Tinh Hoa

Nga thành lập nhóm chuyên gia sang Pháp tháo dỡ thiết bị trên Mistral

Trước việc Pháp không bàn giao lại tàu đổ bộ trực thăng Mistral, Nga đã thành lập một nhóm chuyên gia để sang Pháp tháo dỡ dần những thiết bị do Moscow sản xuất trên chiến hạm này.

Tàu đổ bộ trực thăng Mistral tại cảng Montoir-de-Bretagne gần Saint Nazaire, miền tây nước Pháp, ngày 22/9/2014. (Ảnh Reuters)

Hãng tin Nga TASS cho biết, Điện Kremlin quyết định những thiết bị trên tàu Mistral sau khi được lấy về sẽ được tái sử dụng trên những tàu hải quân khác của Nga.

Được biết, sau khi Pháp hủy bỏ thỏa thuận bàn giao 2 tàu đổ bộ trực thăng lớp cho Nga Mistral, Nga cũng đã có kế hoạch xây dựng 2 tàu đổ bộ trực thăng riêng của mình để thay thế cho Mistral.

TASS dẫn lời một nguồn tin trong chính quyền Moscow nói: “Một nhóm các chuyên gia đã được thành lập để đến Pháp nhằm tháo dỡ các thiết bị điều khiển và thiết bị thông tin liên lạc trên tàu Mistral mà đáng lẽ Pháp phải bàn giao cho Nga“.

Theo TASS, hồi tháng 9/2014, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin đã từng cảnh báo, nếu Pháp hủy hợp đồng không giao tàu cho Nga thì họ cũng không được bán cho ai hay đem vào sử dụng mà phải phá hủy chúng đi. Lý do là một phần ba linh kiện của tàu là do Nga chế tạo.

“Trước hết, phần đuôi của tàu Mistral đã được làm tại Nhà máy đóng tàu Baltic ở St Petersburg. Đây chính là lý do tại sao nếu Pháp muốn giữ tàu, thì chúng tôi sẽ buộc phải dỡ bỏ phần đuôi Mistral để mang về nước sử dụng cho các tàu khác” – Thủ tướng Dmitry Rogozin, người phụ trách mảng công nghiệp quốc phòng Nga nói.

Một quan chức Nga còn cho biết thêm, “tuyến cáp quang dùng trong hệ thống thông tin liên lạc trên tàu Mistral là do Nga sản xuất và tích hợp trong thân tàu, chỉ khi nào Pháp trả lại hệ thống thông tin liên lạc này này thì họ mới có quyền sử dụng tàu Mistral theo cách của họ. Tuy nhiên, việc tháo bỏ hệ thống cáp này cũng đồng nghĩa với việc người Pháp phải dỡ bỏ toàn bộ con tàu”.

Ngoài ra, hệ thống điều khiển và thiết bị chống đóng băng trên tàu cũng là loại sản xuất và tích hợp tại Nga. Nếu Pháp không bàn giao tàu, nước này sẽ tháo dỡ, chuyển dần những thiết bị đó ra khỏi con tàu để bí mật quân sự của nước mình không lọt vào tay nước khác.

Theo VOV