Giữa những tranh cãi xoay quanh nguồn gốc của virus Vũ Hán gây ra dịch bệnh Vũ Hán, Bộ Giáo dục Hoa Kỳ đã yêu cầu trường ĐH Texas cung cấp các tài liệu về mối quan hệ của họ với một phòng thí nghiệm nghiên cứu bệnh truyền nhiễm tại Trung Quốc.
Trong khi các nhà khoa học cho biết nguồn gốc bùng phát dịch bệnh khả quan nhất vẫn là từ tự nhiên, nhiều nhà điều tra đang vẫn đang đi tìm các bằng chứng củng cố giả thuyết rằng chủng virus Vũ Hán thực chất là một mẫu thí nghiệm của dự án khoa học được thực hiện tại Viện Virus học Vũ Hán và bằng một cách nào đó đã bị rò rỉ, phát tán ra ngoài.
Trong một phát biểu ngày 30/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định ông đã tìm ra bằng chứng củng cố cho giả thuyết virus Vũ Hán từng ở trong phòng thí nghiệm, và giờ chính quyền Mỹ “đang điều tra xem chủng virus đã bị phát tán ra ngoài bằng cách nào”.
“Thật tồi tệ khi điều này xảy ra. Liệu đây có phải là sai lầm hay ban đầu họ đã sơ xuất và lại tiếp tục phạm thêm sai lầm nữa không, hoặc đã có một ai đó thực hiện việc làm một cách có chủ ý”.
Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia, bộ phận tài chính cho các trang web của các cơ quan tình báo Hoa Kỳ cho biết, họ đồng tình rằng chủng virus không phải do con người tạo ra, nhưng vẫn thực hiện điều tra nguồn gốc hình thành chính xác của đại dịch toàn cầu, hiện đã gây ra cái chết của hơn 230 nghìn người trên toàn thế giới.
Thông tin tình báo cho biết, các cơ quan liên bang đồng tình với “nhận định khoa học được đồng thuận rộng rãi rằng, chủng virus gây ra căn bệnh COVID-19 không phải một sản phẩm do con người làm ra hoặc làm đột biến cấu trúc gen”.
“Cộng đồng Tình báo Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tra khảo chặt chẽ những thông tin mới xuất hiện và những thông tin tình báo, để xác định xem liệu đại dịch COVID-19 bùng phát do người nhiễm tiếp xúc với động vật lây truyền trung gian, hay thực chất đây là hậu quả của một vụ tai nạn hy hữu, xảy ra tại một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán”, tuyên bố cho hay.
Ngày 24/4/2020, một bức thư của Bộ Giáo dục yêu cầu trường ĐH Texas cung cấp các tài liệu liên quan đến mối quan hệ khả nghi với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), thông qua hàng chục trường đại học và doanh nghiệp Trung Quốc, bao gồm cả những cơ quan tổ chức có liên kết với chính quyền Trung Quốc. Lá thư viết: “Trong giai đoạn từ 6/6/2014 đến 3/6/2019, đại học Texas đã có khoảng 24 lần giao dịch với các trường đại học thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc, và 10 lần thỏa thuận giao dịch với Tập đoàn Công nghệ Huawei, tổng giá trị được báo cáo lên đến 12.987.896 đô la Mỹ”.
“Tuy nhiên, hiện chưa rõ rằng ĐH Texas thực tế có báo cáo hết toàn bộ các thỏa thuận giao dịch, hoặc có liên quan tới Viện Virus học Vũ Hán và với các cơ quan nước ngoài khác hay không, bao gồm cả những cơ quan thuộc chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”, lá thư viết thêm.
Bộ Giáo dục cho biết đang yêu cầu ĐH Texas cung cấp một loạt các báo cáo, hồ sơ, bao gồm bản sao của các thỏa thuận từ thiện hoặc quyên góp và thông tin liên hệ của các cán bộ, để họ có thể đánh giá liệu trường có đang tuân thủ theo đúng luật liên bang yêu cầu các tổ chức giáo dục đại học báo cáo những thứ như quà từ thiện và hợp đồng với các đối tác nước ngoài hay không.
Việc yêu cầu cung cấp các thỏa thuận và quyên góp liên quan đến Viện Virus học Vũ Hán và nhà nghiên cứu Thạch Chính Lệ, nổi tiếng bởi các dự án nghiên cứu về dơi, là một phần của cuộc điều tra nội bộ mở rộng, nhằm tìm ra những báo cáo tài chính không minh bạch về dòng tiền nước ngoài của các trường ĐH tại Texas.
Trường ĐH Texas sau đó đã chia sẻ với tờ Wall Street Journal rằng, họ sẽ phản hồi yêu cầu của Bộ và từ chối cung cấp các thông tin có liên quan đến các tổ chức, cơ quan được đề cập trong lá thư.
Những dự án liên quan tới Canada
Những báo cáo sau đó cho hay, chính phủ Canada đang tài trợ cho một dự án nghiên cứu COVID-19 có liên quan đến việc hợp tác với Viện Virus học Vũ Hán.
Theo cơ quan chính phủ Viện nghiên cứu Sức khỏe Canada, một giáo sư của trường ĐH Alberta đã nhận được khoản tài trợ trị giá hơn 828.000 đô la Canada (590.000 đô la Mỹ) để phối hợp với phòng thí nghiệm tại Vũ Hán, phát triển các phương án chẩn đoán, xét nghiệm COVID-19.
Dự án được thực hiện nhằm tìm ra các phương pháp chẩn đoán COVID-19 nhanh chóng và ít tốn kém nhất .
Người nhận được tài trợ từ chính phủ Canada là giáo sư Xiaochun Le, một nhà nghiên cứu độc học phân tích và môi trường tại ĐH Alberta. Dự án của ông là một trong số hàng chục dự án mà các quan chức Canada tài trợ có liên quan đến dịch bệnh Vũ Hán.
Các nhà chức trách Canada không tiết lộ lý do tại sao phòng thí nghiệm tại Vũ Hán được lựa chọn, nhưng một phát ngôn viên của Bộ trưởng Y tế liên bang Patty Hadju đã chia sẻ với hãng thông tấn Canada Globe and Mail rằng, dự án nghiên cứu này và các dự án nghiên cứu được nhà nước tài trợ khác đều được “đánh giá nghiêm ngặt cùng tiêu chuẩn” bởi nhiều chuyên gia tách lập khỏi chính phủ.
Một phát ngôn viên của ĐH Alberta cũng chia sẻ với hãng thông tấn kể trên rằng phòng thí nghiệm Trung Quốc được lựa chọn bởi các nhà nghiên cứu tại đó nhiều kinh nghiệm đáng kể trong việc chẩn đoán COVID-19.
Viện Virus học Vũ Hán đã trở thành tâm điểm chú ý giữa những điều tra, nhằm xác định chính xác nguồn gốc bùng phát của đại dịch Vũ Hán.
Theo tờ Washington Post, năm 2018, các quan chức Mỹ đã tới thăm Viện Virus học Vũ Hán nhiều lần, sau đó gửi cảnh báo về Mỹ vì Viện không đáp ứng được điều kiện an toàn khi thực hiện nghiên cứu về các chủng virus corona có trong loài dơi. Các quan chức đã cảnh báo sự rời rạc trong khâu quản lý, và tính an toàn tại phòng thí nghiệm, đề xuất cần phải theo dõi kỹ hơn và có thêm sự hỗ trợ.
Huy Hoàng ( The Epoch Times)