Ngày nay, vợ chồng ly hôn là một cuộc chiến không khoan nhượng, tranh giành đủ thứ, cũng không ngớt những lời mạ lỵ đối phương. Thế nhưng, vợ chồng ngày xưa ly hôn là một cảnh tượng hoàn toàn khác hẳn.
Tại hầm mộ Mạc Cao thuộc Đôn Hoàng, người ta khai quật được một số văn tự ghi chép thời Đại Đường, trong đó có một văn bản mẫu thể hiện nội dung cơ bản của một tờ đơn ly hôn, mà thời đó gọi là “phóng thê thư” (giấy bỏ vợ). Phóng thê thư được lan truyền nhanh chóng trên các trang mạng của Trung Quốc.
Đối với người hiện đại, ly hôn giống như một cuộc chiến dai dẳng, tranh giành nhau hết thứ này đến thứ nọ, nhưng “thư bỏ vợ” của người Đường lại thể hiện điều ngược lại. Đó là một phong thái dịu dàng, tràn ngập tình cảm nhưng cũng hết sức lý trí. Bức thư làm người đọc cảm thấy vừa buồn cười vừa khó tránh khỏi cảm phục sự thấu đáo và ân tình của người xưa.
Mẫu đơn thư này cho thấy rõ ràng một phong thái văn chương ung dung, tình cảm dịu dàng miên man.
Nội dung đơn thư đầu tiên là kể lại câu chuyện nhân duyên của hai người, tưởng nhớ đến những ngày ân ái vợ chồng nhưng bất hạnh gặp phải “kết duyên không hợp”, cũng tự nhận là “oan gia kiếp trước”; rồi sau mới thỉnh cầu cha mẹ để hai bên được phép “đường ai nấy đi, của người nào cái gì thì lấy về cái đó”, không có kiểu nguyền rủa anh chết tôi sống.
Ngược lại, người chồng còn phải căn dặn vợ ăn mặc xinh đẹp rạng rỡ, sớm ngày tìm được người giàu sang để kết duyên mới. Không những thế, sau khi ly hôn, nhà trai còn phải có trách nhiệm trả cho nhà gái ba năm quần áo, lương thực; tất cả phải được đưa ra hết ngay trong lần muốn đưa đơn ly hôn này.
Cuối cùng, người chồng còn phải “phục nguyện nương tử thiên thu vạn tuế”, tức là cúi mình cầu chúc vợ sống lâu trăm tuổi. Đọc đến đoạn này, nhiều người không nhịn được cười.
Một số trang tin nhận định: “Mặc dù bức thư thể hiện phương thức ngôn ngữ thời đó, nhưng cũng đủ khiến người ta cảm nhận được sự bao dung và ân cần trong việc giảng giải sự tình, cùng thái độ ôn hòa và dí dỏm của người Đường”.
Nội dung mẫu đơn như sau:
“Nói về duyên phận vợ chồng, phu thê tình thâm, ân sâu nghĩa trọng. Lại nói về người từng chung chăn gối, vẫn nhớ hoài niềm vui khi cùng hợp cẩn giao bôi. Phàm đã là vợ chồng, được mối duyên này đều là kết tụ từ duyên kiếp 3 đời trước. Vợ chồng sống với nhau phải như đôi uyên ương, cùng bay cùng nghỉ, cùng nhìn về một hướng; hai tấm lòng son sắt, coi trọng sự thuận hòa đằm thắm, tâm đầu ý hợp. Phu thê hợp duyên tức sau 3 năm sẽ hòa ái tương trợ; nếu như sau 3 năm nảy sinh oán hận, ắt duyên này có mối hiềm khích.
Kết duyên không hợp, có lẽ vì kiếp trước oan gia. Không hòa hợp nên sinh ra oán hờn, cũng bởi sự trái ngược giữa hai người. Vợ thì không ngớt lời oán thán, chồng thì không thuận hòa mà nảy sinh nỗi ngờ vực, như thể mèo chuột ghét nhau, sói dê chung một chuồng. Đã là tâm tính khác nhau, khó cùng một ý, thế nên liền thỉnh ý hai bên cha mẹ để xin cách biệt; coi lại sổ sách thu chi, tất cả vốn của ai đều hoàn trả người ấy.
Mong nương tử sau khi xa cách, chú trọng chải mái tóc mai, ăn mặc xinh đẹp, tư thế yểu điệu khéo léo, kén chọn người quyền cao chức trọng mà xuất giá, làm được vợ lớn, hòa hợp duyên cầm sắt”.
Hiểu rõ kết thúc oán duyên, càng không ai hận ai, từ biệt nhau, ai cũng thấy vui mừng.
Ba năm y phục, lương thực, dâng tặng theo lễ nghi. Cúi mình chúc nương tử thiên thu vạn tuế.
… (tên) lúc … năm … tháng … ngày, … (tên) cẩn trọng lập thư này“.
Có người bình luận, so với đơn ly hôn bây giờ, thì thư này khác nhau như nước với lửa. “Thư bỏ vợ” của người thời Đường có thể nói là ngữ khí ôn hòa, nhẹ nhàng, câu từ phong nhã; lúc lấy nhau vui vẻ thì lúc chia tay cũng vui vẻ.
Văn bản cho thấy một sự thật lịch sử, không ít người vợ thời Đường có thể đề xuất ly hôn, và nếu nhà gái sau này có tái giá cũng không bị xem là thất tiết.
Mai Mai, theo NTDTV