Từ thập niên 60 của thế kỷ trước, có những mô tả về “một quái vật cổ dài trồi lên khỏi mặt hồ và phát ra âm thanh kỳ quái”.
Thời Liên bang Xô viết, hồ Labynkyr gần như chưa được ai khám phá. Nhưng, hiện nay tất cả đã thay đổi. Các công ty du lịch lữ hành ở Yakutsk – thủ đô của Cộng hòa Sakha – chào mời những chuyến du lịch đến tham quan hồ Labynkyr và tạo điều kiện cho mọi người tiến hành những cuộc săn thủy quái của riêng mình. Hàng chục thợ lặn đi tìm lời giải đáp cho truyền thuyết về loài thủy quái bí ẩn bất chấp nhiệt độ thuộc vào hàng lạnh nhất thế giới và sẵn sàng lao vào cuộc phiêu lưu xứng đáng được đưa vào Sách Kỷ lục Guinness.
Nhà địa chất học Liên Xô Viktor Tverdokhlebov.
Lời kể từ nhân chứng
Những mô tả bắt đầu lan ra thế giới bên ngoài vào mùa hè năm 1953, 9 nhà địa chất học thuộc chi nhánh Đông Siberia của Viện Hàn lâm Khoa học Xôviết do Viktor Tverdokhlebov dẫn đầu bước vào hành trình thám hiểm miền đất xa xôi của Liên Xô lúc đó. Hướng dẫn viên của đoàn là cụ già địa phương tên là Varfolomey Vinokurov.
Và, 8 năm sau, nhật ký của Tverdokhlebov được công bố trên một tạp chí, nhật ký của nhà địa chất học viết: “Có nhiều truyền thuyết về hồ Labynkyr. Buổi tối ngồi bên đống lửa, cụ già dẫn đường kể cho chúng tôi nghe về “quái thú” sống trong hồ.
Cụ Varfolomey mô tả: Nó to lớn đến mức khoảng cách giữa hai mắt của nó rộng hơn cái bè đóng từ 10 khúc gỗ của ngư dân (tức xấp xỉ 1,5 mét). Một dân làng cho tôi biết, anh tìm thấy một khúc xương khổng lồ trên bờ hồ Labynkyr – nó giống như xương hàm của quái thú và nếu dựng lên sẽ trông giống như một cổng vòm!
Có truyền thuyết về một đoàn lữ hành bị vùi thây dưới lớp băng hồ Labynkyr. Câu chuyện kể số người này nhìn thấy một cái sừng to lớn nhô lên khỏi mặt băng nên họ tụ tập xung quanh và cố sức kéo nó lên, nhưng bất ngờ mặt băng vỡ nên họ và một con tuần lộc bị chết đuối”.
Khi tìm kiếm sang hồ Vorota, nhà địa chất học Tverdokhlebov bất ngờ phát hiện một sinh vật to lớn lạ lùng. Nhà khoa học mô tả trong nhật ký: “Một sinh vật bơi rất nhanh về hướng chúng tôi. Bên trên mặt nước là thân hình to lớn màu xám sậm, có thể nhìn thấy rõ hai điểm sáng đối xứng trông giống như hai mắt và có một thanh dài trên lưng – có lẽ là vây cá? Hay cây lao móc của ngư dân? Chúng tôi chỉ nhìn thấy một phần của con vật nhưng có thể đoán chừng phần thân khổng lồ, to lớn hơn còn nằm dưới mặt nước. Chắc chắn chúng tôi đang chứng kiến một trong những loài động vật ăn thịt hung hãn nhất trên thế giới. Con quái thú dừng lại cách bờ hồ chừng 100 mét rồi sau đó bỏ đi”.
Nhà địa chất học cảm thấy tiếc vì không kịp lấy camera để thu hình con vật khổng lồ. Tverdokhlebov chắc chắn chuyện kể về quái thú của ngư dân Yakut là đúng, song thật ra ông nhìn thấy con vật ở hồ Vorota cách đó khoảng 20km chứ không phải ở hồ Labynkyr. Do đó, có khả năng là hai hồ này kết nối với nhau qua một kênh ngầm dưới nước.
Ảnh minh họa truyền thuyết dân gian về loài thủy quái cổ dài.
Quái vật mà Tverdokhlebov nhìn thấy khiến ông liên tưởng đến những con cá mập sát thủ ở biển Okhotsk. Nhưng theo Tverdokhlebov, biển Okhotsk cách hồ Labynkyr khoảng 300km và không thể nào cá mập biển có thể xuất hiện ở hồ nước ngọt. Ngoài ra, người dân địa phương còn nói đến những quái thú ở các hồ khác trong khu vực cao nguyên Sordonnokhskoe. Tverdokhlebov cho rằng những con vật bí ẩn này có mối liên kết chặt chẽ với bí ẩn về sự hình thành của cao nguyên này.
