Washington mới đây công bố sáng kiến “Mạng lưới điểm xanh” (Blue Dot Network) nhằm tài trợ cho những dự án cơ sở hạ tầng bền vững. Sáng kiến mới này nhằm chống lại những dự án cơ sở hạ tầng chất lượng thấp, khiến nhiều quốc gia rơi vào ‘bẫy nợ’ vì chính sách “vành đai, con đường” của Trung Quốc.
Nhằm cạnh tranh với sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) trị giá hàng tỉ USD của Trung Quốc, Washington đã kết hợp với Nhật Bản và Australia cho ra đời sáng kiến đánh giá hạ tầng mang tên “Blue Dot Network” (Mạng lưới Điểm Xanh), được tạo ra với mục đích đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng “bền vững”, báo ABC News đưa tin.
Thông báo về sáng kiến trên được Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross đưa ra bên lề Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 35 tại Thái Lan hôm thứ Ba 5/11.
“Mạng lưới Điểm Xanh sẽ đánh giá và xác nhận các dự án hạ tầng được lựa chọn, dựa trên việc tuân thủ theo các nguyên tắc chung được chấp nhận để thúc đẩy công tác phát triển cơ sở hạ tầng bền vững về tài chính, minh bạch và hướng về kinh tế thị trường ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương và khắp thế giới”, thông cáo trên trang OPIC nêu rõ.
Sáng kiến Mạng lưới Điểm Xanh được cho là sự khẳng định từ chính quyền Donald Trump nhằm xóa đi những hoài nghi rằng nước Mỹ đang xa rời khu vực ASEAN khi chủ Nhà Trắng chỉ cử cố vấn an ninh quốc gia, Robert O’Brien tới tham dự hội nghị thường niên của khu vực này, đồng thời cũng là năm thứ 2 liên tiếp mà ông Trump không tham dự được sự kiện với lý do vướng lịch trình vận động tranh cử.
Hãng tin ABC dẫn lời bộ trưởng Ross: “Chúng tôi không định từ bỏ vị thế địa chính trị hay quân sự của mình. Chúng tôi còn ở đây lâu dài; chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư thêm và sẽ nỗ lực có thêm các thỏa thuận thương mại song phương, và tôi sẽ giành nhiều thời gian hơn tại khu vực này”.
Ông Ross còn đưa ra lưu ý rằng Mạng lưới Điểm Xanh chỉ đang ở giai đoạn đầu nhưng nó sẽ bao gồm các quốc gia cam kết “phát triển cơ sở hạ tầng bền vững”.
Giới chuyên gia nhìn nhận sáng kiến Mạng lưới Điểm xanh là một phần trong tầm nhìn chính sách đối ngoại của chính quyền Trump, tập trung vào một khu vực “Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, đã được Tổng thống Mỹ đưa ra khi tham dự hội nghị cấp cao ASEAN ở Manila, Philippines vào năm 2017.
Cố vấn Robert O’Brien nhấn mạnh, Mạng lưới Điểm Xanh sẽ chống lại xu hướng hình thành những dự án “chất lượng thấp” đã khiến nhiều quốc gia rơi vào bẫy nợ, ám chỉ những phàn nàn từ Washington về các dự án được sáng kiến “1 Vành đai, 1 Con đường” do Trung Quốc tài trợ. Chính quyền Trump cho rằng, sáng kiến của Bắc kinh đang phá vỡ chủ quyền cũng như sự ổn định tài chính của các quốc gia có liên quan.
Mỹ không phải nước duy nhất bày tỏ quan ngại về quỹ đầu tư cơ sở hạ tầng do Trung Quốc khởi xướng. Một số nước khác cũng nhìn thấy “1 Vành đai, 1 Con đường” là chính sách “ngoại giao bẫy nợ” của Bắc Kinh. Chính các nước này từng không ít lần yêu cầu nhượng bộ hoặc đòi hỏi lợi ích từ những quốc gia không thể theo kịp tiến độ trả nợ.
Chẳng hạn vào năm 2017, Sri Lanka đã buộc phải giao quyền kiểm soát cảng Hambantota cho Trung Quốc để Bắc Kinh xóa cho họ khoản nợ trị giá khoảng 1 tỷ USD.
Còn theo báo cáo của Trung Tâm Phát triển Toàn cầu vào tháng 3/2018, Pakistan không chỉ nợ Trung Quốc hơn 6 tỷ USD, mà họ còn phải trả nợ với lãi suất cao lên tới 5%. Trung Quốc đã hoàn tất thương vụ thuê cảng nước sâu chiến lược Gwadar của Pakistan trong vòng 40 năm. Hiện nay, Trung Quốc lại cho xây thêm một căn cứ quân sự gần với cơ sở thương mại ở cảng Gwadar.
Thiện Thành (t/h)