Một bí ẩn hàng nghìn năm qua, Người Cây là biểu tượng có nguồn gốc lịch sử huyền bí. Trải qua bao biến đổi của nhiều nền văn hóa và tôn giáo khác nhau, hình tượng này vẫn tồn tại nguyên vẹn cho đến ngày nay.
Mặc dù thông tin chi tiết về quá trình hình thành và nghi lễ thờ cúng không đầy đủ, chủ yếu là do người ta không thể truy ra thời điểm và nền văn minh đã tạo ra hình tượng này, nhưng Người Cây vẫn là biểu tượng được truyền thừa, tưởng nhớ và tôn thờ trong xã hội đương đại.
Người Cây được xem là biểu tượng thuộc về tôn giáo trước thời Cơ đốc giáo, khi đó linh hồn của tự nhiên được nhân cách hóa thành một người đàn ông. Hình tượng Người Cây sớm nhất có niên đại trước thời Cơ đốc giáo, và thậm chí trước thời đế chế La Mã. Tuy nhiên, khi Đế chế này được hình thành, biểu tượng Người Cây được sử dụng rộng trong nhiều tôn giáo, bằng chứng là sự hiện diện của nó bên trong lãnh thổ đế chế và các khu vực giáp biên giới, sau đó vươn tới cả những nền văn minh như Ấn Độ. Dù xuất hiện trên phạm vi rộng, hình tượng Người Cây thường được nhìn nhận là biểu tượng có mối liên hệ với nền văn minh của người Xen-tơ, tộc người bị phân tách thành hai nhánh tại Anh và Pháp ngày nay. Điều này được chứng minh thông qua sự xuất hiện và các phong cách khắc họa hình tượng Người Cây trong những vùng lãnh thổ liên quan.
Người Cây thường được thể hiện thông qua khuôn mặt đàn ông, độ tuổi từ trung niên trở lên, mang vẻ hoang dại của rừng xanh. Khuôn mặt luôn được lá cây, dây nho và những bông hoa bao phủ, như thể ông được sinh ra từ thế giới tự nhiên. Tuy nhiên, những khác biệt nhỏ trên khuôn của Người Cây tương hợp với cách bố trí cỏ cây hoa lá xung quanh. Cũng do việc được cây cỏ bao bọc mà hình tượng này có tên ‘Người Cây’. Ngoài ra, những phát hiện khảo cổ còn cho thấy có những khuôn mặt Người Cây với lá cây và dây nho mọc ra từ miệng, tai và những nơi khác, còn da có màu xanh như những chiếc lá.
Cũng vì tạo hình này, Người Cây được xem là biểu tượng của sự phát triển, sinh sôi, vòng tuần của mùa xuân và đời người. Điều này liên quan tới quan điểm xuất hiện thời trước Cơ Đốc giáo, quan điểm này nêu rằng con người được sinh ra từ tự nhiên. Những câu chuyện thần thoại được truyền lại là dẫn chứng sống động đề cập đến cách thức thế giới được khai sinh, theo đó sinh mệnh con người gắn liền với sự tồn vong của tự nhiên.
Sự tuần hoàn bốn mùa của tự nhiên tương hợp với vòng đời sinh lão bệnh tử của con người. Bằng cách miêu tả và làm nổi bật Người Cây, tổ tiên loài người muốn gửi gắm thông điệp về sự tôn trọng dành cho tự nhiên, vốn là điều con người không thể sống nếu thiếu đi. Lịch sử nhân loại đã chứng minh điều này, và ngay cả hiện nay, thời điểm con người đang phải đối mặt với những hậu quả do chính mình tạo ra khi tàn phá tự nhiên để phục vụ cho những nhu cầu vô độ của mình.
Không chỉ là biểu tượng cho sự sinh sôi, Người Cây còn tượng trưng cho sự nương tựa. Khi chu kì năm điểm thời khắc cuối cùng, vòng tuần hoàn của cuộc sống cũng đi đến hồi kết. Và khi việc lãng phí quá nhiều tài nguyên thiên nhiên đạt cực điểm, sinh mệnh của tự nhiên cũng kết thúc.
Người Cây còn mang ý nghĩa quan trọng khác là cái chết và sự kết thúc. Một số tượng Người Cây khác, xuất hiện trên những ngôi mộ, với cây xanh phủ xung quanh một khuôn mặt hốc hác chứ không đầy đặn và tràn đầy sức sống. Khi Người Cây khô héo, thì con người đối mặt với cái chết. Điều này khiến người ta liên tưởng đến hình tượng chiếc đầu lâu và hai mảnh xương bắt chéo vốn là dấu hiệu của tử thần.
Biểu tượng Người Cây có thể đúc kết lại trong 3 chữ R (rebirth, reliance and ruin): sinh sôi, nương tựa và suy tàn. Các ghi chép khảo cổ học liên hệ Người Cây với ba khái niệm này, hiển nhiên đây là ba khoảnh khắc quan trọng nhất trong chu kì tuần hoàn mà nó tượng trưng. Đó là thời khắc tự nhiên và con người được sinh ra, rồi khoảng thời gian hai bên nương tựa để sinh tồn, và cuối cùng cả hai đi đến chỗ diệt vong.
Đương nhiên, những hiểu biết liên quan đến Người Cây chỉ là suy đoán, và các ghi chép trong thần thoại không thể được xem là bằng chứng chắc chắn, hay đúng hơn chúng chỉ được xem là một nền tảng cho hệ thống niềm tin của những nền văn minh trước kia. Tuy nhiên, những suy đoán này không phải là không chính xác.
Thanh Phong – Dịch từ Ancient Origins