Trong cuốn sách nhan đề “Cuộc du hành đến vùng cực lạnh lẽo”, tác giả Gennady Borodulin mô tả câu chuyện khác về hồ Labynkyr trong thập niên 20 của thế kỷ trước. Một gia đình dân du mục Evenk dừng chân nghỉ đêm ở bờ hồ Labynkyr, đứa trẻ 5 tuổi của họ mon men đến bờ suối dẫn ra hồ. Bất ngờ đứa bé khóc thét lên, mọi người liền chạy đến và kinh hãi nhìn thấy nó bị một con vật khổng lồ mang trên mình ra giữa hồ rồi sau đó nhận chìm đứa bé.
Con vật được mô tả có màu da xám và miệng giống như mỏ chim. Về sau, con vật bị gia đình du mục bẫy bắt được và mổ bụng để lôi xác đứa bé ra. Quái thú dài khoảng 7 mét với phần hàm khổng lồ chiếm đến 1/3 thân mình, có chân và vây tương đối nhỏ.
Hồ Labynkyr.
Câu chuyện về quái thú hồ Labynkyr – nằm gần tỉnh Oymyakon, cách thủ đô Moskva nước Nga về phía đông chừng 500km, vốn là khu vực lạnh nhất thế giới – có thật hay không thì chỉ có các cuộc nghiên cứu khoa học mới hy vọng có lời giải đáp.
Những nghiên cứu của giới khoa học
Vào năm 2012, Lyudmila Emeliyanova – nữ tiến sĩ ngành địa – sinh vật học Nga thuộc Đại học Quốc gia Moskva – đã sử dụng các thiết bị sóng âm thanh để phân tích vùng nước hồ Labynkyr ở Siberia trong nỗ lực tìm kiếm bằng chứng về con vật khổng lồ được coi là giống như thủy quái hồ Loch Ness ở Scotland.
Nữ tiến sĩ cho biết, thiết bị sóng âm thanh tiết lộ “vài vật thể to lớn dưới nước, to hơn một con cá hay thậm chí to hơn một đàn cá”. Tuy nhiên, bà không giải thích được về sự hiện diện của một sinh vật khổng lồ dưới hồ Labynkyr hay xác nhận nó thuộc loài gì. Một cuộc nghiên cứu khác cũng đi đến kết luận tương tự.
Vào năm 2006, các nhà khoa học sử dụng thiết bị dò tìm cá cầm tay MAX-215 và bắt được hình ảnh một “cái bóng” to bất thường, dài khoảng 6,5 mét nằm bên dưới thuyền của họ ở độ sâu chừng 15 đến 17m. Trong khi bình thường, màn hình thiết bị chỉ phát hiện con cá to dài chừng 4 mét dưới độ sâu 30 – 45 mét. Họ chắc chắn đó không là một con cá hay một thân cây nhưng không ai có can đảm bơi xuống nước để tìm hiểu.
Nữ tiến sĩ Lyudmila Emeliyanova (giữa) cùng với nhóm các nhà khoa học trên đường đến Hồ Labynkyr.
Khi lặp lại cuộc dò tìm nhiều lần, Emeliyanova khẳng định có một sinh vật to lớn hiện diện trong những vùng nước chưa được con người khai thác và đó là lý do bà kêu gọi cộng đồng khoa học tiếp tục mở rộng điều tra nghiên cứu về loài thủy quái bí ẩn.
Dựa trên cơ sở những gì “nhìn thấy” các nhà khoa học cho rằng, hai hồ Labynkyr và Vorota có lẽ từng là nơi cư trú của ichthyosaur – loài sinh vật biển tiền sử giống như cá mỏ heo hay cá mập – hay là loài thằn lằn cổ dài plesiossaur (tượng tự như thủy quái “Nessie” ở Scotland cũng được mô tả có cổ dài).
Tiến sĩ Emeliyanova cho biết: “Có đến hàng trăm hồ lớn nhỏ ở Yakuta và quanh con sông Indigirka. Có một bộ phận người dân sống trên các bờ hồ nhưng những truyền thuyết về thủy quái chỉ xoay quanh hai hồ Labynkyr và Vorota. Những câu chuyện được truyền miệng nhau qua hàng chục năm khiến chúng ta phải suy nghĩ”. Theo Emeliyanova, một vài ngư dân thỉnh thoảng đến khu vực hồ Labynkyr cho biết có vài con sóng ngầm kỳ lạ bất ngờ đẩy thuyền họ lên cao trong khi thời tiết lặng gió và rất yên tĩnh.
Hồ Labynkyr độ sâu trung bình 52,6 mét và nơi sâu nhất chừng 80 mét – còn có một số bí ẩn khác. Khác với những hồ khác trong khu vực, hồ Labynkyr có nhiệt độ thấp nhất cũng không quá 9oC và trung bình ở đáy hồ chỉ khoảng 1 – 2oC. trong khi vào mùa đông, nhiệt độ xung quanh hồ Labynkyr vào khoảng âm 6o-70oC. Phần lớn đá ở hồ Labynkyr là đá núi lửa cho nên có giả thuyết là có một dòng nước nóng ngầm giữ độ ấm cho hồ.
Theo CAND