Đối mặt với khủng hoảng Ukraine và sự hiện diện của NATO ở Đông Âu, Nga quyết định sẽ thay đổi chiến lược quân sự.
Mikhail Popov, một cố vấn cho Điện Kremlin cho biết, quan hệ xấu đi với Mỹ và NATO sẽ được phản ánh trong sách lược mới.
Trong khi đó, NATO tuyên bố sẽ tăng cường hiện diện ở Đông Âu để bảo vệ các thành viên.
Quân chính phủ Ukraine đang giao tranh với phe nổi dậy ở Đông Ukraine.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết, Nga đã mở một cuộc ‘chiến tranh lớn’ có thể khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng.
Nga bác bỏ phát biểu này, cho rằng nó chỉ khiến người dân Ukraine chìm sâu vào một cuộc xung đột đẫm máu trong nội bộ.
Phát biểu từ phía Ukraine được đưa ra sau khi binh lính của họ buộc phải rút khỏi sân bay Luhansk ở miền Đông đất nước trước cuộc tấn công của lực lượng thân Nga.
Trong khi đó, cuộc đàm phán giải quyết khủng hoảng giữa giới chức Ukraine, quân ly khai và đại diện phía Nga đã chấm dứt mà không đạt được thỏa thuận nào.
Cuộc đàm phán chưa có hồi kết
Sáng thứ Hai (1/9), quân đội Ukraine cho biết, họ đã buộc phải rút khỏi sân bay Luhansk sau khi xe tăng Nga tấn công nơi này.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko nhận định, đây là vụ “tấn công trực tiếp chống lại Ukraine từ một nước láng giềng”.
Chiến sự vẫn tiếp diễn ở miền Đông Ukraine.
Quyết định rút lui được đưa ra sau khi phiến quân thân Nga tiến sâu vào cả hai khu vực Luhansk và Donetsk, cũng như ở miền Nam gần cảng Mariupol.
Khoảng 680 lính Ukraine đã bị quân ly khai bắt giữ trong những trận giao tranh mới đây quanh Donetsk, theo hãng thông tấn nhà nước Ukraine UNIAN.
Một quan chức cao cấp của nước này nói với hãng thông tấn AFP rằng, mục tiêu của Nga là “làm Ukraine bất ổn và tạo hành lang tới Crimea”, nơi Nga đã sát nhập hồi tháng Ba.
Thế nhưng Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng châu Âu đã bỏ qua việc quân đội Ukraine đang “trực tiếp nhắm vào” dân thường ở miền Đông Ukraine.
Vòng đàm phán khủng hoảng mới nhất được tiến hành tại Belarus vào hôm thứ Hai (1/9) nhưng chỉ diễn ra sau vài giờ và bị hoãn đến thứ Sáu (5/9).
Andrei Purgin, thủ lĩnh của nhóm ly khai Cộng hòa Nhân dân Donetsk nói với truyền hình Nga: “Đây chỉ là bước khởi đầu của tiến trình”.
Các đại diện phiến quân bày tỏ quan điểm rằng, họ đã giảm đòi hỏi độc lập mà chỉ muốn tìm kiếm “vị thế đặc biệt” cho mình ở Ukraine.
Điều đó có nghĩa họ có thể nằm trong vòng kiểm soát an ninh và không bị truy tố, trong khi “hội nhập kinh tế sâu rộng hơn với Nga”.
Các phóng viên cho biết, đòi hỏi của phe ly khai sẽ chia rẽ đất nước vì chính quyền Kiev đang nỗ lực tạo dựng quan hệ kinh tế thân chặt hơn với EU.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov trong khi đó nói ông mong muốn cuộc đàm phán tập trung vào “thỏa thuận việc ngừng bắn ngay lập tức và vô điều kiện”.
Theo BBC