Sau 30 năm không thấy tăm hơi mẹ, tìm kiếm trong vô vọng, hai người con quyết định lập mộ cho mẹ thì nghe tin mẹ vẫn còn sống đã bị bán sang Trung Quốc từ trước đó.
Đã 30 năm kể từ ngày lạc mất mẹ, 2 cô con gái bé nhỏ ngày nào bây giờ đã lớn khôn và thành lập gia đình, có một cuộc sống tương đối ổn định và hạnh phúc bên gia đình nhỏ.
Hai người con gái ấy chính là chị Nguyễn Thị Kim Phượng và chị Nguyễn Thanh Hoa đã đi tìm tung tích mẹ trong nhiều năm trời vẫn không có kết quả. Đinh ninh mẹ đã chết, để đỡ nhớ thương, gia đình đã quyết định lập bàn thờ và dựng mộ gió để con cái, anh em có nơi hàng ngày tưởng nhớ…
Thế nhưng vừa qua 49 ngày giỗ mẹ, bỗng nhiên có một thanh niên trẻ tên là Nguyễn Việt Dũng (ở Hải Phòng) tìm đến với gia đình và cho hay mẹ của 2 chị vẫn còn sống. Vừa bất ngờ, vừa không tin vào tai mình, 2 chị hỏi ra mới biết anh Dũng cũng từng có mẹ bị gạt bán sang Trung Quốc.
Dũng bảo anh có hoàn cảnh giống hệt như chị Phượng và chị Hoa. Khi lớn lên, Dũng quyết tâm dành thời gian, tiền bạc lần theo mọi tin tức có được để đi tìm mẹ. Trong hành trình đi của mình, Dũng tình cờ gặp được 1 số phụ nữ Việt bị lừa bán, trong số đó có bà Nguyễn Thị Tiến (người mẹ đã mất tích 30 năm trời của chị Phượng và Hoa).
30 năm tưởng mình là trẻ mồ côi
Nhớ lại mấy chục năm về trước, năm 1987, khi Phượng 5 tuổi, em gái tên Hoa mới 3 tuổi, cha cô lúc bấy giờ đã đi bộ đội từ khi Hoa còn trong bụng mẹ, đóng quân ở biên giới Campuchia, nhưng bặt vô âm tín suốt một thời gian dài không có liên lạc về gia đình.
Lúc đó bà Tiến đã 30 tuổi, bèn đưa các con về nhà ngoại, ở thôn Liên Bình, Hợp Hòa, Tam Đảo, Vĩnh Phú (nay là Tam Dương, Vĩnh Phúc) sinh sống. Người mẹ lặn lội buôn bán khắp tỉnh kiếm tiền để nuôi nấng hai con, ngày nào cũng ra khỏi nhà từ mờ sáng đến đêm mới mò về tới nhà.
Cho đến một ngày, bà Tiến có nghe một người quen dụ dỗ đi Lạng Sơn làm ăn có thể kiếm được nhiều tiền, ngẫm nghĩ 2 đứa con cần tiền, cuộc sống khó khăn quá nên bà Tiến bấm bụng đi theo. Trước khi đi, bà Tiến không quên dặn đứa em của mình trông hộ cháu.
Ông Nguyễn Văn Thịnh (em trai bà Tiến) rớm nước mắt nhớ lại: “Khi ấy tôi mới chỉ 14 tuổi thôi, hôm chị Tiến đi có nói với tôi: Em ở nhà trông các cháu nhé, chị đi vài ngày rồi về, chị sẽ mua quà cho. Tôi còn nhớ có một người bạn của chị ấy thỉnh thoảng đến nhà chơi, cũng có nói chuyện về việc lên cửa khẩu Lạng Sơn để làm.
