Đến quý 1/2015, nhiều ngân hàng vẫn tiếp tục “ca” bài dự phòng rủi ro tín dụng khi mức trích lập tăng đột biến so với cùng kỳ năm trước và cũng là một trong những nguyên nhân chính kéo giảm lợi nhuận của các nhà băng.
Cú sốc đột biến nhất trong việc trích lập dự phòng rủi ro có lẽ là Techcombank khi mức trích lập trong quý 1/2015 gần 1,390 tỷ đồng, bằng 60% của cả năm 2014 (quý 1/2014 chỉ trích lập 79 tỷ đồng). Đồng thời, với mức trích lập này thì Techcombank đã xếp vị trí thứ 3 – xấp xỉ với những ngân hàng có quy mô lớn. Ngoài ra, còn phải kể đến BIDV ( BID ) hay Ngân hàng Thịnh Vượng ( VPBank ) với dự phòng rủi ro không hề nhỏ khi trích lập ở mức 980 tỷ và hơn 800 tỷ đồng, tăng 41% và 82% so với cùng kỳ năm trước. Và đây cũng chính là hệ lụy của việc chạy đua tăng trưởng tín dụng cũng như dính “phốt” nợ xấu. Khi tín dụng tăng trưởng cao, động thái đầu tiên của các ngân hàng là việc trích lập dự phòng chung, đó là chưa kể đến các mức trích lập cao hơn cho khoản nợ xếp vào loại nợ xấu. Techcombank cũng là trường hợp có tăng trưởng tín dụng cao nhất trong số các ngân hàng đã công bố thông tin quý 1/2015 với gần 10.5%, VPBank gần 8.5%, hay như Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội ( SHB ) và Ngân hàng Phương Đông ( OCB ) đều trên 7%. Trong cuộc chạy đua tín dụng này, nợ xấu là điều không thấy tránh khỏi (chưa kể đến phần đã bán nợ cho Công ty quản lý tài sản VAMC). Với mức 5.01% nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng, ABBank đang giữa tỷ lệ cao nhất trong số các nhà băng công bố. Một số ngân hàng khác loanh quanh mức 2.5% như Vietcombank, SHB, Techcombank hay Eximbank ( EIB ). Tất nhiên, đau đầu nhất cũng có lẽ là khoản nợ có khả năng mất vốn của các ngân hàng.
Tại phần lớn các ngân hàng, con số nhóm nợ này tính bằng đơn vị hàng ngàn tỷ đồng. Trong đó các “ông lớn” như VietinBank chiếm 5,547 tỷ, Vietcombank 4,770 tỷ hay BIDV 3,831 tỷ đồng. Riêng tại Ngân hàng Á Châu ( ACB ) và Ngân hàng An Bình (ABBank), tỷ trọng nợ có khả năng mất vốn trên tổng nợ xấu ở mức cao gần 77%. Chưa kể đến nhiều tác động khác, ảnh hưởng mạnh đến hoạt động kinh doanh của các ngân hàng bị “soi” đầu tiên là lợi nhuận. Nhiều nhà băng đã tụt giảm đáng kể lợi nhuận trước thuế so với cùng kỳ năm trước mà một trong những nguyên nhân chính là vấn đề trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Bởi nhìn chung theo thống kê, hầu hết các ngân hàng đều có lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng trưởng so với quý 1/2014 (trừ Saigonbank ) nhưng chi phí trích lập dự phòng rủi ro đã “ăn mòn” đáng kể vào phần lợi nhuận này.
Ảnh hưởng nặng nề nhất phải nói đến Techcombank khi Ngân hàng này giải thích do trích lập dự phòng cao nên lợi nhuận trước thuế “bay mất” gần 40% so với quý 1/2014, còn 408 tỷ đồng (trong khi lợi nhuận thuần quý 1/2015 của Techcombank cao gấp 2.4 lần cùng kỳ). Tương tự tại SHB và OCB, lợi nhuận đều giảm 25% và 6% xuống lần lượt 209 tỷ và 16 tỷ đồng. Vietcombank cũng giảm 3% lợi nhuận xuống 1,456 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, một số nhà băng có mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế cao như Ngân hàng Quốc Dân – NCB ( NVB ) hay Ngân hàng Nam Á ( NamABank ) với mức tăng trưởng 535% và 245%. “Ông lớn” BIDV và Vietinbank cũng tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 17% và 7%, lần lượt đạt 2,273 tỷ và 1,564 tỷ đồng. Minh Hằng |
Theo Vietstock