Tinh Hoa

Nga-Trung: Bằng mặt nhưng chưa chắc bằng lòng

(PLO) – Khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sánh vai với tổng thống Nga Putin tại cuộc duyệt binh kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít hôm 9-5 vừa qua, người ta đã dự đoán về sự xích lại gần nhau của Moscow và Bắc Kinh.

Đó không phải là dự đoán tức thời mà là sự tổng hợp từ quá trình hợp tác Nga-Trung trong năm 2014 bao gồm việc ký kết các hợp đồng năng lượng quy mô lớn, mua bán vũ khí, hợp tác về kinh tế tài chính và diễn tập quân sự chung.
Tuy nhiên, đằng sau vẻ ngoài bóng bẩy, các dự án hợp tác thực tế đang bị đình trệ mà tiêu biểu nhất chính là thỏa thuận xuất khẩu dầu mỏ khổng lồ ký kết hồi giữa năm 2014.
Trên bình diện chính trị, Nga và Trung Quốc tỏ ra khá thờ ơ với các điểm nóng chính trị của nhau, cụ thể là sự kiện Nga sáp nhập Crimea và Trung Quốc tranh chấp lãnh thổ ở biển Hoa Đông và Biển Đông. Khả năng thúc đẩy quan hệ chiến lược giữa 2 nước vẫn còn nhiều khúc mắc, khi chính Nga – Trung cũng có những tranh chấp lãnh thổ và tầm ảnh hưởng dai dẳng với nhau.

Vân đề Trung Á


Lễ ký hợp đồng khí đốt giữa Gazprom và CNPC tại Thượng Hải.Ảnh: TTXVN

Khu vực Trung Á chính là trở ngại lớn nhất cho sự xích lại gần nhau của Bắc Kinh và Moscow. Sự so kè tầm ảnh hưởng giữa Nga và Trung Quốc tại khu vực này đã diễn ra âm thầm suốt nhiều năm qua.
Trung Quốc với sự lớn mạnh của mình đã nhanh chóng phá vỡ thế độc tôn ảnh hưởng về kinh tế chính trị của Nga ở Trung Á. Bắc Kinh giờ đây trở thành đối tác kinh tế lớn nhất của các nước Cộng Hòa Trung Á và lớn gấp đôi so với tổng tổng giá trị thương mại của họ với Nga.
Moscow hiện nay đang rất thận trọng với sự mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh đến các khu vực phụ thuộc truyền thống của mình. Căng thẳng chớm nở này được đánh dấu bởi những bình luận bí mật của cựu Đại Sứ Trung Quốc ở Kazakhstan, Cheng Guoping khi ông cho rằng Nga là đối thủ của Trung Quốc trên mặt trận kinh tế ở Trung Á và khẳng định Bắc Kinh sẽ phá vỡ sự độc quyền của Moscow trong khu vực.
Với những động thái của Nga tại Ukraine, người ta dễ dàng dự đoán hành động của Moscow khi khu vực ảnh hưởng của mình bị xâm phạm. Và giống như ở Crimea, Nga cũng có căn cứ quân sự trong khu vực (Tajikistan và Kyrgyzstan) bên cạnh đó, các nước cộng hòa Trung Á cũng có thành phần các dân tộc thiểu số nói tiếng Nga khá lớn. Điều này gây lo ngại về một cuộc khủng hoảng Ukraine ở Trung Á nếu mâu thuẫn giữa 2 cường quốc bị đẩy lên đỉnh điểm.

Mâu thuẫn không tránh khỏi

Mặc dù Bắc Kinh đã cố gắng xua tan những lo ngại của Moscow và nhấn mạnh những mở rộng kinh tế này không nhằm để chống lại Nga nhưng các chuyên gia vẫn cho rằng liên minh kinh tế Á-Âu (EEU) của ông Putin và ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc không thể tương thích nhau.

Đơn cử như trường hợp của Kyrgyzstan. Trong nhiều năm qua, quốc gia Trung Á này đã gia tăng đáng kể GDP của mình bằng việc việc nhập khẩu và tái xuất khẩu hàng tiêu dùng của Trung Quốc vào các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ khác, đặc biệt là Kazakhstan. Năm 2009, Dordoi Bazaar, khu chợ tái xuất khẩu hàng Trung Quốc của Kyrgyzstan đã đạt doanh thu ước tính 2.9 tỉ USD, chiếm gần một nữa kim ngạch thương mại nước ngoài hàng năm của Kyrgyzstan (6.5 tỉ USD).
Tuy nhiên, sau khi Kyrgyzstan gia nhập liên minh thuế quan với Nga (tiền thân của EEU) thì các mua bán thương mại với Trung Quốc đã bị ảnh hưởng khá nhiều bởi các rào cản thuế quan và gây ra không ít khó khăn cho các nhà đầu tư Trung Quốc. Tuy nhiên, với sự phát triển và thâm nhập kinh tế liên tục của Bắc Kinh thì triển vọng thành công lâu dài của EEU ở Trung Á đang ngày càng bị nghi ngờ.

Sự thận trọng của Kremlin


Liệu quan hệ Nga-Trung có thật sự “nồng ấm”? (Reuters)

Cho đến nay, Moscow có rất ít các động thái nhằm kiềm chế ảnh hưởng đang lớn dần của Bắc Kinh ở Trung Á. Nhưng điều đó không có nghĩa là điện Kremlin sẽ theo đuổi chính sách “nhẹ nhàng” như vậy vô thời hạn.

Có thể hiện tại, Moscow không quan tâm nhiều đến Bắc Kinh nhưng họ cũng sẽ dễ dàng gây bất ổn cho khu vưc Trung Á một khi nhận thấy tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh gây nguy hại trực tiếp cho nước Nga.
Tương tự như Ukraine, Kazakhstan được các chuyên gia dự đoán có “nguy cơ” trở thành lá bài của Nga khi phần lớn hàng nhập khẩu năng lượng của Trung Quốc đi qua quốc gia Trung Á này. Nếu Kremlin thi hành các chính sách như ở Ukraine và kiểm soát mạng lưới dẫn khí đốt thì có thể gây nguy hiểm nghiêm trọng tới nguồn cung dầu khí trên đất liền của Trung Quốc.
Báo cáo của các nhà ngoại giao của Kazakhstan nói các quan chức Nga thường xuyên nhắc nhở họ rằng Moscow có thể gây rắc rối nghiêm trọng bằng việc gây “ảnh hưởng” lên các dân tộc nói tiếng Nga nếu chính phủ ở Astana (Thủ đô của Kazakhstan) lựa chọn rời xa khỏi quỹ đạo của Kremlin.
Khủng hoảng Ukraine khiến Moscow bị cách ly khỏi phương Tây dẫn đến mối quan hệ ngày càng “nồng ấm” với Trung Quốc.Tuy nhiên sự ganh đua về tầm ảnh hưởng giữa 2 cường quốc nằm cạnh nhau sẽ không cho phép họ trở thành một liên minh khi lợi ích quốc gia luôn được đặt lên hàng đầu.
(Theo The Diplomat)

Ngọc Ân

Theo Pháp luật TPHCM