Nhưng tôi còn trẻ con nên cũng chẳng hiểu chuyện gì nữa, vài bữa là chị ấy đi luôn. Chỉ tội cho hai đứa nhỏ, sống vất vả không có cha mẹ, buồn nhất là mỗi khi chúng hỏi mẹ cháu đâu tôi cũng chẳng biết nói thế nào nữa. Lại lôi bức ảnh của chị Tiến chụp ngày đi bộ đội cho các cháu xem, bức ảnh đó cũng đã vàng úa hết cả, nhìn không còn rõ nữa. Những lúc đó chỉ biết ôm các cháu vào lòng khóc mà không nói được gì”.
Sau khi bà Tiến mất tích, anh chị em đã nhiều lần tổ chức đi tìm thì được người ta nói bà bị bán sang Trung Quốc. Mọi người trong gia đình vẫn nuôi hy vọng, nếu có bị bán sang Trung Quốc thì vẫn còn sống, vẫn có cách tìm được về. Thời gian trôi đi lặng lẽ, bao hy vọng dần dần cũng cạn, mọi người bắt đầu nghĩ đến điều xấu nhất xảy ra với bà Tiến.
Ông Thịnh chia sẻ: “Những năm đầu thì mọi người còn hy vọng, chờ đợi một lá thư, một tin nhắn của chị. Nhưng thời gian dài quá dần dần chúng tôi cũng hết hy vọng. Sau này chúng tôi phán đoán, có thể chị Tiến mất là do bệnh gan bởi lúc chị ấy bị bán đi là lúc vừa xuất viện xong. Sức khỏe yếu, say xe chắc không qua khỏi được đoạn đường quá dài từ Việt Nam sang bên đó”.
Chị Phượng và Hoa khi ấy còn quá bé, vốn không có cha, nay lại không có mẹ, chúng khóc ngặt mỗi khi nhớ mẹ, người thân cũng chỉ biết động viên các cháu là mẹ đi vài ngày sẽ trở về.
Ông nội khi ấy thương cháu nên đón hai đứa nhỏ về nuôi. Thế mà chỉ hơn một năm sau ông cũng qua đời, nhà ngoại thì ai cũng nghèo nên không có khả năng nhận nuôi. Thấy cảnh bơ vơ không nơi nương tựa, một người bác trên Hà Nội đã xin cho đứa lớn vào trại mồ côi, còn đứa nhỏ về ở cùng bác.
Thầy bói bảo mẹ chết rồi
Bẵng cái cũng đã 30 năm, cả hai chị em Phượng và Hoa nay đã lập gia đình. Năm 25 tuổi, Phượng kết hôn, khóc suốt đoạn đường về nhà chồng tủi thân vì không có mẹ.
Đến khi có hai cậu con trai, cô lại càng nghĩ đến mẹ nhiều hơn. “Tôi thường mơ thấy bà, nhưng chỉ thấy từ cổ xuống, giục tôi phải đi tìm. Tôi và em gái đều nghĩ mẹ đã chết nên về báo mộng”, cô kể.
Năm 2017, hai chị em Phượng cùng gia đình bên ngoại quyết định đi tìm “hài cốt” bà Tiến. Họ đi khắp các huyện Tam Dương, Phúc Yên dò hỏi, nhưng không được. Phượng nhờ thầy bói tìm tung tích mẹ và gọi được “hồn” bà lên, nói đã chết dưới sông Cà Lồ (Vĩnh Phúc). Cả gia đình cô và em gái về quê, lội sông tìm kiếm.
Không tìm thấy thi thể mẹ, hai chị em Phượng về nhà ngoại, xin phép lập mộ gió, bàn thờ nhang khói cho bà. Tháng 9, ngôi mộ hoàn thành ở nghĩa trang thôn Liên Bình.
“Hôm đó nhà chúng tôi làm hơn 20 mâm cỗ, mời các cụ trong làng đến dự, căng bạt, khóc lóc như mọi đám ma khác”, cụ Đỗ Thị Phúc, 85 tuổi, mẹ bà Tiến kể.
Thế mà điều kỳ diệu đã xảy ra, khoảng 2 hôm sau lễ 49 ngày, thì gặp anh Dũng là người đã phát hiện ra bà Tiến còn sống.
