Bài viết lấy từ blog của TS Alan Phan – ông hiện là sáng lập viên của Alan Phan Associates (APA) có trụ sở tại California và Hồng Kông. APA chuyên về hoạt động M&A liên lục địa và tư vấn chiến lược kinh doanh toàn cầu cho các công ty đa quốc.
Tác giả: Alan Phan
15 Mar 2014
Một bạn để ý là tôi có nhiều sách về những câu châm ngôn phát đi từ các danh nhân và triết gia trong tủ sách. Được hỏi câu nào mang nhiều ý nghĩa nhất, tôi buột miệng theo tiềm thức, “Nghèo là một cái tội.” Trước khi ném đá và giương cao ngọn cờ “đấu tranh giai cấp”, xin các bạn cho ông già này giải thích.
Tôi đã nhiều lần rỗng túi, chạy quanh đường phố để suy nghĩ mà không biết ngày mai tiền sẽ từ đâu đến để trả cho cả trăm cái bills (hóa đơn). Tôi cũng đã từng có rất nhiều tiền mà suốt ngày phải họp với các chuyên gia thuế vụ để tìm cách làm “giảm hay hoãn” thuế. Nhìn lại, dù có tiền hay không, hạnh phúc hay đau khổ của tôi trong những hoàn cảnh này đều không liên quan đến tiền. Tuy nhiên, dù khóc hay cười, tôi nghiệm ra một điều là “có tiền” thì vẫn thú vị hơn. Mặt khác, tôi cũng có thể chắc chắn một điều: dù “không tiền”, tôi vẫn chưa bao giờ “nghèo”.
“Nghèo” không đơn thuần chỉ là “không tiền”. Dưới góc nhìn chủ quan của tôi, một con người toàn diện phải hội đủ 6 thành tố: sức khỏe, trí tuệ, tinh thần, tâm linh, xã hội và tài chánh.Một người có nhiều tiền nhưng nghèo sức khỏe vẫn hoang phí tháng ngày. Nghèo kiến thức thì dù là một đại gia vẫn được xếp vào hạng ngu. Cha mẹ cho rất nhiều tiền nhưng tinh thần và tâm linh kém cỏi, yếu đuối thì trước sau gì cũng đi vào khổ lụy. Thêm nữa, dù có một gia đình bền chặt và một kết nối xã hội tốt, bạn vẫn không làm gì được cho ai nếu không có tài chánh.
“Nghèo” là người không có gì để “cho”. Dĩ nhiên, ta không thể cho những gì ta không có.
Ngoài những người bất hạnh với tật nguyền bẩm sinh, sứ mệnh của con người theo nhiều tôn giáo, triết thuyết … là để đóng góp một “cái gì đó” cho tha nhân. “Nghèo” hay không có gì để đóng góp có phải là một tội lỗi?
Tôi nhận xét một điều là ở Việt Nam, người dân không thiếu cơ sở hay dữ kiện để truy cập và phát triển về những yếu tố quan trọng như trí tuệ, tinh thần, tâm linh, xã hội, gia đình hay sức khỏe. Trong khi đó, vì chuyện chính trị là một vùng nhậy cảm cho nhà cầm quyền, nên kiến thức về kinh tế tài chánh lại thiếu hụt, kém chính xác và luôn bị những định hướng chính trị bẻ cong.
Do đó, trong bài viết này, tôi sẽ giới hạn suy nghĩ của mình về yếu tố tài chánh. Tôi cố gắng phân tích ra những lý do cốt lõi đã gây nên cái nghèo “tiền” cho gần 90% dân số. Dĩ nhiên, tiền không phải là hiện thân của tất cả giá trị con người, nhưng từ ngàn xưa, văn hóa Đông Phương đã hiểu rằng, “dân có giàu, nước mới mạnh”. Giàu phải là một nghĩa vụ quốc gia, mà tôi cho rằng cũng quan trọng không kém nghĩa vụ quân sự hay văn hóa.
Từ nhỏ và ngay cả khi bắt đầu biết đọc sách, suy nghĩ, tâm trí của tôi chịu ảnh hưởng nhiều từ một văn hóa và môi trường “ghét người giàu, và đồng hóa cái nghèo với trong sạch”. Dù chế độ VNCH cũ được coi như là một tiền đồn của chủ nghĩa tư bản, chánh phủ vẫn giáo dục người dân về các “tội lỗi” của người giàu (không biết có phải vì cạnh tranh để mua lòng dân nghèo với Cộng Sản?).
