Quỹ đầu tư Cerberus Capital Management của Mỹ và Công ty Austal Úc mới đây vừa tham gia đấu thầu dự án nhà máy đóng tàu tại vịnh Subic, vốn thu hút sự quan tâm của Trung Quốc từ lâu, theo Nikkei Asia Review.
Tư lệnh Hải quân Philippines, Phó Đô đốc Robert Empedrad hôm 3/12 cho biết, liên minh Austal-Cerberus có sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Hải quân nước này, kiên quyết phản đối bất kỳ sự tiếp quản nào của Trung Quốc đối với nhà máy đóng tàu Hanjin tại Vịnh Subic do nỗi lo về an ninh quốc gia.
“Mỹ và Úc là những người bạn tốt của đất nước chúng tôi. Họ là đồng minh của đất nước chúng tôi. Tôi có một mối quan hệ rất tốt với các tư lệnh hải quân của Mỹ và Úc”, phó Đô Đốc Empedrad khẳng định.
Ông Empedrad cũng cho biết, Mỹ và Úc đang nhắm đến xưởng đóng tàu Hanjin như một cơ sở tiềm năng nhằm sửa chữa và bảo dưỡng tàu chiến của họ, trong trường hợp liên minh Austal-Cerberus đạt được thỏa thuận tiếp quản tài sản.
Liên quan đến công ty Hanjin tại vịnh Subic, Nikkei cho biết, nhà máy đóng tàu Hanjin Subic buộc phải tuyên bố phá sản vào tháng 1/2019 sau khi Công ty Công nghiệp nặng và Xây dựng Hanjin, chi nhánh của tập đoàn Hanjin Hàn Quốc vỡ nợ với khoản nợ lên đến 1,3 tỷ USD
Trước khi vỡ nợ, công ty chủ quản đã đầu tư 2,3 tỷ USD vào Subic, tạo ra hơn 30.000 việc làm cho người dân địa phương và hoàn thành 120 tàu kể từ khi khai trương nhà máy năm 2006. Austal có kế hoạch sẽ đóng các tàu quân sự và tàu chở khách tại đây nếu họ thắng thầu lần này.
“Liên minh” Austal-Cerberus đã tham gia vào các cuộc đàm phán độc quyền với các chủ nợ của nhà máy đóng tàu Hanjin Subic kể từ tháng 7. Tôi nghĩ rằng họ (Austal-Cerberus) có thể sẽ nhận được dự án xây dựng này”, một trong những chủ nợ của nhà máy đóng tàu Hanjin nói với Nikkei.
Một nguồn tin khác cũng xác nhận với Nikkei: “Mọi thứ đang diễn ra rất tốt và chúng tôi dự kiến sẽ hoàn thành đàm phán vào đầu năm tới” .
Thông tin trên làm dấy lên hy vọng hồi sinh nhà máy đóng tàu rộng 300 ha, nằm ở khu vực từng là nơi đặt căn cứ quân sự Mỹ và có vị trí chiến lược ở biển Đông.
Đề cập đến liên minh Austai-Cerberus, Nikkei cho hay, công ty Austal được niêm yết tại Úc với mức vốn hoá khoảng 1 tỷ USD. Austal có mối quan hệ chặt chẽ với hải quân Mỹ và từng đạt được nhiều hợp đồng đóng tàu quan trọng. Công ty này cũng đang chạy đua để giành được hợp đồng trị giá 600 triệu USD nhằm đóng 6 tàu tuần tra cho hải quân Philippines, với sự đảm bảo về mặt tài chính của chính phủ Úc.
Trong khi đó, Cerberus là quỹ đầu tư quản lý số tài sản lên tới 30 tỷ USD, với chủ tịch là cựu Phó Tổng thống Mỹ Dan Quayle. Các tài sản nằm dưới sự quản lý của Cerberus còn có cả DynCorp, một trong những nhà thầu quốc phòng tư nhân lớn nhất ở Mỹ.
Được biết, việc Trung Quốc quân sự hóa biển Đông thời gian gần đây đã làm gia tăng căng thẳng trong khu vực cũng như làm suy yếu mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington cùng các đồng minh của Mỹ. Hành động ngang ngược này của Bắc Kinh cũng khiến Mỹ, Úc, cùng các quốc gia có liên can hồi sinh cơ chế đối thoại an ninh để kiềm chế Trung Quốc.
Thiện Thành (t/h)