Vào ngày 6/5, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, vấn đề tự trị của Hồng Kông được thảo luận trong cuộc họp Quốc hội hàng năm của Trung Quốc vào cuối tháng này có thể sẽ kích hoạt các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với Bắc Kinh, theo SCMP.
“Hiện tại chúng tôi đang hoãn lại báo cáo đánh giá quyền tự trị của Hồng Kông gửi Nghị viện để chờ các hành động tiếp theo mà Bắc Kinh sẽ thực hiện trong cuộc họp Quốc hội của họ, xem họ có làm suy yếu quyền tự trị của người dân Hồng Kông hay không”, ông Pompeo chia sẻ với các phóng viên ở Washington.
Theo các yêu cầu của Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông, được lưỡng đảng ủng hộ và sau đó được ban hành vào ngày 27/11/2019, Bộ Ngoại giao của Mỹ sẽ báo cáo đánh giá hàng năm về quyền tự trị của Hồng Kông.
Bắc Kinh tung “độc chiêu” với Hồng Kông ngay giữa đại dịch Vũ Hán
Trong tháng 4, khi dịch Vũ Hán còn chưa kết thúc, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã bắt đầu ra tay với Hồng Kông, không chỉ bắt 15 “đại lão” phe Dân chủ, mà ngay cả Lý Trụ Minh, một thành viên của ủy ban soạn thảo “Luật cơ bản” cũng không buông tha.
Về việc này, Cảnh sát Hồng Kông tuyên bố, họ bị nghi ngờ tham gia hoặc từng tổ chức các cuộc tuần hành phản đối luật dẫn độ nhưng chưa được phê chuẩn. Văn phòng Liên lạc Hồng Kông và Macao tuyên bố rằng, họ – những người bị bắt – đã cố tình diễn giải sai lệch Luật cơ bản.
Tuy nhiên, Đảng Dân chủ Hồng Kông đã chỉ trích hành động của cảnh sát Hồng Kông là “đàn áp chính trị”.
Bên cạnh đó, một luật sư cao cấp ở Hồng Kông kiêm Chủ tịch Đảng dân sự, Lương Gia Kiệt (Alan Leong) cho biết: “Tôi nghĩ rằng, vào thời điểm này, việc bắt giữ những nhân sĩ dân chủ quy mô lớn như vậy, có thể là vì ĐCSTQ muốn biện minh cho những sai lầm của chính mình trong đợt dịch viêm phổi Vũ Hán lần này. Vì để tìm lối thoát, nên ĐCSTQ biến Hồng Kông thành sân sau, hoàn toàn khóa chặt và kiểm soát Hồng Kông trong lòng bàn tay, để tiện triển khai toàn bộ chiến lược của mình”.
Được biết, các vụ bắt giữ diễn ra chỉ vài giờ sau khi Văn phòng Liên lạc Trung Quốc ở Hồng Kông (HKMAO) tuyên bố họ không bị ràng buộc bởi Luật Cơ bản, trong khi luật này cấm chính phủ Trung Quốc can thiệp vào các vấn đề Hồng Kông.
Liên quan đến vấn đề này, nhà bình luận chính trị ông Trần Duy Kiện nhận định: “Đương nhiên người Hồng Kông chắc chắn sẽ không bỏ qua như vậy. Gió thổi báo hiệu giông bão sắp đến, một trận chiến đẫm máu sắp xảy ra. Huệ Châu muốn người Hồng Kông suy nghĩ lại, nhưng từ phong trào phản đối dự luật dẫn độ bắt đầu từ tháng 6 năm ngoái, người Hồng Kông đã dứt khoát trả lời: ‘Không có tự do, chi bằng chết đi!’”.
Lương Phong (t/h)