Dịch viêm phổi Vũ Hán đã phủ khắp Trung Quốc và lan đến hơn 20 quốc gia. Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không chỉ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng trong nước, mà còn phải đối mắt với áp lực từ quốc tế vì liên quan đến ‘tội ác’ nghiêm trọng là che giấu dịch bệnh. Truyền thông nước ngoài bình luận rằng, tình thế hiện tại là một cuộc khủng hoảng thực sự đối với ĐCSTQ và nhà lãnh đạo Tập Cận Bình.
Bởi chính quyền che giấu thông tin nên đã đẩy nhanh sự lây lan của dịch viêm phổi Vũ Hán, khiến người dân Trung Quốc vô cùng tức giận. Ông Chu Tiên Vượng – thị trưởng thành phố Vũ Hán trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi với các phương tiện truyền thông chính thống vào ngày 27, đã đẩy trách nhiệm lên Trung Nam Hải với lý do “chính quyền trung ương không trao quyền”, điều này càng làm dấy lên sự công kích từ ngoại giới đối với thể chế của ĐCSTQ.
Phóng viên Hendrik Ankenbrand của tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung, thường trú tại Thượng Hải đã đăng bài nói rằng, ngày càng có nhiều người cáo buộc chính phủ Trung Quốc cố tình che giấu số ca mắc bệnh thực sự. Ví dụ, tuần trước có lan truyền tin đồn, một bác sĩ ẩn danh ở Thượng Hải tiết lộ đã có 31 người chết và 107 người bị nhiễm bệnh ở Thượng Hải.
Theo bài báo, nếu dựa theo cách nói của vị bác sĩ này, tương đương với trung bình cứ 3 người nhiễm bệnh thì có một người bị chết, tỷ lệ tử vong cao hơn nhiều so với chỉ 4% như Vũ Hán đã công bố trước đó, vì vậy nhiều người Trung Quốc sẽ cho rằng: dữ liệu mà Vũ Hán đưa ra chắc chắn là giả. Bài báo tin rằng, đối với ĐCSTQ mà nói, dịch bệnh này đã trở thành một vấn đề gần như không thể giải quyết được.
James Griffit – nhà sản xuất cao cấp của CNN đã nói rằng, việc “chắt lọc” thông tin từ dưới lên trên, cộng với chủ nghĩa quan liêu chỉ biết “khoanh tay đứng nhìn” và thói quen che đậy đã khiến thời gian phòng ngừa và điều trị bị trì hoãn. Tập Cận Bình ngồi trên ‘ngai vàng’ tự tung tự tác, mỗi lần xảy ra khủng hoảng đều là một lần kiểm tra năng lực lãnh đạo của ông ta.
Theo bài báo, từ quỹ đạo phát triển của dịch bệnh có thể thấy, những kẽ hở cơ bản của Trung Quốc trong việc đối phó với những khủng hoảng tương tự vẫn tồn tại, và có thể có những mối đe dọa lớn hơn trong tương lai.
Sau khi bổ nhiệm Thủ tướng quốc vụ viện là Lý Khắc Cường làm trưởng ban công tác chống dịch đồng thời cử Lý đến Vũ Hán để kiểm tra công tác chống dịch, vào ngày 28/1, khi Tập Cận Bình gặp ông Tedros Adhanom – tổng giám đốc WHO đã đặc biệt nhấn mạnh: “Đối với công tác phòng chống dịch bệnh lần này, tôi đã đích thân chỉ đạo cũng như trực tiếp triển khai”. Tập Cận Bình còn nói rằng việc kháng dịch “phải kiên quyết quán triệt thực hiện quyết sách của trung ương”, “thống nhất lãnh đạo”, “thống nhất chỉ huy”, “thống nhất hành động”.
Ngày 27, tờ “Süddeutsche Zeitung” đã đăng bài phân tích của Lea Deuber nói rằng, chỉ chưa đầy một tuần, bệnh viêm phổi Vũ Hán đã đưa một quốc gia rộng lớn với dân số hơn một tỷ người rơi vào bế tắc. Dịch bệnh lan nhanh, rõ ràng là một cuộc khủng hoảng thực sự đối với Tập Cận Bình.
Bài báo nói rằng, sau khi thành phố Vũ Hán với dân số hàng chục triệu người bị phong tỏa vào ngày 23/1, khiến niềm tin của nhiều người đối với chính phủ bị lung lay mạnh mẽ…. cùng với tình hình ở đất nước ngày càng trở nên hỗn loạn, chính phủ lại càng thẳng tay thực hiện các biện pháp đàn áp với các nhà phê bình.
