Những phát hiện mới của ngành khảo cổ học đã chứng minh được sự tồn tại của người khổng lồ. Từ đây người ta đã lần giở lại những ghi chép cổ xưa về người khổng lồ, và tìm thấy được rất nhiều chi tiết trùng hợp.
Trên thế giới, có rất nhiều dân tộc lưu truyền những truyền thuyết về người khổng lồ. Người khổng lồ vẫn thường xuất hiện trong các truyện thần thoại cổ tích xưa.
Trong thần thoại Hy Lạp có nói, đảo Sicilia có tồn tại người khổng lồ một mắt rất dũng mãnh. Trong truyện cổ Grimm cũng có nói đến người khổng lồ, ví dụ như “Chàng khổng lồ trẻ tuổi”, “Gã khổng lồ và người thợ may”, “Jack và đậu hà lan”, giúp những bạn nhỏ có thể mở ra một cánh cửa thần kỳ.
Trong “Gulliver du ký” đã miêu tả về đất nước của những người khổng lồ. Trong thần thoại Trung Quốc cũng có ghi lại chuyện về những người khổng lồ như thế.
Vậy người khổng lồ có phải chỉ là truyền thuyết? Chỉ là sự tưởng tượng của người xưa? Khảo cổ học khai quật được ngày càng nhiều, đã chứng minh được sự tồn tại của người khổng lồ, chứ không phải chỉ là trong truyện thần thoại. Ở Trung Quốc trong rất nhiều sách cổ, chúng ta cũng có thể tìm thấy những ghi chép tương tự.
Ghi chép về người khổng lồ trong chính sử
Năm thứ 26 thời Tần Thủy Hoàng (năm 220 TCN), sách sử ghi lại ở gần vùng Lâm Thao (nay là huyện Mân tỉnh Cam Túc) có xuất hiện 12 người khổng lồ, bọn họ thân cao 5 trượng (1 trượng = 3,33m), chân dài 6 xích (1 xích = 0.33m), ăn mặc trang phục của dân tộc thiểu số.
Cũng năm đó, Tần Thủy Hoàng vừa mới thống nhất được sáu nước, cho rằng đây là điềm lành, nên cho nấu chảy binh khí, phỏng theo hình tượng của người khổng lồ để chế tạo mười hai tượng đồng. Việc này được ghi lại trong “Hán thư . Ngũ hành chi”.
Trong “Hán thư. Vương mãng truyện” cũng chép lại về một người khổng lồ. Năm thứ 6 thời hoàng đế Vương Mãng (năm công nguyên 14) thiên hạ đại loạn, đạo tặc nổi lên khắp nơi, dân tộc Hung Nô xâm phạm biên ải, vì vậy Hàn Bác đã tiến cử lên Vương Mãng một người cao lớn tên là Cự Vô Bá, là người ở huyện Bồng Lai, tỉnh Sơn Đông, thân hình cao lớn đến hơn một trượng. Anh ta nguyện sẵn lòng vì nước, ra sức chống lại quân Hung Nô.
Bởi vì Cự Vô Bá dáng người to lớn, xe bình thường không thể chở anh ta đi được, phải dùng đến bốn con ngựa và chế tạo xe đặc biệt mới có thể dùng được. Anh ta ngủ phải dùng cái trống để gối đầu, ăn cơm phải dùng đũa bằng sắt mới gắp được.
Việc này trong “Hậu hán thư” quyển 1 cũng được xác minh. Cự Vô Bá không chỉ có dáng người cao lớn, mà còn giỏi sử dụng hổ, báo, voi, tê giác để tham gia chiến đấu. Vương Mãng kêu gọi kỳ tài dị sĩ khắp thiên hạ để giúp mình, và Cự Vô Bá là một chiến tướng trong số đó.
