Tinh Hoa

Mỹ tạo ra màn hình cảm ứng hiển thị chữ nổi cho người khiếm thị

Các nhà nghiên cứu tại Mỹ vừa phát triển thành công màn hình cảm ứng hiển thị chữ nổi cho người khiếm thị. Với loại màn hình đặc biệt này, người khiếm thị có thể sử dụng smartphone, tablet hoặc bất cứ thiết bị màn hình cảm ứng nào.

Ảnh đồ họa tablet cảm ứng hiển thị chữ nổi.

Một trong những điểm yếu của các màn hình hiện nay là không thể tiếp cận những người khiếm thị. Người khiếm thị không thể đọc được những nội dung trên màn hình và không thể thấy những nút tương tác.

Tuy nhiên, vấn đề này sẽ được giải quyết khi một nhóm nghiên cứu ở Đại học Michigan, Mỹ đã phát triển thành công loại màn hình cảm ứng đặc biệt, có thể nổi các nội dung lên màn hình dưới dạng chữ nổi.

Màn hình này có khả năng tạo ra một bề mặt xúc giác, những chữ nổi trên màn hình để người khiếm thị có thể cảm nhận được và nhờ vậy hiểu được những nội dung trên màn hình.

Hệ thống chữ nổi cho người mù được phát triển vào thế kỷ 19 tại Pháp bởi nhà khoa học Louis Braille dựa trên hệ thống ngôn ngữ dùng trong quân sự giúp người lính có thể đọc các thông điệp trong bóng tối. Chữ nổi Braille sẽ mã hóa ký tự, từ và biểu tượng thành những dấu chấm để người mù đọc bằng cách sờ vào chúng.

Hiện có một thiết bị hiển thị chữ nổi có thể chuyển văn bản trên màn hình máy tính thành chữ nổi tuy nhiên nó rất đắt tiền và chỉ có thể hiển thị một dòng chữ mỗi lần. Đây không phải là thiết bị lý tưởng cho những người khiếm thị khi họ muốn đọc sách hoặc báo. Nó cũng không thể hiển thị những thông tin như đồ thị, bảng hoặc biểu đồ.

Do vậy Giáo sư Sile O’Modhrain, cùng với giáo sư Brent Gillespie và tiến sĩ Alexander Russomanno tại Đại học Michigan đã phát triển một hệ thống khí nén có thể hiển thị đầy đủ các loại chữ nổi trên màn hình cảm ứng. Thay vì sử dụng các chân pin, hệ thống này sử dụng hệ thống chất lỏng hoặc khí có thể bơm đầy hoặc rút khỏ những bong bóng siêu nhỏ trên màn hình để tạo ra các chữ nổi.

Nhóm các nhà nghiên cứu muốn đưa thiết bị ra thị trường trong vài năm tới nhằm giúp ích nhiều hơn cho những người khiếm thị.

Theo GenK