Hôm ấy, cả nhà ai cũng bất ngờ, nhất là hai chị em Hoa và Phượng vừa mừng vừa tủi. Lúc xác định chắc chắn đó là mẹ rồi, chị Phượng mới bồi hồi gọi điện lại cho số của mẹ, nhấc điện thoại, chị hồi hộp hỏi: “Mẹ ơi, con đây”.
“Là Phượng hay Hoa đấy!”, giọng người phụ nữ bên kia khản đặc vì đã khóc quá nhiều.
“Ôi mẹ ơi! Thì ra mẹ còn sống, con với em Hoa vừa mới xây mộ cho mẹ vài tháng nay thôi”, Phượng vỡ òa trong nước mắt.
Đêm đó, hai mẹ con cô tâm sự tới gần sáng, thân thuộc như mỗi ngày vẫn thế. “Tiếng Việt của mẹ lơ lớ vì lâu không nói. Mẹ bảo viết thư nhưng không có phản hồi, đánh điện thì không có số. Tôi cười, bảo mẹ bây giờ là ‘gọi điện’ chứ không nói là ‘đánh điện’ như ngày xưa nữa”, Phượng vui vẻ kể.
Sau cuộc trò chuyện, hai ngày sau, gia đình cử ông Thịnh sang Trung Quốc đón bà Tiến về. Ở nhà, chị em Phượng và Hoa cùng người thân vứt bát hương, mang búa ra nghĩa trang đập bỏ ngôi mộ mới.
Ông Thịnh cũng gấp rút lên đường sang Trung Quốc cùng với “biệt đội giải cứu” của Trung tâm Phụ nữ và Phát triển thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam để tìm chị trong tâm trạng vừa mừng vừa lo, ông mừng vì sau 30 năm xa cách, chị em lại gặp được nhau; ông lo là vì không biết chị bên đó sống tốt không? Có khỏe mạnh hay không?
Có địa chỉ trên tay, chẳng mấy chốc ông Thịnh gặp được chị gái mình. Ban đầu gặp nhau, bà Tiến không nhận ra em mình, bởi khi bà ra đi cậu út chỉ mới 14 tuổi.
“Tôi phải mang theo ảnh của cả gia đình để khi gặp chị Tiến còn đưa cho chị xem. Cũng may là nhìn vào ảnh chị nhận ra tôi, nhận ra tất cả mọi người, hai chị em chỉ biết ôm nhau khóc. Bên đó chị đã có gia đình, người chồng mất hơn 10 năm trước, có 3 người con 2 gái và 1 trai. Hai người con gái đã xây dựng gia đình rồi, tất cả chị có 5 cháu ngoại bên Trung Quốc.
Chị ấy nói tiếng Việt kém vì quá lâu không sử dụng. Thấy hoàn cảnh của chị ấy bây giờ tôi cũng yên tâm phần nào, chị ấy bảo sau thời gian vô cùng cực khổ bên Trung Quốc mấy năm nay mới gọi là tạm ổn”, ông Thịnh kể.
Năm 2018 là chẵn 30 năm bị lừa bán và biệt tích, lần đầu tiên bà Tiến được trở lại Việt Nam. Cuộc đoàn tụ của bà không diễn ra ở quê nhà mà tại Hà Nội. Mấy mẹ con khi ấy ôm chầm lấy nhau nghẹn ngào trong nước mắt.
Giọng bà Tiến lơ lớ trong tiếng nấc, bà nói: “Bị lừa bán sang Trung Quốc, khổ sở lắm. Tôi viết nhiều thư gửi về gia đình nhưng không có hồi âm. Sau này mới biết do đi lâu quá, không biết tỉnh Vĩnh Phúc và huyện đã tách nhập, khi ghi địa chỉ cũ thì không ai nhận được thư. Quá khứ cay đắng, các con tôi đã chịu nhiều thiệt thòi quá “…
Chúc Di (t/h)