Tinh Hoa

Nghị sĩ Ấn Độ cáo buộc lính biên phòng Trung Quốc bắt cóc 5 thường dân

Một nhà lập pháp Ấn Độ cáo buộc quân đội Trung Quốc đã bắt cóc 5 thường dân của họ gần biên giới tranh chấp giữa hai nước.

Một đoàn xe quân đội Ấn Độ chở quân tiếp viện và tiếp liệu đi trên đường cao tốc giáp Trung Quốc ở Gagangir, Ấn Độ vào ngày 2/9/2020. (Ảnh qua Getty Images)

Nghị sĩ Tapir Gao từ bang Arunachal Pradesh đã đưa ra tuyên bố trong một tweet vào hôm 5/9, mặc dù ông không cung cấp thêm chi tiết, theo BBC.

BBC cho hay quân đội Ấn Độ hiện đã gửi một tin nhắn cho phía Trung Quốc để hỏi về các vụ bắt cóc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc -Triệu Lập Kiên nói với BBC rằng Bắc Kinh chưa có thông tin chi tiết để công bố. Ngoài ra, họ cũng chưa bao giờ công nhận cái gọi là bang ‘Arunachal Pradesh,’ và gọi đó là khu vực nam Tây Tạng của Trung Quốc.

Một người Trung Quốc và một người lính Ấn Độ tại cửa khẩu Nathu La ở bang Sikkim, đông bắc của Ấn Độ vào năm 2008. (Ảnh qua AFP)

Căng thẳng giữa 2 nước đã âm ỉ trong những tháng gần đây về một biên giới tranh chấp xa hơn về phía tây trong khu vực Ladakh, nơi tự hào có bãi đáp cao nhất thế giới và một sông băng cung cấp cho một trong những hệ thống thủy lợi lớn nhất trên thế giới.

Tình hình leo thang nghiêm trọng vào tháng 6, binh sĩ cả hai bên đã xảy ra xô xát bằng gậy, đá và nắm đấm, khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng và hàng chục người bị thương. Trung Quốc không thông báo về thương vong.

Ấn Độ và Trung Quốc đã tổ chức một số vòng đàm phán với hy vọng giải quyết căng thẳng – chủ yếu liên quan đến các chỉ huy quân đội – nhưng không thành công.

Ấn Độ đã xúc tiến việc xây dựng các con đường dọc biên giới với Trung Quốc. (Ảnh qua Getty Images)

Tuần trước, Ấn Độ cho biết binh sĩ của họ đã 2 lần ngăn cản các ‘phong trào khiêu khích’ của quân đội Trung Quốc. Đáp lại, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cáo buộc quân đội Ấn Độ vượt qua các đường kiểm soát đã được thiết lập và tạo ra các hành động khiêu khích dọc theo biên giới.

Hai quốc gia đã xảy ra một cuộc chiến tranh biên giới vào năm 1962 và cũng đã tràn vào Ladakh, và kết thúc bằng một hiệp định đình chiến mong manh. Kể từ đó, quân đội hai bên đã tuần tra và canh gác khu vực biên giới không xác định, theo các giao thức đưa ra bao gồm không sử dụng súng chống lại nhau.

Ấn Độ đã tuyên bố Ladakh là một lãnh thổ liên bang và tách nó khỏi Kashmir vào tháng 8/2019, chấm dứt tình trạng bán tự trị. Trung Quốc lên án mạnh mẽ động thái này, đồng thời nêu ra tại các diễn đàn quốc tế, bao gồm cả Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Thiện Thành (Theo Fox News)