Các nhà khoa học tại Đại học Texas, Hoa Kỳ vừa cho ra đời một hệ thống định vị toàn cầu GPS mới với độ chính xác cực kỳ cao, sai số chỉ vào khoảng vài cm, trong khi hệ thống GPS đang được sử dụng rộng rãi hiện nay có sai số lên đến vài mét.
Thành công này có thể ứng dụng cho các thiết bị di động, điều hướng cho máy bay drone, xe tự hành, robot, nâng cấp công nghệ thực tế ảo.
Công nghệ GPS hiện đang hoạt động nhờ vào 32 vệ tinh đang hoạt động trên quỹ đạo của Trái Đất. Các vệ tinh sẽ liên tục phát đi tín hiệu về vị trí và thời gian dưới dạng dữ liệu đã được mã hóa. Bộ thu GPS bên dưới mặt đất sẽ nhận các tín hiệu này, phân tích dữ liệu về thời gian và vị trí để tính toán khoảng cách giữa vệ tinh và thiết bị. Bằng cách kết hợp tín hiệu nhận được từ 4 vệ tinh trở lên, GPS sẽ có thể định vị vị trí hiện tại của người hoặc thiết bị trên mặt đất.
Tín hiệu gởi từ các vệ tinh GPS là tín hiệu dạng sóng và có một tần số riêng. Mỗi chu kỳ sóng có thể được dùng để tính toán khoảng cách giữa 2 điểm với độ chính xác khoảng 1 phần của inch. Nắm bắt điều này, nhóm nghiên cứu tại Đại học Texas đã tạo ra bộ thu đặc biệt mang tên GRID nhằm đo lường những đợt sóng nói trên nhằm định vị với độ chính xác cực cao.
Trước đây, một nhóm khởi nghiệp mang tên Swift Navigation đã phát triển thiết bị định vị bằng phương pháp tương tự, nhưng hoạt động độc lập nhằm hỗ trợ điều hướng cho máy bay điều khiển từ xa (drone). Tuy nhiên, dự định của nhóm nghiên cứu tại Texas là chế tạo ra bộ thu kích thước đủ nhỏ để tích hợp vào bên trong smartphone hoặc các thiết bị khác. Một ứng dụng khác của công nghệ GPS mới này đó là cải thiện công nghệ thực tế ảo, cho phép theo dõi chính xác các chuyển động của người dùng, cho phép trải nghiệm di chuyển trong môi trường ảo trở nên chân thực và sống động hơn.
Theo Tinh Tế