Mặc dù có chung kẻ thù, Washington đã từ chối hợp tác với Tổng thống Syria để mở các cuộc không kích vào Nhà nước Hồi giáo (ISIS).
Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) không hoan nghênh hợp tác với Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong cuộc chiến chống lại ISIS. (Ảnh: Pat Dollard)
Sau khi gửi máy bay không người lái tới Syria để giám sát các mục tiêu của ISIS, Washington loại trừ phương án hợp tác với Tổng thống Bashar al-Assad nhằm mở các cuộc không kích vào các mục tiêu ISIS trên lãnh thổ Syria.
Động thái này mở ra 2 lựa chọn cho Mỹ, một là vẫn thực hiện chiến dịch quân sự nhưng phải tránh hệ thống phòng không của Syria, hai là phối hợp với chế độ của ông Assad thông qua một bên thứ ba.
Các nguồn tin từ Damascus hôm 26/8 cho biết, Mỹ đang chia sẻ thông tin tình báo thu thập được từ các máy bay do thám trên với Damascus thông qua các kênh Iraq và Nga.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki khẳng định: “Chúng tôi sẽ không yêu cầu Syria phải cho phép”, dù Washington và Damascus đều được lợi nếu đánh bại Nhà nước Hồi giáo trong khu vực.
Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cũng cho biết không có kế hoạch hợp tác với chế độ của Tổng thống Assad vì “Mỹ coi đây chính là mối đe dọa khủng bố”.
Rất nhiều xe quân sự Humvees lấy được của Mỹ đang được ISIS chuyển về Syria. (Ảnh: Reuters)
Các quan chức hàng đầu của Mỹ mô tả ISIS ngày càng lớn mạnh và trở thành một mối đe dọa đối với an ninh quốc tế.
Các thành viên của Nhà nước Hồi giáo ISIS tại Syria (Ảnh: AP)
Do vậy, dù ngoài mặt phản đối nhau nhưng các cuộc không kích của Mỹ hiển nhiên đẩy Washington và Damascus về cùng một chiến tuyến.
Hôm qua ngày 26/8, Nhà Trắng nhấn mạnh trong một tuyên bố rằng Tổng thống Obama vẫn chưa đưa ra quyết định có nên không kích ISIS tại Syria hay không. Tuy nhiên, có dấu hiệu cho thấy Mỹ sẽ mở các cuộc tấn công vào ISIS giống như từng làm trên lãnh thổ Iraq.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby cho rằng đứng trước mối đe dọa khủng bố từ ISIS, Mỹ đặt vấn đề bảo vệ công dân của mình trong và ngoài nước lên hàng đầu, bỏ qua giới hạn ranh giới địa lý.
Tuy nhiên, Washington phải cẩn thận với hệ thống phòng không của Syria nếu muốn mở chiến dịch không kích.
Trong lần xâm nhập vào lãnh thổ Syria gần đây bằng trực thăng để giải cứu các con tin bị ISIS giam giữ, bao gồm nhà báo James Foley, sở dĩ nước này không phát hiện là do chiếc trực thăng của Mỹ được thiết kế để bay thấp, tránh được radar.
Nhưng đối với các máy bay do thám và nhiều loại máy bay tiêm kích của không lực Mỹ, lực lượng không quân Syria và lưới phòng không nước này đủ sức bắn hạ.
Syria được cho là sở hữu tên lửa đất-đối-không SA-22 Greyhound tiên tiến, có khả năng vươn tới mục tiêu ở khoảng cách gần 20 km. Trong khi máy bay do thám Global Hawk hiện đại nhất của Mỹ có tầm bay không vượt quá khoảng cách này.
Theo Nld, The Washington Post