Mỹ đang chính thức rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong bối cảnh những nghi ngờ, chỉ trích về cách xử lý đại dịch Vũ Hán của cơ quan này vẫn kéo dài, các nhà lập pháp Mỹ cho biết hôm 7/7.
Trao đổi với The Epoch Times, một phát ngôn viên của WHO cho biết: “Chúng tôi đã nhận được tin Mỹ gửi thông báo chính thức cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc tuyên bố rút khỏi WHO, có hiệu lực từ ngày 6/7/2021”. “Chúng tôi không có thêm thông tin nào về vấn đề này”, ông nói thêm trong một tuyên bố gửi qua mail.
Trước đó hồi tháng 5, Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ chính thức chấm dứt mối quan hệ với WHO.
“Chúng tôi đã nêu chi tiết về những cải cách mà họ phải thực hiện và đã tham gia trực tiếp với họ, nhưng họ từ chối hành động. Vì họ không thực hiện những cải cách được đề nghị và rất cần thiết, nên chúng tôi sẽ chấm dứt mối quan hệ với Tổ chức Y tế Thế giới và chuyển khoản tài trợ đó sang cơ quan y tế toàn cầu khác có nhu cầu và xứng đáng”, ông Trump nói.
Những tổ chức khác có thể nhận được tài trợ gồm Hội Chữ Thập đỏ và Bác sĩ Không Biên giới, một quan chức chính quyền cho biết.
Phản ứng trước tuyên bố của ông Trump, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói với báo giới ông hy vọng Mỹ sẽ không cắt đứt quan hệ với tổ chức này. Ông gọi Mỹ là một người bạn thâm niên, hào phóng của WHO, và hy vọng mối quan hệ sẽ tiếp tục.
Trên thực tế, Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất của WHO với số tiền hàng năm lên đến hàng trăm triệu đô la.
Động thái của Mỹ được đưa ra sau khi WHO thừa nhận các quan chức Trung Quốc đã không báo cáo về sự xuất hiện của virus Vũ Hán cho tổ chức này.
Đảng Dân chủ và một số thành viên Đảng Cộng hòa đã phản đối kế hoạch rút khỏi WHO.
“Tôi không đồng ý với quyết định của Tổng thống. Chắc chắn cần có một cái nhìn nghiêm khắc, triệt để về những sai lầm mà WHO có thể mắc phải liên quan đến virus corona, nhưng thời điểm để làm điều đó là sau khi cuộc khủng hoảng được xử lý, chứ không phải ở giữa nó”, Thượng nghị sĩ Lamar Alexander, Chủ tịch Ủy ban Y tế, Giáo dục, Lao động và Trợ cấp Thượng viện nói.
Việc rút khỏi WHO có thể ảnh hưởng đến các thử nghiệm lâm sàng cho vắc-xin chống virus, ông cho biết thêm.
Trong một báo cáo hồi tháng 6, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện kết luận WHO đã cho phép ĐCSTQ che giấu dịch bệnh bằng cách không điều tra và công khai các báo cáo mâu thuẫn với quan chức ĐCSTQ, đồng thời khen ngợi phản ứng chống dịch của ĐCSTQ. Tuy nhiên Dân biểu Michael McCaul, thành viên Ủy ban cũng phản đối việc rút khỏi WHO. Ông nhận định Mỹ có thể ảnh hưởng đến tổ chức nhiều hơn với tư cách là một thành viên.
Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho rằng: “Trong khi hàng triệu mạng sống đang đối mặt nguy hiểm, tổng thống lại làm tê liệt nỗ lực quốc tế để đánh bại virus”.
Thùy Linh (Theo The Epoch Times)