Tinh Hoa

Năm khác biệt giữa Nga và phương Tây trong vụ điều tra MH17

Nga, Ukraine và các nước phương Tây cũng như các nhà điều tra độc lập không thống nhất hầu như trong tất cả các vấn đề quan trọng liên quan tới chuyến bay thảm kịch MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines trên bầu trời miền Đông Ukraine.

Mảnh vỡ máy bay MH17 tại hiện trường ở làng Grabove, miền Đông Ukraine. (Nguồn: AFP)

Nhân kỷ niệm 1 năm ngày xảy ra thảm họa này (17/7/2014-17/7/2015), trang mạng RBC của Nga đã nêu 5 vấn đề gây tranh cãi nhất trong quá trình điều tra vụ việc này cũng như quan điểm của các bên.

Người điều tra và các kịch bản

Theo luật hàng không quốc tế, việc điều tra các vụ tai nạn máy bay cần được tiến hành tại quốc gia xảy ra tai nạn. Tuy nhiên Ukraine đã chuyển giao quyền điều tra cho Hà Lan, do 2/3 số hành khách chuyến MH17 là công dân nước này. Cuộc điều tra được nhóm quốc tế gồm 24 người tiến hành, trong đó có đại diện 5 nước Hà Lan, Bỉ, Ukraine, Australia và Malaysia, thực hiện.

Văn bản chính thức cho tới nay được nhóm công bố, vào ngày 9/9/2014, là báo cáo sơ bộ nguyên nhân vụ tai nạn. Nhóm cam kết sẽ công bố báo cáo mới vào tháng 10.

Nga không có đại diện trong nhóm này, dù Bộ Giao thông vận tải Nga đã lập một nhóm chuyên gia điều tra đứng đầu là Phó giám đốc Cơ quan Vận tải hàng không LB Nga (Rosaviasia) Oleg Storchevoy.

Nhóm điều tra quốc tế chỉ quan tâm tới việc tham gia điều tra của các chuyên gia công ty Almaz-Antey – nhà sản xuất hệ thống phòng không Buk. Tháng 11/2014, ông Storchevoy cho biết Nga không tham gia nhiều vào việc xác định nguyên nhân gây ra thảm họa và nhóm quốc tế chỉ yêu cầu Nga cung cấp các tài liệu mà nước này đã cung cấp song không nhận được bất cứ thông tin điều tra nào.

Mặc dù vậy, các cơ quan chức năng Nga – Bộ Quốc phòng và Ủy ban Điều tra – đã đưa ra kịch bản nguyên nhân dẫn tới thảm họa của họ. Các báo cáo về nguyên nhân thảm họa được công ty Almaz-Antey và trước đó là tổ chức ít được biết đến “Liên đoàn kỹ sư Nga”, công bố. Nga, Ukraine và các nước phương Tây, cũng như một nhóm các nhà điều tra-blogger độc lập, mà nổi tiếng nhất trong số đó là nhóm Bellingcat của phóng viên người Anh Elliot Higgins đã đưa ra các giải thích của mình.

1. Boeing bị bắn bằng vũ khí gì?

Nga

Các quan chức Nga đưa ra nhiều câu trả lời khác nhau về vấn đề này. Ngay sau khi xảy ra thảm họa, ngày 21/7, Trung tướng, Phó Tổng Tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang LB Nga, Andrei Kartapolov đã trình bày 2 kịch bản: Chiếc máy bay có thể trúng tên lửa từ cường kích Su-25 của Ukraine.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, vào đúng ngày đó, 1 chiếc máy bay chiến đấu Ukraine đã xuất kích, hoặc máy bay có thể bị bắn hạ bằng hệ thống phòng không Buk của quân đội Ukraine.

Tháng 8/2014, báo cáo về nguyên nhân thảm họa của Liên minh kỹ sư Nga nghi ngờ kịch bản chiếc Boeing bị hạ bằng hệ thống tên lửa phòng không Buk-M1. Các tác giả kết luận vũ khí bắn hạ máy bay là tên lửa không đối không sử dụng để cận chiến và pháo.

Tháng 6/2015, nhà sản xuất hệ thống Buk, công ty Almaz-Antey đã công bố báo cáo cho rằng chiếc máy bay bị trúng tên lửa loại 9M38 (M1) phóng đi từ hệ thống phòng không Buk-M1. Ủy ban Điều tra Nga tiếp tục khẳng định luận điểm máy bay bị bắn hạ bằng tên lửa không đối không. Ngày 15/7, kịch bản này được đại diện của Ủy ban Điều tra Nga, Vladimir Markin nhắc lại.