Ken Miles – chủ nhiệm tờ New York Time chi nhánh Bắc Kinh và Chris Buckley – phóng viên kỳ cựu Bắc Kinh cùng đăng bài nói rằng, trong suốt 7 năm kể từ khi lên nắm quyền, Tập Cận Bình đã áp dụng nhiều biện pháp để tập trung quyền lực cho bản thân, nhưng dịch viêm phổi Vũ Hán là một trong những thử nghiệm phức tạp và khó lường nhất mà Tập Cận Bình phải đối mặt.
Dương Kiến Lợi, người khởi xướng tổ chức nhân quyền “Quyền lực công dân” nói với VOA rằng, mỗi một cuộc khủng hoảng đều có khả năng là một “cọng rơm cuối cùng” xô đổ con lạc đà. Nếu dịch bệnh tiếp tục lan rộng và không thể kiểm soát, nó có thể trở thành một vụ việc nghiêm trọng đe dọa đến chính quyền ĐCSTQ.
Tiêu Nhược Nguyên, bình luận viên thời sự vẫn luôn theo dõi sát sao về tình hình dịch bệnh tiết lộ, mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh lần này có thể so sánh với thảm họa hạt nhân Chernobyl lớn nhất trong lịch sử. Nguyên nhân của thảm họa nhân loại này là do “thông tin bị bưng bít”.
Tiêu Nhược Nguyên nói, tin tức mà ông có được là do vào ngày đầu tiên của năm mới, Ủy ban thường vụ của Bộ Chính trị ĐCSTQ đã tổ chức cuộc họp gặp mặt, vì các quan chức cao cấp của ĐCSTQ cảm thấy rằng dịch bệnh lần này sẽ gây ảnh hưởng đến tính hợp pháp của việc thực thi pháp luật của ĐCSTQ, tức là giai đoạn diệt vong của Đảng đang tới gần.
Ngô Phàm – nhà bình luận chính trị cũng tin rằng, dịch bệnh lần này sẽ tác động sâu rộng đến ít nhất ba “tầng diện”, đặc biệt là hành động phong tỏa thành phố của ĐCSTQ, không chỉ gây ra xáo trộn lớn trong xã hội Trung Quốc, mà còn khiến nội bộ ĐCSTQ lục đục.
Loạt bài viết với chuyên đề “Tập Cận Bình lại đến thăm Điền Trì không liên quan gì đến Bạc Hy Lai, mà liên quan đến một cuộc khủng hoảng lớn” trên tờ “Vision Times” đã chỉ ra, thời thế đang thay đổi, bệnh dịch lớn bùng nổ, thường liên quan đến sự sụp đổ của một triều đại. Lần này ĐCSTQ vẫn “ngựa quen đường cũ” che giấu dịch bệnh như hồi dịch SARS, nhưng bây giờ trí tuệ của người dân đã ở mức cao hơn trước, một chính phủ luôn ưu tiên việc bảo toàn quyền lực lên hàng đầu thì làm sao có thể coi trọng sự an nguy của dân chúng?
Bài báo nói, người dân Trung Quốc và nhân dân thế giới cuối cùng cũng có thể thấy rõ sự ích kỷ, côn đồ, cực đoan của ĐCSTQ. Lần này, một dịch bệnh lớn ảnh hưởng đến sinh mệnh của toàn thể Trung Quốc và thế giới sẽ thực sự kéo theo sự sụp đổ của ĐCSTQ.
Trên thực tế, vào đầu tháng 12/2019, Arthur Waldron – một chuyên gia về các vấn đề Hoa Kỳ – Trung Quốc trả lời trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông phương Tây đã nói rằng, vì không hiểu đúng về thực tế nên căn bản ĐCSTQ không biết tình hình thực sự của người dân, bây giờ chính phủ ĐCSTQ nghĩ đến đâu làm tới đó, các cơ quan chức năng còn đang bấn loạn, chứ đừng nói gì đến việc tìm phương án giải quyết.
Arthur Waldron chỉ ra, chính phủ Trung Quốc thừa biết “thần chết” đang đến gõ cửa. Ông tiết lộ, một nhân viên cao cấp của ĐCSTQ có mối quan hệ thân thiết với Tập Cận Bình thẳng thắn nói với ông: “Arthur Waldron, chúng tôi không còn nơi nào để đi. Ai cũng biết rằng chế độ này đã đi đến hồi kết, chúng tôi đang rơi vào ngõ cụt. Chúng tôi không biết tiếp theo phải làm gì. Bởi vì khắp nơi đều là bom, chỉ cần đi sai một bước là thịt nát xương tan”.
Minh Huy (Theo Secretchina)