Lực lượng lục quân Mỹ hôm 15/1 cho biết họ đang có kế hoạch triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa và nhiều vũ khí đến Trung Đông nhằm đề phòng những cuộc tấn công từ Iran, theo Military Times.
“Iran là đối thủ có tiềm lực, họ sở hữu khả năng tấn công và đe dọa mạng sống người Mỹ. Chúng tôi đang xem xét bổ sung các hệ thống phòng thủ tới khu vực, trong đó có thể bao gồm lá chắn tên lửa”, Bộ trưởng Lục quân Mỹ Ryan McCarthy nói với các phóng viên hôm 15/1.
Phát biểu của ông McCarthy được đưa ra sau khi Iran phóng hàng chục tên lửa đạn đạo vào 2 căn cứ không quân có lính Mỹ đồn trú tại Iraq là al-Asad và Erbil hôm 8/1 để đáp trả vụ Mỹ không kích hạ sát tướng Qassem Soleimani.
Washington Post dẫn lời từ Nhà Trắng cho biết 2 căn cứ này không có lá chắn tên lửa khi bị Iran tập kích. Mặc dù cuộc tấn công không gây thiệt hại về nhân mạng nhưng đã phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng.
Hôm 17/1, trong cuộc họp báo tại Lầu Năm Góc, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Jonathan Hoffman cho biết Hoa Kỳ có hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot với “số lượng hạn chế”. Và các hệ thống phòng thủ tên lửa cũng chỉ giải quyết được một trong các mối đe dọa ở Trung Đông.
Tuy ông Hoffman không cung cấp thông tin chi tiết liệu Lầu Năm Góc có tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa cho các căn cứ của Mỹ tại Iraq hay không. Song phát ngôn viên Lầu Năm Góc cho hay, ngoài đe dọa từ tên lửa Iran, các chỉ huy quân đội Mỹ sẽ phải chú ý đến các nguy cơ khác như: lực lượng ủy nhiệm do Tehran hậu thuẫn, máy bay không người lái và các cuộc tấn tên lửa khác trong khu vực.
“Chúng tôi phải xem xét đến các mối đe dọa khác nhau”, Hoffman chia sẻ.
Ông Hoffman cho biết, quyết định tăng cường các hệ thống phòng thủ tên lửa tại các căn cứ Mỹ ở Iraq sẽ yêu cầu có chỉ huy từ mặt đất, người này sẽ phải xác định vị trí đặt các hệ thống phòng thủ tên lửa.
“Ngoài hệ thống phòng thủ tên lửa trên không, cũng cần phát triển các phương diện khác như UAV được trang bị cảm biến và tiêm kích đánh chặn, có khả năng triển khai nhanh hơn và bố trí đến những nơi tàu quân sự không thể hoạt động”, ông Hoffman giải thích.
Ngoài ra, tính từ ngày 31/12/2019, Washington đã triển khai thêm 9.000 binh sĩ đến Trung Đông nhằm đối phó căng thẳng leo thang sau vụ người biểu tình tràn vào đại sứ quán Mỹ tại Iraq. Nhà Trắng khẳng định cuộc biểu tình có sự hậu thuẫn từ Tehran.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper hôm 15/1 cũng khẳng định Mỹ vẫn đang theo dõi chặt chẽ các khu vực quân sự có khả năng đe dọa đến lợi ích của nước này. Ông cho biết thêm việc hạ sát tướng Iran Qassem Soleimani là để tự vệ đồng thời cũng là đòn răn đe Tehran.
Tổng thống Trump và các quan chức Nhà Trắng cũng mô tả cuộc không kích nhằm vào tướng Soleimani là biện pháp phòng vệ chính đáng để ngăn chặn các cuộc tấn công “sắp xảy ra” do tư lệnh Iran rắp tâm lên kế hoạch.
Tình báo Mỹ tin rằng Soleimani có liên quan đến âm mưu tấn công người Mỹ ở nhiều quốc gia, bao gồm Iraq, Syria và Lebanon trong nhiều năm qua. Mỹ khẳng định, tướng Soleimani đã cung cấp vũ khí hiện đại cho Kataib Hezbollah tấn công Mỹ.
Thiện Thành (t/h)