Vào cuối tuần này, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence sẽ có bài phát biểu quan trọng về Chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ tại Hội nghị thượng đỉnh kinh tế ở Papua New Guinea. Theo dự kiến, ông Pence sẽ nói về các biện pháp cụ thể chống lại hoặc thay thế sáng kiến “Vành đai và Con đường” của đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Tờ South China Morning Post (SCMP) đưa tin, vào thứ Tư (14/11) có quan chức cấp cao chính phủ Mỹ cung cấp thông tin rằng, kế hoạch của Mỹ là sẽ tìm cách triệt tiêu hoàn toàn “kiểu ngoại giao nợ nguy hiểm của ĐCSTQ trong khu vực này”.
Quan chức Mỹ này cho rằng bài phát biểu của ông Pence tại Port Moresby vào thứ Bảy (17/11) sẽ thúc đẩy “mô hình đầu tư tư bản” của Mỹ, sẽ phác thảo cách “các công ty Mỹ sẽ tham gia vào khu vực này như thế nào để thực sự cung cấp cơ hội việc làm và mang lại sự thịnh vượng cho khu vực”.
Ông nói: “Điều này sẽ hình thành thế đối kháng mạnh mẽ với ngoại giao bẫy nợ nguy hiểm của Trung Quốc (ĐCSTQ) trong khu vực này, nguồn vốn Trung Quốc trong khu vực này đã trải rộng qua một số nước (từ Sri Lanka đến Maldives, Malaysia), vì các nước này phải chấp nhận khoản vay có vấn đề mà đối mặt bẫy nợ nần nguy hiểm”.
>>> Phương Tây đẩy mạnh kế hoạch ứng phó “Vành đai và Con đường” của TQ
Động cơ chiến lược của “Vành đai và Con đường”
“Vành đai và Con đường” mà ĐCSTQ mạnh mẽ thúc đẩy tiếp tục gây lo ngại, ít nhất 13 quốc gia thuộc ba châu lục (châu Á, châu Phi và châu Âu) rơi vào gánh nặng nợ nước ngoài nghiêm trọng, lo ngại bị khủng hoảng. Kể từ đầu năm nay, một số quốc gia tham gia vào chương trình “Vành đai và Con đường” đã bắt đầu hủy hoặc sửa đổi hợp đồng, vì họ thấy các dự án quá tốn kém hoặc không cần thiết.
Hôm thứ Tư (14/11), Ủy ban Thẩm tra Kinh tế và An ninh Mỹ – Trung Quốc (U.S.-China Economic and Security Review Commission, ghi tắt USCC) thuộc Quốc hội Mỹ đã công bố báo cáo thường niên, tiết lộ động lực chiến lược của ĐCSTQ trong thúc đẩy “Sáng kiến Vành đai và Con đường” trên toàn cầu.
ĐCSTQ tuyên bố rằng dự án “Vành đai và Con đường” là một nguồn tài chính cơ sở hạ tầng đơn giản, vô điều kiện. Nhưng trên thực tế, việc chấp nhận tài trợ của ĐCSTQ thường có nghĩa là nước đối tác phải đồng ý mua các dịch vụ của công ty Trung Quốc và sử dụng lao động Trung Quốc để hoàn thành việc xây dựng cơ sở hạ tầng của mình.
“Lợi ích chiến lược là trọng tâm của Sáng kiến Vành đai và Con đường”, bản báo cáo chỉ ra, mặc dù Chính phủ của ĐCSTQ phủ nhận mục đích trọng tâm của “Vành đai và Con đường” là để thúc đẩy các tham vọng địa chính trị. Mục tiêu địa chính trị này của Bắc Kinh bao gồm đảm bảo cung cấp năng lượng và mở rộng phạm vi hiện diện của quân đội ĐCSTQ ở nước ngoài, trong khi Sáng kiến Vành đai và Con đường trở thành cái cớ cho sự hiện diện của quân đội ĐCSTQ.
Đầu tư của Mỹ sẽ tạo “hiệu ứng làm gương”
Hiện tại, ông Pence đang tham gia Hội nghị thượng đỉnh Liên minh Mỹ-ASEAN tại Singapore và Hội nghị thượng đỉnh ASEAN. Thay mặt Tổng thống Mỹ Trump, ông Pence đã truyền đạt lại thông tin cho đồng minh của khu vực rằng Chính phủ Mỹ sẽ làm tròn lời hứa của mình.
Sau khi thỏa thuận hợp tác này được thực hiện trong năm nay, cách đây vài ngày Chính phủ các nước gồm Mỹ, Úc và Nhật Bản đã chính thức công bố sẽ cung cấp kinh phí cho các dự án cơ sở hạ tầng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trong một tuyên bố riêng vào thứ Ba vừa qua, ông Pence và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết họ đã đồng ý cùng nhau nỗ lực để cung cấp nguồn vốn 70 tỷ đô la Mỹ cho xây dựng cơ sở hạ tầng của khu vực này.
Để chống lại “ngoại giao bẫy nợ” của ĐCSTQ do sáng kiến “Vành đai và Con đường” gây ra, các nước Mỹ, Úc và Nhật Bản cộng thêm Ấn Độ sẽ cùng nhau hình thành khối quốc gia dân chủ bao quanh châu Á, bắt đầu hành động cùng nhau trong khu vực này trong mục tiêu tài trợ xây dựng cơ sở hạ tầng.
Tuần trước, Úc tuyên bố sẽ cung cấp 1,4 tỷ đô la Mỹ tài trợ cơ sở hạ tầng cho khu vực Thái Bình Dương, cung cấp các khoản tài trợ và các khoản vay dài hạn cho các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng như viễn thông, năng lượng, giao thông và thủy lợi.
Gần đây Mỹ đã cải cách cách tiếp cận đầu tư tư nhân ở nước ngoài từng tồn tại trong nhiều thập kỷ của mình để cung cấp thêm kinh phí cho các tổ chức tài chính ở nước ngoài. Phía Mỹ cho biết, mặc dù nỗ lực của Mỹ có thể chưa cân xứng với quy mô kế hoạch tài chính cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc đưa ra, nhưng đầu tư của Mỹ sẽ tạo ra “hiệu ứng làm gương”, nghĩa là sẽ nhận được tài trợ từ các đồng minh và khu vực tư nhân.
Mỹ cho biết sự khác biệt chính giữa dự án của Mỹ và Mỹ – Nhật – Úc với dự án của ĐCSTQ đối với khu vực này nằm ở biện pháp kiểm soát chặt chẽ của Mỹ và đồng minh trong việc đảm bảo các dự án sẽ thực sự giúp các khu vực bản địa được hưởng lợi và đảm bảo tối ưu tính khả thi về mặt thương mại.
Tại một cuộc họp báo hôm thứ Tư, quan chức cao cấp này của chính phủ Mỹ cho biết, bài phát biểu của ông Pence sẽ cung cấp thêm chi tiết về hợp tác ba bên giữa Mỹ, Nhật Bản và Úc.
>>> Yemen: Hàng nghìn trẻ em chết vì đói sau 3 năm nội chiến
>>> Số người mất tích trong vụ cháy rừng ở California tăng vọt
Theo trithucvn.net