Tokyo và Washington đang xem xét khả năng trang bị vũ khí tấn công cho phép Nhật Bản triển khai sức mạnh quân sự bên ngoài lãnh thổ của mình, một động thái có thể sẽ chọc giận Trung Quốc.
Nhật Bản muốn xây dựng một lực lượng vũ trang mạnh mẽ hơn để đối phó với các mối đe dọa từ Trung Quốc và Triều Tiên. Ảnh các binh sỹ thuộc Lực lượng Phòng vệ Nhật bản ngồi trên chiếc Humvee trong một đợt huấn luyện gần núi Fuji ở Higashifuji, phía tây Tokyo vào ngày 19/8/2014.
Các quan chức chính phủ Nhật vừa thông báo nội dung trên.Trong khi sự đối đầu Nhật-Trung đầy căng thẳng đang là điểm nóng trên các trang tin, thì mục tiêu mới của Tokyo có thể nhắm vào các căn cứ tên lửa của Bình Nhưỡng, ba quan chức Nhật Bản liên quan tới vấn đề trên cho biết.
Trước đó, Tokyo đã có cuộc đàm phán mật không chính thức với Mỹ về khả năng tăng sức mạnh quân sự cho quốc gia chưa từng bắn một phát đạn nào kể từ sau thất bại trong Thế chiến Thứ Hai.
Reuters dẫn lời các quan chức chính phủ Nhật Bản cho biết cuộc đàm phán liên quan đến “khả năng tấn công” này chỉ mang tính sơ bộ và chưa đề cập gì tới vũ khí.
Các chuyên gia quốc phòng cho hay, để tăng khả năng tấn công thì phải thay đổi học thuyết quân sự phòng vệ thuần túy của Nhật Bản. Từ đó, nước này có thể phải chi hàng tỉ USD để nhập khẩu các hệ thống tên lửa cùng những vũ khí khác. Các vũ khí này có thể gồm nhiều loại như tàu ngầm bắn tên lửa hành trình, tương tự tên lửa Tomahawk của Mỹ.
Các quan chức Mỹ nói chưa đàm phán chính thức về vấn đề này nhưng cũng không loại trừ khả năng họ sẽ cùng ký kết 1 số thỏa thuận về việc trên. Một quan chức Mỹ nói rằng Nhật Bản đã đề cập đến vấn đề này với các quan chức Mỹ từ cuối năm ngoái.
Quân đội Nhật Bản đã mạnh hơn nhưng vẫn bị ràng buộc bởi Hiến pháp hòa bình. Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản hiện có hàng chục tàu hải quân, 16 tàu ngầm, 3 tàu chở trực thăng cùng nhiều tàu đang được đóng mới.
Nhật Bản cũng đang lên kế hoạch mua 42 chiến đấu cơ tiên tiến F-35 của Mỹ. Việc định hình lại quân đội thành một lực lượng quyết đoán hơn là chính sách chủ chốt của Thủ tướng Shinzo Abe. Ông đã đi ngược lại chính sách giảm chi tiêu quân sự và cấm quân đội Nhật tham chiến ở nước ngoài, vốn tồn tại trong 1 thập kỷ, đồng thời nới lỏng kiểm soát vũ khí.
Chọc giận Trung Quốc
Hai chiếc tàu chiến của Nhật Bản ép sát một chiếc thuyền của Trung Quốc khi vi phạm vào vùng biển của nước này
Quan chức Nhật Bản cho biết, Tokyo đã bỏ đi đề nghị thảo luận các khả năng tấn công trong những cuộc đàm phán cấp cao về phương hướng thay đổi cho liên minh an ninh Mỹ-Nhật, dự kiến sẽ kết thúc vào cuối năm nay. Thay vào đó, các vấn đề nhạy cảm “đang được thảo luận riêng rẽ”, một quan chức hiểu biết về việc này cho hay.
Tuy nhiên, bất kỳ thỏa thuận nào với Washington đều tốn lắm thời gian và gặp nhiều trở ngại về chi phí, chưa kể tới khoản nợ khổng lồ của chính phủ Nhật Bản, mối quan hệ với các nước láng giềng châu Á như Trung Quốc cùng tính nhạy cảm ngay tại liên minh này.
Các quan chức Nhật Bản cho biết đối tác Mỹ thận trọng về ý tưởng này, một phần do nó có thể khiến Trung Quốc phẫn nộ, dẫn tới việc họ sẽ cáo buộc Thủ tướng Abe muốn khôi phục chủ nghĩa quân phiệt thời chiến.
Một phát ngôn viên của Bộ Quốc Phòng Nhật Bản cho biết ông không đưa ra bình luận nào về các cuộc đàm phán với Washington.
Nhật Bản cần Mỹ ủng hộ cho bất kỳ sự thay đổi học thuyết quân sự nào, bởi vì nó sẽ thay đổi khuôn khổ của liên minh, thường được miêu tả như sau: Mỹ hậu thuẫn về “quyền uy” cho quân đội nơi chiến tuyến và ngăn cản sử dụng vũ khí hạt nhân, trong khi Nhật Bản vẫn giữ “lá chắn” phòng thủ.