Phương Tây và Ukraine

Hiện chỉ có duy nhất một báo cáo chính thức của nhóm điều tra quốc tế, công bố ngày 9/9/2014, trong đó chỉ cho biết nguyên nhân tai nạn là các tác động từ bên ngoài với “một lượng lớn các khách thể năng lượng cao.”

Trang web của nhóm điều tra hiện viết: “Một trong những kịch bản điều tra MN17 là bị hệ thống tên lửa Buk bắn hạ”.

Ngày 17/7/2014, chỉ vài giờ sau khi xảy ra thảm họa, cố vấn Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, Anton Gerashchenko lần đầu tiên đã tuyên bố máy bay bị bắn hạ bằng hệ thống Buk. Ngày 19/7, kịch bản này cũng được Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra trong tuyên bố chính thức.

2. Khả năng máy bay Không quân Ukraine bắn hạ

Nga

Ngày 21/7/2014, Bộ Quốc phòng Nga cho biết Trung tâm giám sát tại Rostov trong ngày xảy ra tai nạn đã phát hiện chuyến bay của một cường kích Su-25 Không quân Ukraine cách chiếc Boeing của Malaysia từ 3-5km.

Đại diện Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang Nga cho biết Su-25 có thể bay tới độ cao 10km (bằng độ cao chiếc máy bay hành khách Malaysia Airlines đã bay), và Su-25 được trang bị các tên lửa không đối không R-60, có thể bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách 12km với khoảng cách đảm bảo là 5km. Phát ngôn viên này bày tỏ ngạc nhiên trước việc chiếc Su-25 xuất hiện trong tuyến bay dân sự gần chiếc Boeing của Malaysia.

Phương Tây và Ukraine

Ngay sau thông báo của Bộ Quốc phòng Nga, Kiev ngày 21/7 tuyên bố không có máy bay nào của Không quân Ukraine xuất kích trong ngày 17/7. Ngoài ra, Ukraine lập luận rằng Su-25 không được thiết kế để chống lại các mục tiêu trên không và chi đạt độ cao 7.000m, trong khi chiếc Boeing 777 bị rơi bay ở độ cao hơn 10.000m.

Cuối tháng 7/2014, Giám đốc thiết kế Su-25, Chủ tịch Công ty sản xuất khoa học “Sukhoi Cường kích” Vladimir Babak xác nhận để tiến hành cuộc tấn công như vậy, Su-25 cần tấn công Boeing từ phía sau, song chiếc cường kích không đủ tốc độ để làm điều này.

3. Địa điểm phóng tên lửa

Nga

Tại cuộc họp báo ngày 21/7/2014, đại diện Bộ Quốc phòng Nga đã trưng ảnh vệ tinh tại khu vực xảy ra thảm họa, chụp ngày 17/7. Các hình ảnh đã xác định một khẩu đội Buk gần làng Zaroschenskoe thuộc tỉnh Donetsk. Điểm dân cư này, theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga, nằm dưới quyền kiểm soát của quân đội Ukraine (Hội đồng An ninh Quốc gia và Quốc phòng Ukraine thì nói ngược lại).

Cố vấn của Tổng công trình sư Almaz-Antei, Mikhail Malyshevsky cho biết vào đầu tháng 6, trên cơ sở các tính toán đã xác định nhiều khả năng địa điểm phóng tên lửa nằm ở phía Nam Zaroschenskoe.

Phương Tây và Ukraine

Ngày 18/7/2014, Chủ tịch Hội đồng Nghị viện OSCE, Ilkka Kanerva tuyên bố có bằng chứng rõ ràng rằng tên lửa được bắn đi từ khu vực dân quân ly khai kiểm soát. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng lặp lại quan điểm này.

Ngày 19/7/2014, Giám đốc Vụ phản gián của Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) Vitaly Naida cho biết tên lửa bắn hạ chiếc Boeing 777 được phóng đi từ khu vực thành phố Sneznoe thuộc tỉnh Donetsk thuộc quyền kiểm soát của Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng.

Cùng ngày Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố theo ghi nhận trên các trang mạng xã hội, hệ thống Buk của dân quân ly khai trong ngày xảy ra thảm họa đã được phát hiện tại các thành phố Torez và Sneznoe do dân quân kiểm soát, và Sneznoe cũng được xem là địa điểm phóng tên lửa.

