Trong suốt 11.000 năm qua, những cư dân bản địa sống trong ngôi làng San Antonio de los Cobres, phía tây bắc Argentina toàn uống nước nhiễm độc thạch tín mà không hề gì. Phát hiện này của các nhà khoa học khiến không ít người ngạc nhiên.
Thạch tín là một trong những chất độc hại nhất mà con người từng biết đến. Nó cũng được sử dụng để đầu độc các vị vua, chính khách và thậm chí cả các con ngựa đua thắng giải. Tuy nhiên, các nhà khoa học mới đây đã phát hiện ra rằng, những cư dân sống trên dãy núi Andes, phía tây bắc Argentina, dùng nước có nồng độ thạch tín cao nhưng vẫn sống khỏe mạnh.
“Chúng tôi đã phát hiện ra một lượng lớn thạch tín nằm trong tầng đá nền của núi lửa, một số địa điểm xung quanh đó cũng có nồng độ khá cao. Thạch tín sau đó được giải phóng vào các dòng suối cung cấp nước uống cho người dân. Tuy nhiên, lượng thạch tín này sau khi đi vào cơ thể của người dân ở đây thì chúng được chuyển hóa để trở nên ít độc hại hơn“, tiến sĩ Broberg, một nhà nghiên cứu y học môi trường thuộc Đại học Lunds (Thụy Điển) cho biết.
Tiến sĩ Broberg và các cộng sự đã tiến hành nghiên cứu hệ gen của 124 phụ nữ bản xứ, sống quanh làng San Antonio de los Cobres. Họ cũng kiểm tra khả năng chuyển hóa thạch tín của những người này thông qua xem xét lượng nguyên tố á kim trong nước tiểu. Kết quả cho thấy họ có thể hấp thu lượng thạch tín cao gấp 20 lần ngưỡng được coi là an toàn.
Qua quá trình nghiên cứu những xác ướp 7.000 năm ở khu vực này, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, cách đây khoảng 7.000 – 10.000 năm, cư dân trong vùng đã trải qua một số biến đổi di truyền giúp mang lại sự đề kháng thạch tín tốt hơn.
Một trong số đó phải kể đến gen có tên gọi AS3MT, vốn được cho là có tham gia quá trình biến đổi thạch tín có thể giúp cơ thể người chuyển hóa thạch tín về dạng ít độc hơn. Ở người dân San Antonio de los Cobres gen này xuất hiện với tần suất cao hơn nhiều so với các nhóm dân cư sống tại Columbia và Peru. Đây chính là một ví dụ về sự thích nghi của con người trước chất độc môi trường.
Năm 2008, nhà chức trách Trung Quốc xác nhận, vua Quang Tự (1871 – 1908), người tiền nhiệm của vị hoàng đế cuối cùng của nước này, đã bị đầu độc bằng một liều thạch tín nặng. Ngoài ra, Vua Faisal I của Iraq từng được phát hiện có các triệu chứng nhiễm độc thạch tín trong khi ở Thụy Sỹ năm 1993. Lãnh đạo phong trào độc lập Nam Mỹ Simon Bolivar cũng từng được cho là đã mất mạng do việc nhiễm độc thạch tín mãn tính.
Sự miễn nhiễm tự đào thải chất độc thạch tín ra khỏi cơ thể, hoặc sự đột biến gen khiến cơ thể có thể chuyển hóa thạch tín về dạng ít độc hơn của những cư dân sống trong ngôi làng, trên núi Andes này đã khiến họ trở thành những “dị nhân”. Chính vị trí sinh sống cùng với sự đột biến về gen đã giúp những cư dân ở ngôi làng nhỏ có khả năng đề kháng với chất kịch độc này.
Theo VietQ