Từ chánh phủ với chính sách “người cầy có ruộng” hay “xây nhà bình dân” đến trong lớp học, ngoài đời, văn hóa “thanh bần và trọc phú” là những biểu hiện thường trực. Những câu chuyện khổ nạn của Oliver Twist, Les Miserables, Grapes of Wrath…rất phổ biến, tạo một tư duy “nửa xã hội nửa tiểu tư sản”. Nếu sinh ra thời đó, Bill Gates, Warren Buffett…có lẽ là những tên tuổi xấu thay vì được ngưỡng mộ như gần đây.
Descartes nói, “Je pense, donc je suis” (tôi trở thành người tôi nghĩ). Mỹ có thành ngữ,” Tư duy tạo nên hành động, hành động tạo thói quen, thói quen tạo cá tính và cá tính tạo định mệnh.” Một tư duy “nghèo” chắc chắn phải đem đến một định mệnh “nghèo”.
Đây là suy tưởng của những người miền Nam đã sống với “tư bản Pháp rồi Mỹ”. Còn những người miền Bắc sống với “xã hội của Mác Lê” thì chắc chắn không được phép tư duy “giàu”. Khi mọi suy nghĩ đều cho rằng “nghèo” hơn “giàu” thì từ cá nhân đến xã hội không thể nào vượt trên tư duy đó.
2. Kiến thức nghèo:
Trong những người giàu có mà tôi hân hạnh được quen biết, họ đều chia sẻ một cá tính chung “rất chịu khó học hỏi tìm tòi và sẵn sàng chấp nhận những mới lạ thay đổi”. Ngoài các quan chức và đại gia làm giàu nhờ quan hệ dựa trên quyền lực, ngay cả những người giàu từ các chế độ XHCN đều thể hiện tinh thần và phong thái cởi mở nói trên.
Người Do Thái suy nghĩ rất nhiều về tiền bạc, nhưng họ cũng chịu khó bỏ ra một số lượng thời gian khá lớn để học hỏi các phương cách làm giàu, từ gia đình bạn bè hay sách vở kinh giảng. Trong trường đại học của tôi, có nhiều social clubs (câu lạc bộ) cho các sinh viên có chung sở thích từ thể thao, từ thiện, chính trị…đến toán học, kịch nghệ hay tranh luận (debate). Nhiều bạn Do Thái chỉ gia nhập how-to-get-rich clubs (làm giàu).
Người Trung Quốc cũng đam mê giàu có từ bản chất. Họ rất bén nhậy với cơ hội, cần cù, nâng đỡ nhau trong các bang hội…để cùng làm giàu. Họ thực tế, không hoang tưởng và mặc cho sự giáo huấn của đảng cộng sản 70 năm qua, bản sắc làm giàu vẫn tiềm tàng mạnh trong mỗi gia đình và cá nhân.
Làm giàu là một hành trình lâu bền và khổ cực. Kiến thức là phương tiện quan trọng để thâu ngắn chặng đường. Nghèo kiến thức thì nghèo kết quả.
3. Môi trường nghèo:
Một đặc điểm của tôn giáo Do Thái là việc đề cao sự giàu có vật chất. Trong khi Ki Tô Giáo và Phật Giáo khuyến thị tín đồ phải “ép xác” hay “tránh tham” để tự giải thoát tinh thần và tâm linh khỏi vòng khổ nạn, lãnh tụ các tôn giáo này thường nâng cấp góc cạnh “nghèo” qua các bài giảng. Kết quả là một đa số quần chúng coi giàu là một tội lỗi, người giàu là một địch thủ. Sự thù hận, đố kỵ này được các chính trị gia Mác Lê lợi dụng triệt để để thâu tóm quyền lực, tạo nên một môi trường “của người nghèo, do người nghèo và vì người nghèo”. Dĩ nhiên, đó chỉ là thủ đoạn, họ và các phe nhóm hay con cháu…thì không bao giờ nghèo.
Ngay cả trong những nước tư bản tự do làm giàu, một đứa trẻ sinh ra trong một môi trường nghèo như tại các khu ổ chuột thành phố, hay các vùng quê xa xôi hẻo lánh, thường bị ảnh hưởng nặng nề bởi con người và hoàn cảnh bao quanh. Trừ một thiểu số có ý chí và tư duy mạnh mẽ, đa số âm thầm chịu đựng rồi đổ thừa cho số mệnh. Câu “cái số mình nó thế” nghe rất quen thuộc ở những môi trường nghèo.
Con người có đặc tính “bầy đàn”. Khi đám đông nghèo thì ta cũng “hạnh phúc” với cái nghèo, biện luận là phải “chia sẻ” với láng giềng. Nhiều người lại còn tự hào về cái hạnh phúc trong nghèo đói của mình.