4. Ai bấm nút tên lửa?

Nga

Ngày 25/7/2014, hãng thông tấn “Russia Today” (RT) đưa ra thông báo rằng vào ngày xảy ra tai nạn, các đơn vị phòng không Lực lượng vũ trang Ukraine đã tiến hành huấn luyện và binh sĩ Ukraine có thể phóng tên lửa nhầm về phía chiếc Boeing. Vào thời điểm đó, RT dẫn một nguồn tin giấu tên trong “các bộ sức mạnh” của Ukraine nói rằng nguyên nhân khiến chiếc Boeing bị rơi có thể là tình hình bất thường khi các đơn vị phòng không quân đội Ukraine huấn luyện.

Tháng 6 năm nay, báo cáo của Almaz-Antey cho biết tên lửa 9M38M1, mà theo họ đã bắn vào chiếc Boeing, không sản xuất ở Nga từ năm 1999 và thuộc phiên chế Lực lượng vũ trang Ukraine. Song các chuyên gia Almaz-Antey không bình luận về khả năng tên lửa này thuộc phiên chế quân đội Nga.

Phương Tây và Ukraine

Ngay sau khi xảy ra thảm họa Kiev nói rằng các hệ thống tên lửa phòng không hoặc máy bay của Lực lượng vũ trang Ukraine đã không bắn vào các mục tiêu trên không trong ngày 17/7, vì dân quân không sở hữu máy bay.

Một ngày sau khi xảy ra thảm họa, đại diện Mỹ tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), Samantha Power nói Mỹ cho rằng biinh sĩ Ukraine không tham gia vào sự vụ này dù Lực lượng vũ trang Ukraine sở hữu hệ thống Buk song tại gần nơi xảy ra tai nạn không có vũ khí như vậy.

Tháng 1/2015, Tổ chức các phóng viên điều tra CORRECT!V cùng tuần báo Đức Der Spiegel và báo Hà Lan Algemeen Daghlad đã công bố báo cáo điều tra trên cơ sở thông tin của Bellingcat, cho rằng chiếc máy bay đã bị bắn hạ bởi một tên lửa đất đối không Buk-M1 thuộc phiên chế Tiểu đoàn tên lửa phòng không số 53 (Nga), đóng tại Kursk.

Ngày 15/7/2015, CNN thông báo các nguồn thạo tin của mình đã tiếp cận dự thảo báo cáo của nhóm điều tra quốc tế dự kiến công bố tháng 10. Các nguồn tin này cho biết báo cáo không chỉ chỉ ra nơi tên lửa phóng đi mà còn cho rằng địa điểm phóng tên lửa thuộc quyền kiểm soát của “lực lượng dân quân thân Nga”.

5. Dân quân ly khai có sở hữu vũ khí bắn hạ Boeing 777?

Nga

Nga tuyên bố rằng lực lượng dân quân ly khai tại thời điểm xảy ra thảm họa không sở hữu tổ hợp tên lửa có thể bắn hạ chiếc Boeing.

Ngày 2/6/2015, Phó Tham mưu trưởng lực lượng ly khai Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng, ông Eduard Basurin tuyên bố lực lượng dân quân không triển khai tổ hợp Buk-M1 vào thời điểm xảy ra thảm họa.

Phương Tây và Ukraine

Ngay sau thảm họa, đại diện của Lực lượng vũ trang Ukraine tuyên bố dân quân ly khai có thể đánh cắp một trong các hệ thống Buk của quân đội Ukraine. Sau đó, Tổng thống Ukraine, Petro Poroshenko phủ nhận thông tin này.

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 19/7/2014 nói rằng trước khi xảy ra thảm họa, Nga đã cung cấp cho lực lượng dân quân Donbass 150 đơn vị thiết bị quân sự, trong đó có các bệ phóng tên lửa, cũng như huấn luyện các chiến binh tại cơ sở ở Tây Nam nước Nga, kể cả các hệ thống phòng không.

Trích ghi âm các cuộc điện đàm của lãnh đạo dân quân ly khai, được nhà chức trách Ukraine công bố, Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng lực lượng dân quân đã nhận được các bệ phóng Buk không chậm hơn ngày 14/7.

Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Mỹ còn viện dẫn đoạn video đăng tải trên Youtube, trong đó cho thấy một tổ hợp Buk, ít nhất thiếu 1 tên lửa, được phát hiện ở thị trấn Krasnodon trên đường trở về Nga.

Tháng 11/2014, người đứng đầu nhóm điều tra Bellingcat cho biết hệ thống Buck, từ Donetsk tới Sneznoe trong ngày xảy ra thảm họa, hồi tháng 6 đã được chụp ảnh trong một đoàn xe quân sự trên đường từ Kursk đi theo hướng biên giới Ukraine./.

Theo VietnamPlus