Một quan chức Mỹ khác cho biết Washington không có ý định cải thiện khả năng chiến đấu cho Nhật Bản, “một phần bởi vì Nhật không trình bày rõ ý định của mình hay gửi đến chúng tôi một yêu cầu cụ thể nào…. Chúng tôi vẫn chưa đàm phán về điều này, nhưng đã chuẩn bị cho chuyện đó khi họ sẵn sàng”.
Bình Nhưỡng và đe dọa phóng tên lửa
Bắc Triều tiên cách điểm gần nhất của Nhật Bản không quá 600 km.
Bình Nhưỡng thường xuyên bắn rocket tầm ngắn vào vùng biển giữa Hàn Quốc và Nhật Bản. Hiện nay, họ đã được trang bị vũ khí tên lửa đạn đạo cùng với 3 lần thử vũ khí hạt nhân, gần nhất là vào tháng 2/2013.
Vào tháng Tư, Bình Nhưỡng tuyên bố, trong trường hợp xảy ra chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, Nhật Bản có thể phải “chìm trong biển lửa do hạt nhân gây ra”.
Việc Nhật muốn nâng cấp khả năng quân sự một phần là do nước này vẫn luôn nghi ngờ Mỹ, với 28.000 quân ở Hàn Quốc và 38.000 quân ở Nhật, vẫn còn do dự chưa muốn tấn công Triều Tiên nếu có biến, các chuyên gia Nhật cho biết.
Quân đội Mỹ có thể trì hoãn trong một số tình huống, ví dụ như nếu Hàn Quốc muốn ngăn chặn căng thẳng leo thang như hiện nay, Narushige Michishita, nguyên cố vấn an ninh quốc gia chính phủ Nhật từ năm 2004-2006, đồng thời cũng là chuyên gia ở viện Đại học Quốc gia về nghiên cứu chính trị ở Tokyo nhận định. “Nhật Bản muốn tiếp tục duy trì khả năng tấn công tại mức độ nào đó để có thể sẵn sàng khi cần chiến đấu, vì vậy cần nói với người Mỹ rằng, chúng ta sẽ phải tự làm điều đó, nếu như họ không hỗ trợ”, một quan chức an ninh tại Tokyo cho biết.
Phản ánh quan ngại của Nhật Bản, Thủ tướng Abe đã phát biểu trước quốc hội vào năm 2013 rằng: Một điều tối cần thiết là không được hiểu sai về tình hình khi “thanh kiếm” của Mỹ sẽ không được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. “Liệu chúng ta có thể chấp nhận việc cầu xin Mỹ chống lại các cuộc tấn công tên lửa nhắm vào mình như tình hình hiện tại hay không?”, ông Abe nói.
Theo quyết sách an ninh hiện tại, trong trường hợp xảy ra vụ tấn công hạt nhân tên lửa, “quân đội Mỹ sẽ cung cấp cho Nhật Bản các thông tin tình báo và sự cố vấn cần thiết, và sẽ sử dụng quân đội để tăng sức mạnh phản công nếu cần”.
Bao phủ trong uyển ngữ
Trung Quốc và Hàn Quốc cáo buộc Thủ tướng Abe đã không chuộc lỗi cho cuộc xâm lược của Nhật Bản
Các cuộc thảo luận không chính thức về khả năng tấn công bao gồm tất cả các lựa chọn, từ việc Nhật Bản phải dựa hoàn toàn vào Washington cho tới cách thức để được trang bị đầy đủ các thiết bị quân sự.
Nhật Bản muốn đạt được thỏa thuận trong khoảng 5 năm, và sau đó bắt đầu mua vũ khí, một quan chức nước này cho hay.
Tokyo đã muốn thảo luận về việc xem xét lại Nguyên tắc chỉ đạo Hợp tác Quốc Phòng Mỹ-Nhật, dự kiến sẽ bao gồm các lĩnh vực như hậu cần và an ninh mạng. Những cuộc đàm phán kiểu này, chính thức khởi động từ tháng 10 năm ngoái và cũng là lần đầu tiên trong 17 năm qua.
Tuy nhiên, Mỹ muốn giữ các cuộc thảo luận được bí mật để tránh làm mất lòng Trung Quốc và Hàn Quốc, theo một quan chức Nhật Bản.
Cả Bắc Kinh cũng như Seoul đều có tranh chấp lãnh thổ với Tokyo và cáo buộc Thủ tướng Abe không chuộc lỗi cho cuộc xâm lược của Nhật Bản trong cuộc chiến tranh vừa qua.
Sự nhạy cảm của vấn đề này được thể hiện rõ ngay cả ở Nhật Bản, bất kỳ cuộc nói chuyện nào đề cập đến khả năng tấn công đều được thể hiện bằng uyển ngữ. Nghĩa là vấn đề đó sẽ được nói giảm hoặc được nói tránh đi.
Bùi Hương, Công Lý (Theo Reuters)