“Hán thư” và “Hậu hán thư” đều nghiên cứu lịch sử rất nghiêm túc, đều được các học giả từ xưa đến nay khen ngợi. Bằng chứng từ hai bộ chính sử này đã khẳng định triều đại nhà Hán có tồn tại người khổng lồ.
Những ghi chép trong dân gian
Trong quyển 6 của “Di kiên bính chí” có ghi lại, ở thị trấn Bản Kiều, Mật Châu (nay là khu vực Chư Thành, phía Đông Nam của tỉnh Sơn Đông) có một người muốn đi ra biển để đến Quảng Châu.
Khi ở trên biển gặp phải gió lớn, lại cộng thêm sương mù, nên không thể phân biệt được phương hướng, cứ thuận theo gió mà đi. Đã qua hơn mười ngày, nước ngọt trên thuyền đã hết, lúc mọi người sắp chết khát thì nhìn thấy từ phía xa có một hòn đảo, thế là vội vàng cho thuyền đi đến.
Sau khi lên bờ, bọn họ lấy được rất nhiều nước ngọt từ suối. Lại thấy ở trên đảo có rừng táo rất lớn, sai trĩu quả, thế là bọn họ lại hái được rất nhiều táo để ăn. Ở trên đảo sản vật phong phú, mọi người đều lưu luyến nơi này, nên đi vào hang động ở trong núi để nghỉ ngơi một chút.
Chỉ một lát sau, có bốn người khổng lồ đi về phía bọn họ. Từng người đều cao hơn hai trượng, tóc rối bù, cơ thể trần truồng. Đám người khổng lồ nhìn thấy những người này cũng rất kinh ngạc, liền thì thầm to nhỏ với nhau. Sau đó ba người khổng lồ đi ra ngoài, bọn họ đi lại rất nhanh, giống như là cưỡi ngựa chạy, người khổng lồ còn lại bít hang động sau khi đi ra.
Cũng may cửa động bít không kín, nên mọi người vẫn có thể lẻn ra được khỏi động, sau đó chạy ngay trở lại thuyền. Bọn họ chỉ vừa cởi dây thừng ra, thì thấy có một người khổng lồ đuổi tới, giữ thuyền của họ lại.
Những người trên thuyền ra sức chèo, nhưng thuyền vẫn không thể nhúc nhích được. Trong tình thế cấp bách, có người lấy móc câu giữ lấy cánh tay của người khổng lồ, đồng thời dùng rìu chặt đứt một cánh tay của người khổng lồ, vậy là mọi người có thể thoát khỏi và lên đường.
Sau khi bọn họ trở về nhà, đưa cho mọi người ở quê xem cánh tay của người khổng lồ, phải dài hơn năm xích. Như trong tác phẩm “Di kiên chí” của đại học sĩ Hồng Mại có nói, Cao Tư Đạo lúc ở thị trấn Bản Kiều, cũng từng nhìn thấy cánh tay này. Thẩm Nhã đã kể cho Hồng Mại ghi chép lại.
Trong quyển tám của “Di kiên ất chí” cũng ghi lại chuyện về “Trường nhân quốc” (đất nước người cao lớn), người hiện đại vẫn gọi là xứ sở của người khổng lồ. Nói rằng ở Minh Châu có thuyền đi ra khơi, một ngày bỗng nhiên bốn phía sương mù, cuồng phong gào thét, thuyền viên không cách nào phân biệt được phương hướng. Đợi đến lúc thời tiết có phần dịu hơn, bọn họ phát hiện thuyền đã dạt vào một hòn đảo.
Hai thuyền viên liền cầm đao đi lên bờ, chuẩn bị chặt lấy ít củi khô. Nhìn thử xung quanh, thấy ngoài trăm bước có hàng rào trúc, đi vào trong thấy có ruộng rau, biết là có nhà dân ở gần đây.
Thuyền viên đang định ngồi xuống hái ít rau cỏ, chợt nghe có một tràng vỗ tay. Ngẩng đầu nhìn lên, thì thấy đó là một người khổng lồ, thân cao bốn trượng, nhưng đi lại nhanh nhẹn.
