Tinh Hoa

Người đàn ông gia nhập vào quân đội nhưng từ chối cầm súng vì niềm tin vào Chúa

Được gia nhập quân đội và cầm súng để bảo vệ đất nước, tiêu diệt kẻ thù là niềm mơ ước của bất cứ chàng trai trẻ nào trên đất Mỹ. Nhưng đối với Desmond Doss, ông luôn giữ lời răn của Chúa trong tim “Chớ có giết người” và gia nhập quân đội với mục đích duy nhất là để cứu người, mặc lời bàn tán, chế nhạo của đồng đội và những người xung quanh.

Doss được Tổng thống trao huân chương. (Ảnh: cbsnews)

Sinh ngày 7/2/1912, Desmond Doss từ nhỏ đã là cậu bé mộ đạo Thiên Chúa, tính cách tốt bụng, ôn nhu được thừa hưởng từ người mẹ giàu tình yêu thương. Doss từng đi bộ 10 cây số chỉ để đến hiến máu cho một người hoàn toàn xa lạ sau khi nghe tin báo trên radio. Vài ngày sau đó, ông tìm đến bệnh xá để tiếp tục hiến tặng máu cho bệnh nhân ấy.

Từ bé, Doss đã rất ghét bạo lực và vũ khí. Điều này một phần đến từ niềm tin tôn giáo của ông. Suốt cuộc đời mình, Doss luôn tự nhủ mình dù trong hoàn cảnh nào cũng không được ra tay giết người. Nguyên nhân khác bắt nguồn từ người cha bạo lực của Doss. Một lần ông tận mắt chứng kiến cha mình dùng khẩu súng đe dọa người chú khi cả hai cãi nhau. Khi ấy, mẹ Doss giật khẩu súng từ tay chồng và bảo con trai hãy mang giấu nó đi nơi khác. Đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng ông cầm súng.

Bị chê cười là một tên lính hèn nhát

Desmond Doss trước khi gia nhập quân ngũ, ông từng làm công nhân đóng tàu cho nhà máy Newport News Naval, tiểu bang Virginia. 

Cho đến khi chiến tranh thế giới thứ 2, sau cuộc tập kích Trân Châu Cảng do phát xít Nhật thực hiện khiến Mỹ tuyên bố tham chiến vào cuối năm 1941, Doss cùng hàng trăm thanh niên khác háo hức nhập ngũ để chiến đấu bảo vệ đất nước. Tuy nhiên, là một con chiên ngoan đạo và giàu đức tin, Doss từ chối cầm súng chiến đấu trực tiếp trên mặt trận và xin làm việc ở bộ phận cứu thương trong đại đội.

Việc từ chối cầm súng của ông khiến không ít người trong quân đội khó chịu và xem thường. (Ảnh qua Helino)

Việc từ chối cầm súng của ông khiến không ít người trong quân đội khó chịu và xem thường, họ cho rằng Doss chỉ là một tên hèn nhát và yếu đuối, không xứng đáng với đất nước. Hằng ngày ông đều bị ép phải làm việc rất nhiều, trong khi ngày chủ nhật tất cả mọi người được nghỉ thì Doss phải làm việc gấp đôi, gấp ba. Họ thậm chí còn đe dọa, mắng mỏ và xa lánh ông rồi thẳng thừng tuyên bố Doss “không phù hợp với quân đội”. Tất cả xem ông như một gánh nặng và chỉ hi vọng ông có thể nản chí mà xuất ngũ về nhà, thậm chí các sĩ quan cấp cao cũng không ít lần muốn ‘tống cổ’ ông ra khỏi quân đội.

Một đồng đội còn trêu ghẹo cảnh báo ông rằng: “Doss, tôi chắc chắn anh sẽ không sống sót quay về”. Chẳng ai tin một chiến sĩ không vũ trang lại xứng đáng đứng trên tiền tuyến. 

Nhưng bất chấp những lời chế nhạo, Doss vẫn giữ vững niềm tin. Trí óc anh luôn ghi nhớ câu nói “Nếu yêu ta, con sẽ không giết chóc” của Đức Chúa. Doss thề rằng không bao giờ cướp đi sinh mạng người khác. Hằng đêm ông luôn tâm sự và cầu nguyện cùng Chúa, sự mộ đạo của ông khiến nhiều người còn cho rằng ông bị bệnh tâm thần.

Tuy nhiên, hết thảy những khổ nạn đó đều không khiến Doss nhụt chí, và thay đổi sự lương thiện trong ông. Doss chưa từng oán hận bất kỳ ai cũng như buồn phiền quá nhiều về điều đó, ông vẫn dùng sự chân thành để đối đãi với hết thảy mọi người. Bất chấp mọi sự bất công, khinh miệt, tinh thần yêu nước của ông không cho phép Doss bỏ cuộc, ông làm mọi cách để từ chối việc bị đuổi khỏi quân ngũ. Doss muốn chứng minh cho tất cả mọi người thấy được rằng chiến tranh không nhất thiết chỉ có bạo lực, chết chóc.

