Tinh Hoa

Người dân muốn giữ lại cầu Nhị Thiên Đường

(PL)- Công ty Pháp đưa ra phương án nâng cấp cầu như cầu mới với tuổi thọ 100 năm nhưng không được chọn.

Có mặt tại cầu Nhị Thiên Đường (quận 8, TP.HCM) hôm có thông tin về đề xuất phá bỏ cầu để xây cầu mới khang trang, hiện đại vừa giải quyết nhu cầu giao thông của TP.HCM, vừa đảm bảo đồng bộ với cầu Nhị Thiên Đường 2, nhiều người dân tỏ ra bất ngờ. Nhướn đôi mắt đượm buồn nhìn về phía cây cầu rồi cố nén tiếng thở dài, ông Nguyễn Văn Sơn (72 tuổi) buồn bã: “Cây cầu này đã có từ trước khi tôi sinh ra. Với tôi và những người bạn cùng thời, cây cầu này đã gắn bó và chứa đựng cả một vùng ký ức tuổi thơ. Giờ nghe tin phá bỏ cầu, tôi đau lòng lắm”.

Công trình cần bảo tồn

Từ sau năm 2003, khi có cầu Nhị Thiên Đường mới thì tên cầu đặt lại, đã gắn thêm số 1, 2 lần lượt cho cầu cũ, cầu mới. Theo Sở gtvt, cầu nhị thiên đường đã xuống cấp trầm trọng nên chỉ khai thác tải trọng 1,5 tấn. Vì vậy, cầu Nhị Thiên Đường 2 (cầu mới) nhường một làn xe cho các ô tô trên 1,5 tấn lưu thông (hướng từ quận 8 đi Bình Chánh).

Trên thực tế, do hạn chế nêu trên, nhiều người dân qua cầu này rất e ngại vì rủi ro xảy ra tai nạn giao thông. Gần đây nhất là vụ xe ben tuột dốc cầu, tông sập nhà dân, làm hai người trong nhà bị thiệt mạng (cuối tháng 5-2015). Đại diện Sở GTVT cho biết nếu cầu Nhị Thiên Đường 1 đáp ứng các yêu cầu tải trọng, không hạn chế các loại ô tô trên 1,5 tấn thì giao thông khu vực sẽ được tổ chức hoàn chỉnh hơn và sẽ góp phần hạn chế tối đa các tai nạn giao thông đáng tiếc như trên. “Vì vậy, việc sửa chữa, nâng cấp hoặc xây mới cầu này là rất cần thiết và cấp bách” – đại diện Sở GTVT thông tin.

Nhiều người dân bày tỏ lo lắng trước khả năng cầu Nhị Thiên Đường có giá trị kiến trúc và là di tích lịch sử sắp bị phá dỡ. Ảnh: HTD

Theo tìm hiểu của phóng viên, từ năm 2014, Công ty TNHH Freyssinet Việt Nam (Pháp) đã khảo sát, nghiên cứu sửa chữa cầu Nhị Thiên Đường cũ. Công ty này cam kết sửa chữa cầu theo hướng: Nâng tĩnh không thông thuyền, mở rộng mặt cắt ngang (thành 12 m, tương đương cầu Nhị Thiên Đường mới), khôi phục chiếu sáng, làm lại lan can; đặc biệt sẽ nâng sức chịu tải, không hạn chế tải trọng… sau khi hoàn tất sửa chữa, nâng cấp, cầu sẽ có tuổi thọ thiết kế đến 100 năm và Freyssinet sẽ bảo hành công trình 20 năm. Theo tính toán, tổng mức đầu tư của phương án này hơn 138 tỉ đồng (trong đó tiền giải phóng mặt bằng hơn 3 tỉ đồng).

Việc đề xuất sửa chữa nêu trên được coi là phù hợp với lựa chọn của TP.HCM trước đó. Cụ thể, theo Sở QH-KT, cầu Nhị Thiên Đường 1 thuộc công trình cần bảo tồn cảnh quan, kiến trúc. Điều này đã được xác định tại một văn bản của UBND TP vào năm 1996. Tương tự, Hội đồng Kiến trúc – Quy hoạch cũng vừa họp, kết luận và đề nghị chọn phương án sửa chữa, nâng cấp cầu trên cơ sở bảo tồn giá trị kiến trúc của cầu.

Biểu tượng Sài Gòn xưa

Sở GTVT cho rằng nếu phải sửa chữa, nâng cấp sẽ dẫn đến kiến trúc hai cầu (cũ, mới) không cân đối, chi phí sửa chữa cầu cao (suất đầu tư của sửa chữa nâng cấp cao hơn so với xây mới…). Ngoài ra, tuy nhà thầu cam kết tuổi thọ 100 năm nhưng chỉ bảo hành 20 năm, lại ràng buộc nhiều yêu cầu cao (không bị tác động bởi xe quá tải, quá khổ…) mà Việt Nam khó đáp ứng.

