Lần lượt các thương hiệu lớn là Metro, Nguyễn Kim, Big C vào tay người Thái. Chưa biết, sắp tới những cái tên nào sẽ nối gót những doanh nghiệp (DN) trên và hàng Việt có còn cơ hội tại kênh bán lẻ hiện đại?
Từ sự thâu tóm Big C Việt Nam…
Sau Metro, “đại gia” bán lẻ Thái đã trở thành chủ nhân của chuỗi siêu thị nước ngoài có điểm bán nhiều nhất tại Việt Nam là Big C. Theo công bố từ Central Group và Tập đoàn Nguyễn Kim, hai đơn vị này đã nhận chuyển nhượng hệ thống Big C với tổng giá trị giao dịch lên đến 920 triệu Euro (1,05 tỷ USD).
Sau chuyển nhượng, DN này sẽ tiếp tục xây dựng Big C trên cam kết duy trì mối quan hệ mật thiết với các nhà cung ứng, nông dân Việt Nam, khách hàng, nhân viên cũng như chính quyền địa phương và cộng đồng. Big C sẽ tiếp tục sử dụng nguồn cung ứng sản phẩm nội địa tại hệ thống phân phối này.
Đây là thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) lớn nhất trong ngành bán lẻ Việt Nam tính đến thời điểm này. Trước đó, Tập đoàn Metro Cash & Carry cũng đã chuyển nhượng19 trung tâm bán sỉ tại Việt Nam cho Tập đoàn TCC của Thái Lan với giá 876 triệu USD. Big C được đánh giá là thương hiệu bán lẻ rất hấp dẫn khi thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đấu thầu như Lotte Group (Hàn Quốc), Central Group và TCC Holding (Thái Lan), Saigon Co.op, Masan Group (Việt Nam)…
Theo thông cáo phát ra từ Tập đoàn Casino (công ty mẹ của Big C Việt Nam), sau 18 năm có mặt, Big C Việt Nam đã xây dựng được 43 cửa hàng và 33 trung tâm mua sắm. Năm 2015, doanh thu của Big C tại Việt Nam đạt đến 586 triệu USD.
Các chuyên gia cho rằng, việc thâu tóm Big C Việt Nam sẽ giúp Central Group tiết kiệm nhiều thời gian và kinh phí trong việc xây dựng, triển khai kinh doanh. Sở hữu chuỗi siêu thị này, Central Group sẽ có nhiều lợi thế so với các đối thủ khác, đặc biệt là trong khâu thương lượng với nhà cung cấp hàng hóa để có giá bán cạnh tranh.
Nhiều năm nay, Big C được định hình là thương hiệu “giá rẻ cho mọi nhà” trong tâm trí khách hàng. Năm 2015, Kantar Worldpanel (thuộc Công ty Taylor Nelson Sofres Vietnam Pte., Ltd) từng nhận định “Big C là nhà bán lẻ có giá tốt nhất và nhiều khuyến mãi nhất trong 5 năm liên tiếp”.
Những lợi thế mà Central Group nhìn thấy cũng là lý do để thương hiệu bán lẻ hàng đầu Việt Nam là Co.opmart tham gia vào cuộc đua thâu tóm Big C. Bởi những lợi thế mà Big C mang lại không phải DN nào cũng có được.
Ông Nguyễn Thành Nhân – TGĐ Saigon Co.op (đơn vị chủ quản chuỗi siêu thị Co.opmart) cho rằng: “Nếu thành công trong thương vụ Big C, thương hiệu bán lẻ trong nước sẽ tạo được đối trọng cần thiết và chủ động hơn trong việc chiếm lĩnh thị phần nội địa so với khối ngoại”.
… đến “nỗi lo doanh nghiệp Thái”
Cuộc đua sở hữu Big C Việt Nam kết thúc cũng là lúc áp lực về nhà đầu tư ngoại đã rất cụ thể: “nỗi lo DN Thái”. Đến thời điểm hiện tại, chỉ riêng hai tập đoàn Thái Lan là Central Group và TCC Group đã sở hữu trên 50 siêu thị và hàng loạt cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam. Chia sẻ với báo giới, ông Nguyễn Vinh Phú – Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, khi cả Big C và Metro đều rơi vào tay người Thái thì DN Việt bị yếu thế cả về vốn và kinh nghiệm quản trị.
Cuộc đối đầu của DN bán lẻ trong nước và nước ngoài đang là thách thức lớn khi lợi thế đang nghiêng về phía ngoại. Hiện tại, hệ thống bán lẻ trong nước chỉ còn Saigon Co.op và Vingroup, những thương hiệu bán lẻ khác như Fivimart, Citimart… đã thuộc về nước ngoài.
Theo ông Nguyễn Thành Nhân, khó khăn mà DN trong nước đang gặp phải là cơ chế bảo hộ nhà bán lẻ trong nước và chất lượng hàng hóa nội địa. Đó là quy định ENT (xác định nhu cầu kinh tế cần thiết của địa điểm) chưa được thực thi triệt để, chưa có cơ chế đặc thù cho đơn vị bán lẻ quy mô lớn trong nước thuận lợi tham gia M&A.
Tại Việt Nam, Central Group hiện có hơn 6.600 nhân viên làm việc tại 100 điểm bán lẻ với 4 trung tâm thương mại, 27 cửa hàng thể thao, 30 cửa hàng thời trang, 21 trung tâm bán lẻ điện máy… Với việc sở hữu Big C, Central Group sẽ có đủ các lợi thế mà bất cứ một DN bán lẻ nào cũng mơ ước: Mạng lưới phân phối và quảng bá thương hiệu.
Bởi vì Big C không chỉ có mạng lưới phân phối lớn mà còn sở hữu những địa điểm kinh doanh đắc địa ở những thành phố lớn và điều này sẽ giúp Central Group quảng bá thương hiệu, chiếm lĩnh hình ảnh trong lòng người tiêu dùng Việt Nam.
Hệ thống siêu thị Big C cũng chính là bàn đạp để Central Group đưa hàng Thái vào Việt Nam. Điều này đã được thực hiện bởi một nhà bán lẻ khác đến từ Thái là TCC. Ngay khi sở hữu chuỗi 19 trung tâm phân phối của Metro Việt Nam, TCC đã nhanh chóng đưa hàng Thái vào các trung tâm này và hiện tại DN Thái đang triển khai các chương trình marketing để tăng cường độ nhận biết đối với khách hàng của Metro.
Đây là một thách thức rất lớn cho các DN trong nước. Bởi từ nhiều năm nay, hàng Thái đã thâm nhập thị trường và đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam. Không chỉ ở lĩnh vực bán lẻ, các “đại gia” Thái có chiến lược xâm nhập thị trường Việt Nam rất bài bản bằng cách tiếp thị sản phẩm, quảng cáo chất lượng, tham gia vào phân phối và sản xuất tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, khoảng cách địa lý giữa Việt Nam và Thái Lan rất gần và lợi thế này đang được DN Thái khai thác triệt để. Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam đã nhập siêu từ Thái Lan từ năm 2010 đến nay. Năm 2015, Việt Nam đã chi 8,3 tỷ USD để nhập khẩu hàng Thái Lan, quý I/2016, kim ngạch nhập khẩu từ Thái Lan đã tăng 1,8 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2015. Còn theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã nhập từ Thái Lan rất nhiều mặt hàng như rau, quả, hàng tiêu dùng, hàng điện tử, ô tô…
Theo doanhnhansaigon.vn