Hai người vô cùng kinh hãi, vội vàng bỏ chạy. Có người chậm chân hơn một chút bị người khổng lồ bắt được và trói anh ta vào một cái cây. Một lát sau, người nọ nhìn thấy người khổng lồ mang đến một cái tô lớn, biết rõ là đang định ăn thịt mình nên càng hoảng sợ, chợt nhớ ra ở bên hông có giắt thanh đao, thế là nén đau, chặt đứt dây trói, chạy trở về thuyền, nhanh chóng chèo thuyền ra khơi.
Tuy thuyền đã đi cách bờ rất xa, nhưng người khổng lồ vẫn còn đuổi theo trên biển, người khổng lồ đi trên biển mà như đi trên đất bằng, vì nước mới đến bụng của anh ta mà thôi.
Bách khoa toàn thư cũng viết về những bộ hài cốt khổng lồ
Hiện nay khắp nơi trên thế giới đều đã phát hiện được không ít hài cốt của những người khổng lồ, ví dụ như ở Thổ Nhĩ Kỳ phát hiện được rất nhiều hài cốt hóa thạch của người khổng lồ, ở phía Đông thành phố Mexico phát hiện thấy một cái đầu lâu hoàn chỉnh của người khổng lồ. Ở đảo PP của Thái Lan cũng phát hiện được hài cốt của người khổng lồ cao 3,1m. Trong những sách cổ của Trung Quốc cũng có thể tìm thấy những ghi chép về người khổng lồ.
Trong quyển 21 của “Mộng khê bút đàm”, tác giả Thẩm Quát có ghi lại, trên đỉnh núi Thiên Sơn ở phủ Diên Châu, có một ngôi chùa tên là Phụng Quốc. Trong sân chùa có một ngôi mộ, tương truyền đó là mộ của Thi Bì Vương.
Theo như ghi chép trong cuốn sách về Phật giáo “Đại trí luận”, thì Thi Bì Vương từng cắt thịt của mình cho chim ưng ăn. Vào triều đại nhà Tống, dưới chân núi Thiên Sơn có sông Trạc Cân, có huyện Phu Thi. Tra cứu kỹ hơn ý nghĩa của từ “Phu Thi” khá tương đồng với truyền thuyết về Thi Bì Vương.
Trong năm Khánh Lịch triều đại nhà Tống, những người ở Diên Châu đã phá hủy chùa Phụng Quốc. Mọi người đào bới mộ của Thi Bì Vương, thấy quan tài đã hoàn toàn mục nát, nhưng hài cốt trong quan tài vẫn được bảo tồn hoàn hảo. Mọi người nhìn thấy xương ống chân của Thi Bì Vương dài hơn hai xích, xương sọ cũng rất lớn. Đồng thời bên trong còn có rất nhiều đồ bằng ngọc quý giá. Lúc ấy, Hạ Nguyên Tượng đảm nhiệm việc này, tự mình giám sát, về sau kể lại chi tiết cho Thẩm Quát.
Những ghi chép về người khổng lồ lần lượt xuất hiện trong sách cổ, trong chính sử, hoặc là bách khoa toàn thư, hoặc do dân chúng nhìn thấy. Đối với những ghi chép về người khổng lồ, thì Tượng Ban Cố, Phạm Diệp, Thẩm Quát đều là những nhà sử học, nhà khoa học cẩn thận, chặt chẽ.
Từ xưa đến nay, đã có rất nhiều tài liệu ghi chép về người khổng lồ, có thể thấy người khổng lồ không chỉ xuất hiện trong thần thoại, truyền thuyết, mà còn thực sự tồn tại trên trái đất. Đất trời rộng lớn, sinh mệnh phong phú đa dạng, không chỗ nào không có, thật khiến người ta cảm khái.
Chân Chân (Theo Epoch Times)