Với mong muốn tạo ra một “Công viên Kỷ Jura” đời thật, các chuyên gia Nga đã cộng tác với Hàn Quốc thành lập một phòng thí nghiệm ở cộng hòa Sakha để nhân bản động vật cổ đại, đầu tiên là voi ma mút.
Phòng thí nghiệm nhân bản voi ma mút được thành lập vào tháng 3/2015 là dự án hợp tác theo thỏa thuận giữa Đại học liên bang Đông – Bắc của cộng hòa Sakha và tổ chức nghiên cứu công nghệ sinh học Sooam của Hàn Quốc.
Trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại với Moscow Times hôm 2/9, Lena Grigoryeva, một nhà khoa học cấp cao ở phòng thí nghiệm cho biết, dự án được lên kế hoạch cách đây ba năm.
Theo Semyon Grigoryev, Giám đốc Bảo tàng voi ma mút ở Sakha, phòng thí nghiệm tập trung nghiên cứu mô và bộ gien của các động vật cổ đại. “Hiện nay, nhiều động vật đang có nguy cơ tuyệt chủng. Kết quả nghiên cứu sẽ góp phần giúp chúng ta khắc phục tình trạng này” Grigoryev nói.
Các nhà khoa học bắt đầu xây dựng cơ sở nghiên cứu vào năm 2012. Theo tạp chí Ogonek, phòng thí nghiệm mới tại Bảo tàng Ma mút của Viện Sinh thái học Ứng dụng ở trường Đại học Liên bang Đông – Bắc ở Yakutsk đã bắt đầu cuộc rà soát trên 2.000 mẫu vật được phát hiện và bảo quản gần như hoàn hảo trong điều kiện vô cùng lạnh ở Bắc Cực để tìm kiếm ADN còn sống.
Phần lớn các mẫu vật này được tìm thấy ở Cộng hòa Sakha, các tầng đất đóng băng vĩnh cửu góp phần bảo quản tốt xác động vật cổ đại. Trong đó có một mẫu ngựa tiền sử 4.500 tuổi, bò cổ đại khoảng 8.000 tuổi… Năm 2013, các nhà khoa học phát hiện xác voi Malolyakhovsky với phần thịt còn nguyên màu đỏ.
Ngoài voi ma mút, các nhà khoa học cũng sẽ tập trung tìm ADN của loài rhinoceros, tổ tiên của bò, bò bison, gấu hang và sư tử hang.
Phòng thí nghiệm mới được trang bị đặc biệt để bảo quản những mẫu mô trong máy đông lạnh ở nhiệt độ -87 độ C. Đây đồng thời cũng sẽ là nơi phân tích các mẫu vật mới, qua đó loại bỏ lo ngại mẫu vật bị hư hại trong quá trình vận chuyển đến một phòng thí nghiệm ở xa.
Dự án này nhằm tạo ra một “Công viên Kỷ Jura” đời thật với sự hiện diện của những loài động vật đã tuyệt chủng. Những loài này sau khi được tái sinh sẽ sống trong một môi trường bảo tồn được thiết kế đặc biệt tại sông Kolyma ở Yakutia. Hiện dự án đang tái tạo điều kiện môi trường sống trước khi Trái Đất bước vào thời kì băng giá, bao gồm việc tạo ra các đồng cỏ. Các nhà khoa học kỳ vọng có thể hoàn thành việc này trước thời điểm những loài động vật tuyệt chủng được tái sinh.
Nỗ lực nhân bản các loài động vật cổ đại được các nhà khoa học trên toàn thế giới tiến hành, như tại Đại học Harvard và Đại học Chicago. Tuy nhiên, cho đến nay, công việc này bị chậm lại do chất lượng mẫu ADN của voi ma mút. Vì vậy, các chuyên gia Nga hiện đang cộng tác cùng một công ty công nghệ sinh học Hàn Quốc và Viện Nghiên cứu Cấu trúc gen Bắc Kinh ở Trung Quốc nhằm tận dụng kinh nghiệm của hai cơ sở này, bảo đảm mức độ thành công của dự án.
Theo VNE, Tuổi Trẻ