TT – Tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương dài 40km được đưa vào khai thác từ năm 2012 đến nay. Trên tuyến này có rất nhiều đoạn là cầu cạn (do nền đất yếu).
Nhiều nông dân địa phương mưu sinh bên dưới cầu cạn này. Con đường nhỏ bên dưới cầu Tân Hương 2 đường cao tốc có rất nhiều người qua lại. Xe ép nước mía của ông Phạm Văn Chiến (46 tuổi, xã Tân Hội Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) đặt ở góc đường, ngay dưới dạ cầu hôm nay đắt khách vì trời nóng đổ lửa. “Vút… vút… vút…”, âm thanh khô khốc của những chiếc ôtô lướt qua với tốc độ 100 km/giờ vọng xuống bên dưới đường cao tốc nghe rất khó chịu. Ông Chiến vẫn bám trụ chờ khách hết ngày này qua tháng khác. Sống được nhờ có cầu Gia đình ông Chiến không có ruộng đất. Trước đây ông đi làm bốc vác ở các nhà máy xay xát. Cách đây bốn năm, chứng đau cột sống ngày càng trầm trọng nên ông xin nghỉ làm. Hai vợ chồng hỏi mua thiếu chiếc xe ép nước mía cũ của một người quen để làm ăn, phải trả suốt hai năm mới hết nợ. Ban đầu họ che bạt dưới gốc cây để bán, nhưng hễ mưa phải nghỉ. Từ khi có đường cao tốc, vợ chồng ông đẩy xe vào bán tạm. Không phải chạy trốn nắng mưa nên họ bán suốt từ sáng đến chiều tối, tiền lời cũng được vài ba chục ngàn đồng mỗi ngày. Vượt sông Tân An, đi theo đường dân sinh chừng 200m, biển hiệu tiệm tạp hóa Sáu Oanh dựng sát hàng rào bảo vệ đường cao tốc. “Tiệm” được bày biện trên lối đi từ đường dân sinh vào nhà rộng chừng… 1,5m, ngay dưới dạ cầu. Bà Sáu Oanh năm nay 54 tuổi, ly hôn từ bảy năm trước vì không chịu nổi ông chồng cờ bạc, say xỉn suốt ngày. Bà kể: “Vợ chồng tui đường ai nấy đi khi đứa con út mới hơn 10 ngày tuổi. Đứa lớn đang đi học. Một mình tui bươn chải đủ thứ nghề để kiếm tiền mua sữa cho con. Hết đi mua trái cây trong vườn đem ra chợ bán thì lặn ngụp dưới ao hái ngó sen. Hồi đó đường xấu, chở trái cây bằng xe đạp, về tới chợ bị hư hết phân nửa. Những năm đó tui làm quần quật cả ngày lẫn đêm, rất khổ”. Ruộng không trồng lúa được, bà Sáu Oanh vẫn phải bám víu với nghề trồng sen lấy ngó. Thấy dạ cầu đường cao tốc ở trước nhà mát mẻ, bà đóng cái tủ bán tạp hóa, mua thêm mấy cái bàn nhựa và giăng hai chiếc võng để bán giải khát. Vừa lấy cơm cho khách, bà vừa nói: “Mấy hôm nay có chục công nhân ở gần nhà đến đặt tui nấu cơm trưa, nên tui nấu thêm vài phần nữa để bán cho khách vãng lai. Có bữa bán hết, nhưng có bữa mấy mẹ con khỏi nấu cơm. Còn tạp hóa bán không được bao nhiêu. Khách dừng chân uống nước thưa thớt, có lẽ vì họ không chịu nổi tiếng ồn từ đường cao tốc vọng xuống”. Nhờ buông thứ này, bắt thứ kia mà cuộc sống gia đình bà Sáu Oanh cũng bớt khó khăn. Con gái lớn của bà đã lập gia đình, đi làm cho một doanh nghiệp ở TP Tân An. Đứa con nhỏ thì đã 7 tuổi, học lớp 2. Ước mơ bình dị 12g, nắng như đổ lửa, bà Nguyễn Thị Hường (65 tuổi, ngụ thị trấn Thủ Thừa, Long An) đứng bên dưới cầu vượt số 4 nằm vắt ngang đường cao tốc tránh nắng. Trên tay bà là một xấp vé số khoảng 40 tờ chưa bán hết. Hơn 10 năm qua bà phải chống chọi với bệnh tật và trải qua năm lần phẫu thuật. Có điều sau mỗi lần xuất viện, hễ thấy khỏe trong người thì bà lại rong ruổi bán vé số. Con gái đầu lòng của bà có chồng đi làm ăn xa để con lại cho bà lo ăn học. Bà đi bộ bán vé số, mỗi ngày chừng 5-6km. Gầm cầu vượt đường cao tốc là nơi bà Hường ngồi nghỉ mệt, tránh nắng, tránh mưa. Có hôm đi không nổi, bà ngồi bệt dưới gầm cầu chìa xấp vé số ra mời khách đi đường, đến khi bán hết thì quá giang xe về nhà. Cơ cực là vậy nhưng bà luôn tươi cười với khách. “Ước mơ lớn nhất của tui là có sức khỏe tốt, đừng phải mổ nữa để đi bán vé số kiếm tiền nuôi cháu ăn học để sau này nó không khổ như ngoại và cha mẹ nó” – bà Hường tâm sự. Tại ấp Cầu Tre, xã Lợi Bình Nhơn, TP Tân An có một quán giải khát dã chiến không bảng hiệu ngay dưới gầm cầu cạn. Thế nhưng những người thường xuyên đi xe máy từ miền Tây về TP.HCM đặt tên cho quán là “Điểm Hẹn”. Do vướng quốc lộ 62 nên đường dân sinh cặp đường cao tốc bị tắc tại khu vực này. Muốn đi tiếp về TP.HCM phải đến quán này để vòng ra khu đô thị Lợi Bình Nhơn rồi qua bến đò Trung Hiếu. Ông Nguyễn Văn Rồi, chủ quán, cho biết ngày nào cũng có cả chục người vào nhà ông hỏi đường đi TP.HCM, có khi nửa đêm cũng có người gõ cửa hỏi. Họ đề nghị ông mở quán giải khát để họ nghỉ ngơi rồi đi tiếp và để tiện… chỉ đường cho người khác. Con đường mòn đi tắt qua nhà ông nhỏ xíu, ngày nào cũng có người bị té. Thế là ông mua đá về đổ, mở rộng mặt đường lên 4-5m rồi chặt cây làm cọc giăng 5-6 chiếc võng bên dưới gầm cầu cạn cho khách phương xa ngả lưng. Ông bảo tiền lời bán giải khát chẳng có bao nhiêu, nhưng ông cũng dành dụm để tới đây tráng bêtông đoạn đường dưới cầu cạn giúp mọi người đi lại an toàn hơn. Và ông vẫn sẽ làm người hướng dẫn đường đi TP.HCM cho bất cứ ai qua đây.
VÂN TRƯỜNG
|
Theo Tuổi Trẻ