4. Nghèo hành động:
Tôi quan sát (hoàn toàn chủ quan, không kiểm chứng được) là những người nghèo thường thích “nói” nhiều. Họ luôn luôn có những kế hoạch thần sầu để trở thành một đại gia “top ten” của quốc gia hay thế giới. Kế hoạch luôn thay đổi vì chưa làm gì thì đã có một ý tưởng mới hay hơn, tốt hơn. Hoặc có làm thì thường bỏ cuộc sau 5 phút vào trận đấu vì thực tế thị trường không tươi đẹp như trên giấy tờ hay các khẩu hiệu.
Nói chung, họ thích nhàn (không muốn nhận là lười biếng) và coi đây là một triết lý sống khôn ngoan. Nếu nhờ chút mánh mun mà kiếm được tiền hay quyền, họ sẽ coi họ là đỉnh cao của xã hội. Nói phét, nổ bậy …trong các bàn tiệc nhậu nhẹt be bét là một thói quen rất dễ nhận ra.
Nhiều người nghèo khác thì lười nhưng thích ra dáng trầm uất, bất cần đời…hay khơi động lòng thương hại của người khác. “Xin-cho”, “ăn mày quá khứ”…là những hành xử phổ thông của các nhóm nghèo này.
5. Chọn bạn nghèo:
Một châm ngôn thông dụng của Âu Mỹ là “bạn cho tôi biết thu nhập của 5 người thân thiết nhất trong đời bạn, và tôi sẽ tính ra con số thu nhập trung bình của bạn”. Á Đông thì rõ ràng hơn, “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.
Tôi nhớ những ngày còn trẻ, tôi hay la cà cùng bạn bè ở quán cà phê, quán rượu, garage nhà hàng xóm. Chúng tôi miên man mơ mộng và nói về những tương lai khi chúng tôi giúp nhau giàu có để trả hận đời. Một ngày, tôi chợt nhận ra là tất cả bạn này đều nghèo rớt mồng tơi như tôi. Tụ họp ngày ngày với nhau, tôi chắc chắn tương lai duy nhất của chúng tôi là sẽ trở thành những ông già nghèo rớt mồng tơi. Sau khi nhận ra chân lý, tôi dứt khoát rời bỏ đám đông “tình nghĩa” này để đi tìm cho mình một tương lai khác.
Qua những trải nghiệm và suy nghĩ của mình, tôi đúc kết 5 nguyên nhân cốt lõi trên mà tôi cho rằng đang cột chặt bạn với cái nghèo. Tôi có thể sai, tôi còn nhiều thiếu sót, tôi có nhiều định kiến chủ quan…Có lẽ vậy. Nhưng đây là kết luận của một người đã từng rất nghèo, rất ngu và biết thay đổi kịp thời.
Quốc gia nghèo
Một điều nữa. Khi chia sẻ với nhau, nhiều bạn có gởi tôi những cuốn sách, những bài khảo luận về đề tài “lý do khiến một quốc gia nghèo”. Có những lý thuyết rất cao siêu từ tháp ngà hàn lâm (vì chúng làm tôi ngủ thật ngon sau vài trang), có những khôn ngoan rất dễ hiểu (như các bài viết hay phát ngôn của Warren Buffett). Tuy nhiên, tôi cho rằng 5 lý do khiến một cá nhân nghèo như tôi đã trình bày, cũng rất giống 5 lý do cốt lõi khiến một quốc gia nghèo.
Nói về lý do chọn bạn chẳng hạn. Nhìn qua lịch sử, bạn của anh nhà giàu Hoa Kỳ thường giàu theo như Tây Âu, Nhật, Úc, Singapore…Còn bạn của các anh Liên Xô, Trung Quốc, Cuba…vẫn nghèo rớt mồng tơi (ngôn ngữ Việt phong phú nhỉ).
Văn hóa Á Đông thường chê trách về chuyện “giàu đổi bạn, sang đổi vợ”. Tôi không dám nói về chuyện vợ chồng vì sẽ bị ném đá, ngay tại nhà. Nhưng nếu có những ông bạn suốt ngày cứ ca tụng chuyện nghèo, tôi sẽ không ngần ngại tránh xa. Họ độc hại hơn các hóa chất trong thực phẩm của Trung Quốc. Lỡ ăn nhầm, vẫn có thể vào bệnh viện bơm ruột. Nhưng nếu tư duy nghèo đã ăn vào trí não và xương tủy, thì cả cuộc đời trở thành lãng phí.
Tôi nhớ một câu message (tin nhắn) thú vị, nhiều người thâu vào hộp thư thoại (voice mail box) của họ,” Xin để lại tên và điện thoại của bạn. Tôi đang tìm cách thay đổi đời mình. Nếu tôi không gọi lại bạn, thì bạn nên hiểu bạn là một trong những thay đổi đó”.
Không biết bao giờ các lãnh đạo của Việt Nam mới can đảm nói với “xứ lạ” điều này?
Theo Blog Góc Nhìn Alan Phan