Tinh Hoa

Mỹ vẫn duy trì tuần tra ở biển Đông

(PL)- Trung Quốc đang chống lại các nước trong khu vực vốn ủng hộ cách tiếp cận không ép buộc đối với vấn đề biển Đông.

Mỹ sẽ tiếp tục là cường quốc chủ chốt duy trì an ninh trong khu vực Thái Bình Dương trong nhiều thập niên tới. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã khẳng định như trên tại lễ bổ nhiệm chỉ huy mới cho Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương ở Hawaii ngày 27-5 (giờ địa phương).

Theo trang web của Bộ Quốc phòng Mỹ, Bộ trưởng Ashton Carter cho biết Mỹ luôn luôn và sẽ đấu tranh cho các nguyên tắc cơ bản bao gồm cam kết thực hiện các quy định của luật pháp quốc tế, giải quyết tranh chấp thông qua ngoại giao thay vì ép buộc, duy trì tự do hàng hải và hàng không ở khu vực. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ làm tất cả vì điều đó vì như vậy mới bảo đảm hòa bình và thịnh vượng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong nhiều thập niên tới”.

Ông đã kêu gọi các nước cùng hướng tới một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp lãnh thổ trong khu vực biển Đông.

Ông khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục tuần tra bằng đường biển và đường không ở biển Đông và điều này hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế.

Ông nhận định Trung Quốc đang chống lại các nguyên tắc quốc tế vốn nhấn mạnh vào vấn đề an ninh ởchâu Á-Thái Bình Dương, chống lại sự đồng thuận của các nước trong khu vực vốn ủng hộ cách tiếp cận không ép buộc đối với vấn đề biển Đông và các tranh chấp lâu dài khác.

Ngày 27-5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter phát biểu tại Hawaii kêu gọi các nước tìm giải pháp hòa bình ở biển Đông. Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG MỸ

Ông kết luận chính hành động của Trung Quốc đã làm các nước trong khu vực đoàn kết lại với nhau theo phương cách mới và các nước đã không ngừng gia tăng yêu cầu Mỹ có mặt trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương nên Mỹ sẽ làm điều đó. Cùng ngày tại Hawaii, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã hội đàm với người đồng cấp Philippines Voltaire Gazmin.

Bộ trưởng Ashton Carter khẳng định với người đồng cấp Philippines rằng Washington cam kết bảo vệ vững chắc các nước trong khu vực Thái Bình Dương và kêu gọi chấm dứt khai phá đất ở biển Đông. Ông tiếp tục khẳng định mối quan hệ sâu đậm Mỹ-Philippines thông qua hiệp ước phòng thủ chung hai nước.

AFP đưa tin hai bộ trưởng Quốc phòng đều nhất trí các bên liên quan đến vấn đề tranh chấp ở biển Đông nên tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp, ngay lập tức ngừng cải tạo đất và ngăn chặn nguy cơ tiếp tục gia tăng yếu tố quân sự vào vấn đề biển Đông.

Trước đó, cho dù Trung Quốc dọa nạt nhưng Philippines tuyên bố sẽ tiếp tục điều động máy bay bay trên khu vực tranh chấp ở biển Đông. Trong tháng 5, Philippines đã tập trận hải quân với Nhật, một động thái nhằm thách thức Trung Quốc. Sau khi dừng chân ở Hawaii, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter sẽ đến thăm Singapore, Việt Nam và Ấn Độ trong chuyến công du thứ hai đến khu vực từ khi nhậm chức vào tháng 2-2015. Ngày 28-5, đáp lại chỉ trích mạnh mẽ từ Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói: “Trung Quốc có nhận định riêng và không có người nào được quyền yêu cầu Trung Quốc phải hành động thế nào”.

Bà tố ngược rằng Mỹ đang thực hiện “hành động khiêu khích và kích động” và điều này đã đe dọa ổn định khu vực, Mỹ cũng đang khuấy lên rắc rối trong khu vực có tính chiến lược về mặt kinh tế. Bà khăng khăng cho rằng hiện trạng biển Đông nói chung ổn định nhưng một số nước (ám chỉ Mỹ) tiếp tục có hành động khiêu khích vì động cơ ích kỷ.

Âm mưu lập vùng nhận dạng phòng không ở biển Đông

Báo Financial Times của Anh ngày 27-5 (giờ địa phương) đã đăng bài viết với đầu đề “Trung Quốc gia tăng khả năng lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông”. Bài viết cho biết ngày 27-5, trả lời báo Trung Quốc, Cục trưởng Cục Biên giới và Biển (Bộ Ngoại giao Trung Quốc) Âu Dương Vũ Kinh ngang nhiên nói Trung Quốc có quyền lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông. Ông này nói: “Lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông hay không sẽ dựa theo các yếu tố như an toàn hàng không của Trung Quốc có bị đe dọa và tính nghiêm trọng của đe dọa đó”. Ông cho rằng tình hình biển Đông đang ổn định.

Đây không phải lần đầu tiên một quan chức Trung Quốc đề cập đến vấn đề thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông. Tuy nhiên, phát biểu nêu trên mang ý nghĩa vào lúc căng thẳng Trung-Mỹ gia tăng sau sự kiện máy bay tuần tra biển P-8 Poseidon của hải quân Mỹ bay trên các đảo nhân tạo Trung Quốc đã bồi đắp trái phép trên biển Đông.

Chuyên gia Rory Medcalf, lãnh đạo khoa An ninh quốc gia thuộc ĐH Quốc gia Úc, nhận định khả năng lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông là tín hiệu đầy tính toán của Bắc Kinh. Ông nói: “Một quan chức cấp cao Trung Quốc không phủ nhận lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông là một lựa chọn và việc một quan chức Trung Quốc liên kết việc này với hành động của các nước khác đều có ý nghĩa: Chúng chính là cơ sở ngoại giao cho một quyết định như thế nếu Trung Quốc không hài lòng với tình hình căng thẳng”.

Các chuyên gia đã liên kết đường băng xây dựng trên đá Chữ Thập với tham vọng lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông của Trung Quốc. Cuối năm 2013, Trung Quốc đã đơn phương thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông và đã bị Mỹ và Nhật phản đối.

ANH THAO

_______________________________________

Mỹ muốn có giải pháp hòa bình cho mọi tranh chấp và dừng ngay lập tức về lâu dài hoạt động cải tạo đất của các nước liên quan. Mỹ cũng phản đối gia tăng quân sự đối với các tranh chấp trong khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ ASHTON CARTER

Trong 10 ngày tới, ông Carter sẽ tái khẳng định chiến lược tái cân bằng của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc STEVEN WARREN

QUÂN KHOA

Theo Pháp luật TPHCM