Có lần rất nhiều người lính đôi chân bị phồng rộp do nhiều ngày hành quân mệt mỏi, Doss đã tìm mọi cách để chữa lành cho họ. Nếu ai đó bị say nắng hay cảm cúm, ông không ngại nhường giường cho họ nằm nghỉ. Doss tốt bụng với tất cả mọi người, kể cả những người đã từng chế nhạo ông.

Người anh hùng không cần cầm súng

Trên chiến trường, Doss dồn hết tâm sức để hỗ trợ, cứu thương cho các đồng đội, bất chấp nhiều nguy hiểm đe dọa trực tiếp đến tính mạng. Vào mùa hè năm 1944, Doss được lệnh đến Guam và Leyte (Philippines) để làm nhiệm vụ, trong lúc đồng đội nổ súng giết địch, còn ông thì bận rộn trong việc cứu người. Chỉ cần nghe tiếng gọi “y tế” trên chiến trường, Doss sẵn sàng chạy đến, mặc kệ nguy hiểm. Không ít lần, để chăm sóc đồng đội, chàng bác sĩ ở gần quân địch đến mức nghe thấy những lời thì thầm bằng tiếng Nhật. Giữa chiến trường bom đạn máu me, ông không sợ hiểm nguy xông pha cứu người, kể cả kẻ địch ông cũng không nỡ bỏ mặc. Kết thúc trận Leyte, Doss được trao tặng Huân chương Sao Đồng rồi lên đường tới Okinawa (Nhật Bản).

Desmony Doss và vợ. (Ảnh qua Helino)

Tháng 3/1945, trong một đêm trên chiến trường ở Hacksaw Ridge, phía nam đảo Okinawa, quân Mỹ đổ bộ lên đảo Okinawa và vấp phải sự kháng cự quyết liệt của quân Nhật. Sau nhiều ngày giằng co, đơn vị của Doss bị sa lầy và hứng chịu thương vong rất lớn. Người chết và bị thương nhiều không đếm xuể. Trong tình thế nguy kịch, thay vì phải tìm nơi trú ẩn thì Doss lại dũng cảm lao vào vòng bom đạn đang nổ ra kịch liệt để cứu giúp những người bị thương vẫn còn đang nằm ở chiến trận, từng người từng người một được đưa đi bằng chiếc cán do anh tự chế.

Khi đó, Doss chỉ biết cầu nguyện với Chúa rằng: “Hãy cho con cứu thêm 1 người nữa” và trong suốt 12 giờ đồng hồ, ông đã cứu sống được 75 người, bao gồm cả đại úy Jack Glow, người trước đó từng chê cười và chèn ép Doss đủ đường.

2 tuần sau, trận chiến khốc liệt tiếp diễn, Doss không may bị một mảnh lựu đạn văng trúng người. 5 giờ sau đó, ông bị bắn gãy xương tay. Nhưng Doss vẫn cắn răng chịu đựng, kiên cường làm cho xong nhiệm vụ của mình. Anh ưu tiên cứu chữa cho một đồng đội bị thương trước, sau đó mới bò 270m đến trạm sơ cứu điều trị thương tích trên người của mình.

Ngày 12/10/1945, Doss trở thành người phản đối chiến tranh đầu tiên được trao trao tặng Huân chương danh dự, phần thưởng cao quý nhất trong quân đội Mỹ được trao cho quân nhân có hành động thể hiện sự dũng cảm vượt xa yêu cầu của nhiệm vụ, từ Tổng thống “Anh thực sự rất xứng đáng. Tôi xem đây là vinh dự lớn lao hơn cả việc làm Tổng thống” – Tổng thống Truman nói với Doss.

Doss trở thành người phản đối chiến tranh đầu tiên được trao trao tặng Huân chương danh dự. (Ảnh qua Helino)

Những bỏ qua mọi lời ca tụng và tôn vinh, Doss vẫn luôn giữ thái độ khiêm nhường, bởi ông tâm niệm mọi sự tốt đẹp đều là Chúa đã dành cho ông: “Mọi vinh quang nên thuộc về Thiên Chúa. Chưa kể Người đã cứu tôi biết bao lần.”

Đến khi hòa bình lập lại, Doss phải trải qua hơn 5 năm chữa trị trong bệnh viện bởi những vết thương do chiến tranh để lại, anh còn mất một bên phổi do bệnh lao. Sức khỏe yếu kém, chàng binh nhì năm xưa không tìm được công việc nên dành thời gian còn lại cho việc cầu nguyện cùng Chúa. 

Đến năm 2006, khi ấy ông đã 87 tuổi, trong một cơn đau phổi nặng Doss đã qua đời tại nhà riêng. Sau đó tang lễ của ông được tổ chức trọng thể theo nghi thức quân đội với máy bay trực thăng đưa tiễn thi hài ra nghĩa trang quốc gia Tennessee.

Doss khi về già. (Ảnh: Courtesy Desmond Doss Council)

Chúc Di (t/h)