Bên cạnh một số lý do khác, Sở GTVT kiến nghị UBND TP phá bỏ cầu cũ, xây lại cầu mới và do tính cấp bách nên xin được miễn thủ tục thi tuyển kiến trúc khi xây mới cầu (dù theo yêu cầu của Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín khi xây mới cầu trong nội đô phải phối hợp với Sở QH-KT thi tuyển kiến trúc).

Trước thông tin này, nhiều người dân am hiểu về giá trị kiến trúc, lịch sử của cây cầu đã bày tỏ nhiều lo ngại. Bởi lẽ cầu Nhị Thiên Đường đã trở thành một biểu tượng của Sài Gòn xưa, in sâu vào trí nhớ của họ. Mỗi chiều về, các cụ già tóc bạc ở khu vực thường xuyên tản bộ trên cầu. Cụ Nguyễn Văn Sơn nói: “Chiếc cầu quá đỗi quen thuộc với cư dân khu vực. Nó không chỉ chứa đựng những nét kiến trúc độc đáo mà còn là nhân chứng theo một chặng đường dài của lịch sử hình thành và phát triển của thành phố nên nếu phải phá bỏ là rất đáng tiếc”.

Ba phương án

Sửa cầu: Tuổi thọ thiết kế 100 năm, rộng bằng cầu Nhị Thiên Đường 2, không hạn chế tải trọng. Cần hơn 138 tỉ đồng, trong đó có hơn 3,2 tỉ đồng giải phóng mặt bằng để mở rộng lề bộ hành, giữ được cơ bản kiến trúc và kết cấu cầu hiện hữu.

Xây mới: Tuổi thọ thiết kế 100 năm, rộng bằng cầu Nhị Thiên Đường 2, không hạn chế tải trọng. Nếu ở vị trí hiện hữu thì phải giải phóng mặt bằng (khoảng 40 tỉ đồng) và tổng mức đầu tư gần 243 tỉ đồng.

Xây mới: Tuổi thọ thiết kế 100 năm, rộng bằng cầu Nhị Thiên Đường 2, không hạn chế tải trọng. Dịch chuyển tim cầu đi 14 m (để không phải giải phóng mặt bằng) thì tổng mức đầu tư hơn 163 tỉ đồng. Sở GTVT chọn phương án này.

Nhân chứng lịch sử

Tư liệu đang được Đảng bộ, chính quyền quận 8 lưu giữ cho thấy cầu Nhị Thiên Đường là một địa danh – di tích của địa phương, vì cầu là nhân chứng lịch sử oai hùng của người dân quận 8.

Theo đó, giữa tháng 11-1945, quân Pháp mở các đợt tấn công quy mô vào mặt trận phía Nam nhằm mở rộng chiến tranh về các tỉnh miền Tây. Ngày 20-11-1945, Pháp từ đồn Cây Mai và thành Ô Ma chia làm ba hướng: hướng Xóm Củi từ Xóm Đình ra bến Nguyễn Duy ra khu vực kho gạo, hướng chính theo trục đường Tùng Thiện Vương tấn công qua cầu Nhị Thiên Đường và hướng từ bót Bình Đông vượt qua sông đánh từ cầu Bà Tàng đánh lên. Lực lượng ta được biết trước và đã ưu tiên bố trí lực lượng để chặn.

Từ sáng cùng ngày 20-11 nói trên, các mũi của địch đồng loạt nổ súng nhưng vấp phải những đòn giáng trả của quân ta ở tất cả các mũi, trong đó dữ dội nhất là trận diễn ra ở cầu Nhị Thiên Đường. Đến 10 giờ trưa, địch vẫn không thể tiến được lên cầu và khoảng hai giờ sau, địch tập trung toàn bộ lực lượng tiến công thẳng lên cầu hòng đảo để vượt sang bên này cầu rồi đóng chốt luôn. Tuy nhiên, lực lượng ta ở tập trung hỏa lực và bộ binh đáp trả quyết liệt. Trước sức mạnh phòng thủ kiên cường của quân ta, địch phải rút lui.

Trước đây cầu Nhị Thiên Đường còn được gọi là Cầu Mới. Đến nay cây cầu này là một di tích lịch sử ghi dấu thời kỳ Nam Bộ kháng chiến (ở quận 8, TP.HCM).

HỒNG TRÂM – GIA NGHĨA

Theo Pháp Luật TP.HCM