Theo một nhóm nhà nghiên cứu tại Mỹ, số người bị lây nhiễm và tử vong do virus corona chủng mới ở Trung Quốc có thể cao gấp 5 đến 10 lần so với số liệu quan chức Bắc Kinh đưa ra.
Theo Epoch Times, nghiên cứu trên được công bố ngày 18/2, do giáo sư kinh tế Lucia Dunn tại Đại học bang Ohio và giáo sư bệnh lý Mai He tại Đại học Y Washington cùng thực hiện.
“Rất nhiều người nghi ngờ những con số nhiễm bệnh ở Trung Quốc. Chúng tôi nghĩ rằng chúng ta nên xem xét cả những số liệu khác”, Giáo sư Dunn nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ Epoch Times.
Dữ liệu trong nghiên cứu được lấy từ số liệu công bố chính thức; số liệu từ một trang web lập bản đồ di động của gã công nghệ khổng lồ Tencent; và báo cáo hỏa táng tại các nhà tang lễ ở Vũ Hán – tâm chấn của dịch bệnh.
Một trong những điểm nghi vấn trong đó là số ca lây nhiễm lớn bất thường đã xuất hiện chớp nhoáng ít nhất 2 lần trên Tencent News. Cụ thể, ngày 27/1 và 1/2, trang web này đã báo cáo tổng số ca được xác nhận nhiễm bệnh và nghi nhiễm là hơn 213.000 và 233.000 trường hợp.
Tuy nhiên trái ngược với con số đó, ngày 2/2, chính quyền Vũ Hán báo cáo chỉ có 14.380 ca nhiễm bệnh được xác nhận và chưa tới 20.000 trường hợp nghi nhiễm. Con số này chỉ bằng 1/10 của Tencent đưa ra.
Sau vài giờ, số liệu trên Tencent đột ngột biến mất, tuy nhiên cư dân mạng Trung Quốc đã kịp chụp lại màn hình và lan truyền trên Internet.
Thay vì tin rằng những số liệu của Tencent là trục trặc kỹ thuật, Giáo sư Dunn cho biết đó có thể là một vụ rò rỉ vô ý, nhưng đã cung cấp manh mối về quy mô thực sự của dịch bệnh.
Số ca hỏa táng tăng kỷ lục
Trong một cuộc điều tra của tờ Epoch Times vào ngày 4/2, một lãnh đạo cấp cao tại nhà tang lễ Vũ Hán cho biết, kể từ ngày 22/1 (một ngày trước khi thành phố ban hành lệnh phong tỏa để ngăn dịch), số lượng và mật độ các ca hỏa táng của họ tăng mạnh. Trước đó, các quan chức y tế Trung Quốc đã yêu cầu những ca tử vong vì dịch Covid-19 phải được hỏa táng.
Người lãnh đạo trên cho biết khi đó, khối lượng công việc của nhà tang lễ tăng gấp 4-5 lần so với bình thường. Điển hình là ngày 3/2, số lượng thi thể cần xử lý lên đến đỉnh điểm là 127 ca. Dưới áp lực phải đáp ứng đủ nhu cầu, nhân viên nhà hỏa táng đã phải làm việc suốt ngày đêm cho đến Tết Nguyên đán. Ngoài ra, 2 nhà hỏa táng lớn khác ở Vũ Hán cũng trong tình trạng quá tải.
“Lúc đó mà có thể được ngủ 2 hoặc 3 giờ mỗi ngày là may mắn lắm rồi”, người này nói trong đoạn phỏng vấn, đồng thời cho biết thêm nhà tang lễ cần ít nhất 40 đến 50 nhân viên nữa mới đủ đáp ứng nhu cầu.
Video: Các thi thể xếp hàng dài trong lò hỏa táng
Theo tính toán của các nhà nghiên cứu, tỷ lệ tử vong hàng năm ở đây là 0,551%, do đó số giờ hoạt động tăng thêm tại các nhà tang lễ cho thấy trung bình đã có thêm 680 người chết mỗi ngày so với bình thường. Các nhà nghiên cứu nghi ngờ sự gia tăng đột biến này là hậu quả của dịch bệnh.
Chính quyền Vũ Hán lần đầu tiên tuyên bố về sự xuất hiện của dịch viêm phổi mới vào ngày 31/12 với hàng chục ca nhiễm, trong đó bệnh nhân đầu tiên bắt đầu có triệu chứng vào đầu tháng 12.
Tuy nhiên, dựa trên những điều tra của mình, Giáo sư Dunn cho biết các quan chức Trung Quốc đã biết về sự xuất hiện của dịch sớm hơn rất nhiều. Bà Dunn cho biết, họ ước tính thời gian bắt đầu bùng phát dịch là từ khoảng 25/9 đến 5/11. Do sự thiếu minh bạch ở Trung Quốc, các nhà nghiên cứu không thể xác minh độc lập các con số từ nguồn dữ liệu của Trung Quốc, do đó, các ước tính chỉ có thể là gần chính xác.
Một nghiên cứu gần đây của Đại học Hoàng gia London cũng cho thấy tỷ lệ tử vong do Covid-19 tại tỉnh Hồ Bắc ước tính khoảng 18%.
Có cảm giác “số lượng ca bệnh mà chính phủ Trung Quốc đưa ra quá thấp, và “con số thực trầm trọng hơn nhiều. Chúng tôi bắt đầu cảm thấy thực sự không tin được số liệu của chính phủ Trung Quốc”, bà Dunn nhận định.
Che đậy thông tin
Bác sĩ nhãn khoa Lý Văn Lượng là một trong 8 bác sĩ đã cố gắng cảnh báo về virus corona trước khi có thông báo chính thức của chính phủ. Sau đó, anh đã bị cảnh sát địa phương cảnh cáo vì “tung tin đồn thất thiệt”. Không lâu sau, anh qua đời do nhiễm chính căn bệnh trên vì điều trị cho một người nhiễm virus corona.
“Chính phủ đã che đậy dịch bệnh”, bà Dunn nói.
Thị trưởng Vũ Hán Zhou Xiangyang sau đó đã thừa nhận thất bại của chính quyền thành phố trong việc kịp thời thông báo về dịch bệnh. Tuy nhiên ông lại cho biết ông chỉ có thể công bố thông tin sau khi được lệnh của chính quyền trung ương.
“Bạn có thể thấy tại sao không ai muốn đưa thông tin ra ngoài. Những người đó đã bị mất việc vì biết dịch bệnh gây ra thảm họa lớn, vì vậy không ai muốn tiết lộ những tin tức xấu đó”, bà Dunn nói.
“Chính phủ Trung Quốc luôn kiểm duyệt thông tin, “ém nhẹm” thông tin trước người dân trong nước, nhất là khi đó là tin xấu. Và đây là những gì chúng tôi phơi bày”, bà nói thêm.
Ngân Khánh (Theo The Epoch Times)