương và tâm lý bên trong là âm…
Phần Dương là phần chúng ta trực tiếp sử dụng, tiếp xúc, và phần Âm là phần chúng ta ít để ý nhưng lại là gốc, là cơ sở, là nơi xuất phát của Dương. Âm càng to càng vững chừng nào thì Dương sẽ có điều kiện phát triển chừng nấy. Giống như bộ rễ to lớn là điều kiện cho cây trở thành đại thụ. Móng nhà sâu lớn là điều kiện cho nhà vươn cao. Một tâm lý độ lượng là điều kiện cho hành vi ngôn ngữ tốt đẹp…
Nếu phần Dương lớn hơn phần Âm thì toàn bộ cơ cấu đó bắt đầu có nguy cơ suy thoái sớm, không tồn tại lâu. Nếu bộ rễ của cây nhỏ hơn phần thân nhánh phía trên thì cây đó có tuổi thọ ngắn. Nếu đạo đức của một người ít thì Tài năng không phát triển lớn lao.
Hiểu được tính chất này, chúng ta phải luôn luôn củng cố phần gốc, nghĩa là phần Âm, của cuộc sống, của sức khỏe…
Đầu là phần cực Dương.
Theo hệ thống khí lực của cơ thể thì hoạt động của tâm ý ở trên đầu lại là phần cực Dương. Đối nghịch với Đầu là hai lòng bàn chân, phần cực Âm.
Vì Đầu là phần cực Dương nên nếu ta sử dụng đầu óc nhiều quá, phần Dương đang dần dần lấn phần Âm, và nguy cơ suy thoái bệnh tật đổ vỡ cũng đang tiến đến từ từ.
Hệ thống bụng dưới ở huyệt Đan điền cho đến bộ phận sinh dục với huyệt Hội âm, Dương cường, cũng là phần Âm cực kỳ quan trọng cho tinh thần và sức khỏe. Nếu hệ thống đó khỏe mạnh vững chắc thì con người sẽ ổn định và khoan khoái. Nếu hệ thống đó yếu thì con người sẽ èo uột và dễ dao động.
Những vị tu theo Tiên đạo luôn luôn xem việc luyện tập hệ thống bụng dưới là ưu tiên hàng đầu.
Hội Âm và Dương cường là 2 huyệt đạo quan trọng.
Một số người bẩm sinh chân âm đã dồi dào, nên họ có sức khẻo tốt, có thể làm việc dẻo dai hơn ngươi khác, đó cũng là những người có thế chất tốt, ít bị mệt mỏi, đầu óc tư duy sáng suốt.
Muốn bảo vệ Chân âm, cần lưu ý các vấn đề sau:
-Không hoạt động thái quá về đầu óc, hoặc giác quan trên đầu, mặt. Ngay cả việc xem Ti vi nhiều cũng làm khí lực bốc lên trên. Đọc sách, lắng nghe, viết sách, sáng tác… nhiều quá cũng khiến khí lực bốc lên. Là người phải sử dụng đầu óc, nhưng chúng ta phải biết cân đối vừa phải, và biết giải tỏa stress, nghĩa là phải biết vận động tay chân đơn giản, biết tọa thiền để tâm xuống dưới…
Theo học thuyết âm dương ngũ hành thì âm có thế chuyển hóa thành dương, vì vậy khi làm việc đầu óc quá nhiều là ta đang đốt mất dần âm lực ở phía dưới để chuyển hóa thành năng lượng dương ở trên đầu. Cũng giống như chiếc đèn dầu đang cháy, dầu hỏa là nhiên liệu âm chuyển hóa thành ngọn lửa dương, khi hết dầu là đèn tắt.
-Những thực phẩm cay nồng như ớt tiêu, rượu cũng làm hao bớt Chân Âm.
-Những hóa dược trị bệnh, trị bệnh nào đó nhanh chóng nhưng lại phá dần Chân Âm, nhất là các loại thuốc giảm đau.
Nói tóm lại nếu phương pháp nào tập luyện làm cho đầu mát, chân nóng tức là ta đã đi đúng hướng. Điều này có nghĩa là làm cho phần nội lực bên dưới sung mãn, nhưng bên trên đầu óc lại thanh thoát nhẹ nhàng.
Những phương pháp tập luyện nào mà làm cho đầu nóng thì cần phải xét lại.
Nguồn: vntinnhanh