Một số người dân ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc đã kiện chính quyền địa phương vì cách xử lý kém đại dịch Vũ Hán khi dịch bệnh bùng phát vào cuối năm ngoái, khiến vô số người thiệt mạng.
Theo Trang Dân Trí, vào đầu tháng 1, bà Hu Aizhen, 65 tuổi, nghe tin về virus Vũ Hán xuất hiện ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, nơi bà đang sinh sống. Bà không quá lo lắng vì các quan chức nói rằng đây là mầm bệnh không lây nhiễm. Do đó, bà vẫn tiếp tục nhịp sống như bình thường và chuẩn bị cho tết Âm lịch sắp tới vào cuối tháng.
Trước khi Vũ Hán bị phong tỏa, bà Hu bắt đầu có triệu chứng giống như viêm phổi. Sau nhiều ngày chờ đợi và tìm kiếm bệnh viện, bà đã được làm xét nghiệm. Kết quả của bà là âm tính, nhưng xét nghiệm vào thời điểm đó được xem là không chính xác và bà có những dấu hiệu rõ ràng đã nhiễm virus. Mặc dù vậy, bà đã bị 6 bệnh viện từ chối điều trị.
Bà Hu vốn luôn khỏe mạnh nhưng đã phải ở yên tại nhà trong 10 ngày, không thể ăn uống và sức khỏe suy kiệt. Khi mẹ trở nên nặng hơn, con trai bà Hu đã quyết định đưa bà tới một bệnh viện ở một khu vực khác nhưng cảnh sát ngăn họ lại. Dưới lệnh phong tỏa, họ không thể đi sang khu vực khác. Quá tuyệt vọng, người con này chỉ biết nói lớn: “Các ông có phải là người không?”.
Hôm 8/2, sau khi nhập viện, bà Hu rơi vào tình trạng khó thở. Bác sĩ điều trị đã yêu cầu tiến hành xét nghiệm thêm cho bà, nhưng mọi chuyện đã quá muộn. Bà tỉnh lại trong giây lát, gọi con trai cho uống nước. Sau đó, bà qua đời.
Con trai bà Hu hiện đang nộp đơn kiện lên chính quyền thành phố Vũ Hán với cáo buộc giới chức che giấu sự nghiêm trọng của dịch bệnh, theo tài liệu gửi lên tòa án do tổ chức phi chính phủ, Funeng chuẩn bị.
Con trai của bà Hu nằm trong nhóm cư dân muốn nhận được câu trả lời, sự bồi thường hoặc đơn giản là một lời xin lỗi từ những quan chức, những người phải mất nhiều tuần mới thông báo cho công chúng biết về mối đe dọa của virus gây ra cái chết cho khoảng 4.000 người ở Trung Quốc, theo số liệu chính thức.
Tương tự con trai bà Hu, một người mẹ là công chức cũng đã kiện chính quyền Hồ Bắc sau khi chứng kiến con gái 24 tuổi qua đời vì virus Vũ Hán. Ngoài ra còn có một người đàn ông có mẹ chết ở bệnh viện ngoại ô Vũ Hán.
“Những chuyện này sẽ không xảy ra nếu họ thông báo cho chúng tôi. Rất nhiều người sẽ không phải chết”, một người họ hàng có liên quan tới một trong những vụ kiện cho hay.
“Tôi muốn có câu trả lời. Tôi muốn những người chịu trách nhiệm phải bị luật pháp trừng phạt”, một người khác nói.
Theo Guardian, khi dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc với hàng nghìn ca nhiễm được xác nhận mỗi ngày, sự phẫn nộ của công chúng nước này đã “leo thang chưa từng thấy trong hàng chục năm qua”.
Hơn hai tháng sau, căng thẳng được cho là đã giảm xuống khi xuất hiện nhiều thông tin trên truyền thông Trung Quốc về việc nước này đã đoàn kết chống dịch thành công, Trung Quốc còn gửi viện trợ cho các nước trên thế giới.
Tuy nhiên vào tháng 2, ông Zhang Hai, 50 tuổi, người có cha tử vong vì virus Vũ Hán, nói rằng ông biết nhiều gia đình vẫn đang cảm thấy “tức giận” vì mất người thân.
Theo Guardian, một số người dân cho rằng việc chính quyền trung ương trừng phạt một số quan chức bằng cách thay thế họ dường như là không đủ.
Wu, 49 tuổi, kể rằng bà nhiễm virus Vũ Hán từ tháng 1 nhưng không được chẩn trị tới tháng 3. Trong bệnh viện, bà nhìn cảnh nhiều người chết đi mỗi ngày và cảm thấy lo sợ cho bản thân mình. Wu hiện nộp đơn kiện bệnh viện chữa cho bà vì cáo buộc không xác nhận bà bị nhiễm virus Vũ Hán rồi cho người phụ nữ này xuất viện.
Tâm lý giận dữ sau đại dịch cũng được truyền tải theo những cách khác. Hàng chục chủ cửa hàng ở một trung tâm mua sắm ở Vũ Hán đã biểu tình trong tháng này, yêu cầu giảm giá tiền thuê sau hàng tháng trời họ không mở cửa công việc làm ăn. Tại Ứng Thành, thành phố ở phía tây Vũ Hán, người dân bày tỏ sự phản đối với việc giá thành thực phẩm bị ban quản lý cộng đồng đẩy lên cao, theo Guardian.
Trong một diễn biến liên quan, theo trang tin Đông Phương, Hồng Kông, công ty luật Berman Law Group của Mỹ tháng trước đã phát động một vụ kiện tập thể ở bang Florida. Luật sư Jeremy Alters, người hoạch định và dẫn dắt vụ kiện, đã cáo buộc chính phủ Trung Quốc che giấu dịch bệnh dẫn đến đại dịch bùng phát, gây nên tổn thất về sinh mạng và tài sản yêu cầu bồi thường những thiệt hại liên quan.
Cho đến nay, đã có hơn 10.000 người từ hơn 40 quốc gia trên khắp thế giới tham gia vào vụ kiện tập thể này. Bà Lorraine Caggiano, một trong những nguyên đơn đến từ New York, nói rằng cùng với bà, đã có tổng cộng 10 người thân trong gia đình bị nhiễm bệnh và hai người trong số họ đã chết vì dịch Vũ Hán.
Như vậy, sự bùng phát của dịch Vũ Hán trên toàn cầu đã khiến Trung Quốc trở thành mục tiêu bị chỉ trích ở khắp nơi. Cũng trong bối cảnh này, các công ty luật ở Mỹ và Israel gần đây đã khởi xướng các vụ kiện quốc tế chống lại Trung Quốc, đòi bồi thường thiệt hại do đã gây ra đại dịch này.
Lương Phong (t/h)