TT – Hiện nay, chỉ bằng những dụng cụ đơn giản, người ta cũng có thể đo được tại vùng biển bồi lấn ở Cà Mau có những điểm cực nam khác, nằm xa hơn mũi Cà Mau về hướng nam.
Thực tế này đặt ra giả thiết: phải chăng mũi Cà Mau đã không còn là điểm đất cực nam của Tổ quốc? Điểm cực nam mới Chuyến khảo sát của chúng tôi khởi đầu từ vị trí tọa độ được đánh dấu tại các công trình mang tính biểu tượng ở mũi Cà Mau. Tại khuôn viên khu du lịch Mũi Cà Mau, cơ quan chức năng đã cho xây dựng hai công trình đánh dấu vị trí của mũi đất này, là mốc tọa độ quốc gia (GPS 0001) và biểu tượng mũi Cà Mau với hình con tàu lướt sóng hướng ra biển. Trên cánh buồm của con tàu có ghi tọa độ 8°37’30’’ độ vĩ Bắc và 104°43’ độ kinh Đông. Việc này khiến cho suốt bao lâu nay ai cũng mặc nhiên xem tọa độ này như là điểm cực nam của Tổ quốc trên đất liền Việt Nam. Tuy nhiên, ngay tại xã Đất Mũi, chúng tôi đã tiến hành xác định vị trí trên đất liền và thực tế cho thấy còn nhiều điểm nằm chếch về hướng nam hơn so với vị trí tọa độ hiện tại ở mũi Cà Mau. Bắt đầu từ con sông Rạch Tàu chạy đến trung tâm xã Đất Mũi (xã tận cùng của cực nam Việt Nam)thì chia ra làm hai nhánh đổ ra biển. Nhánh chảy về hướng tây khoảng 5km qua Xóm Mũi, đổ ra biển tại vị trí mũi Cà Mau. Nhánh còn lại thẳng hướng nam tây nam khoảng 1km, đổ ra biển qua cửa Rạch Tàu. Quan sát trên bản đồ rất dễ thấy mũi Cà Mau nằm ở vị trí chếch về phía tây nam thuộc bán đảo Cà Mau. Từ đây, bờ biển tiếp tục chạy xuống hướng đông nam, đến bãi Khai Long trước khi rẽ lên hướng đông bắc. Nếu thuần túy quan sát trên bản đồ thì có thể xác định điểm cực nam mới nằm ở một vị trí thuộc vùng đất bãi Khai Long. Ông Lê Văn Dũng, giám đốc Trung tâm thông tin và quảng bá du lịch tỉnh Cà Mau, lưu ý vùng biển tại vị trí nói trên cũng là nơi giao thoa giữa biển Tây và biển Đông. Ông kể thêm trong một chuyến đi khảo sát vùng đất gần bãi Khai Long, ông đã cắm nhánh cây làm dấu, tình cờ xác định được vị trí mặt trời ló dạng và vị trí mặt trời lặn phía đường chân trời nơi đây chỉ cách nhau khoảng 15 độ. Nếu vậy, đây lại là một điểm rất độc đáo tại vùng đất này mà lâu nay ít được người ta chú ý. Điểm cực nam: liên tục thay đổi? Ông Lý Hoàng Tiến, chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển (Cà Mau), cho biết vùng bãi biển tại khu vực này gần đây đã có những thay đổi khá nhanh. “Có khi hôm trước ra biển quan sát thấy đụn cát xuất hiện, hôm sau đã biến mất” – ông Tiến nói. Thực trạng và cả viễn cảnh bồi – lở liên tục ở vùng đất này, những thay đổi về mặt địa hình liệu có dẫn đến một khả năng là những số liệu đo đạc tại đây sẽ nhanh chóng trở nên… lạc hậu? Thực tế, bãi Khai Long (tại khu du lịch Lý Thanh Long) những năm trước đã phải chịu cảnh biển xâm thực gây xói lở rất nặng nề. Nhưng thời gian gần đây, bãi cát dài này đã “quay đầu”, trở nên bồi lấn. Ông Nguyễn Quốc Khải, quản lý khu du lịch Lý Thanh Long, giải thích thêm: xưa nay vùng đất này hằng năm được biển mang phù sa về bồi lắng, rồi có thời gian biển lại lấn sâu vào đất liền tại khu du lịch này trên dưới 300m. Đó là từ năm 2013 trở về trước, biển đã “đổi tánh” lấy mất bãi cát vàng, tiến đến ăn đứt luôn cả bờ kè phía trong bãi cát khoảng 50m. Thế nhưng hơn một năm nay biển bắt đầu trả lại bãi cát. Hiện tại, bãi Khai Long đang dần bồi lấn ra biển. Trong lúc tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi đặc biệt chú ý đến chuyến đi truy tìm thực chất điểm cực nam trên bản đồ Tổ quốc do thạc sĩ Trương Hoàng Phương – nguyên giảng viên bộ môn địa lý Đại học Sư phạm TP.HCM – làm trưởng đoàn cách đây ít lâu. Cuộc tìm kiếm được tổ chức theo phương thức: xác định điểm cực nam trên bản đồ, chấm tọa độ và dùng máy định vị vệ tinh GPS đi tìm vị trí tọa độ được chấm. Theo thông tin được công bố từ chuyến đi này, tọa độ lúc đó được nhóm ông Phương xác định trên bản đồ vệ tinh là 8°33’903’’ độ vĩ Bắc và 104°50’798’’ độ kinh Đông, vẫn nằm trong vùng bãi Khai Long, cách mũi Cà Mau không quá 10km, thuộc địa bàn Xóm Rẫy. Tuy nhiên, sau một thời gian băng rừng, nhóm khảo sát đến gần vị trí trên mới phát hiện tọa độ cực nam được chấm trên bản đồ thực tế đã bị sóng biển đẩy lùi, cách bờ hiện hữu 160m. Cuộc tìm kiếm đã dừng lại với việc đo đạc điểm có tọa độ thấp hơn về hướng nam so với mũi Cà Mau, nơi mà đoàn có thể đặt chân tới là 8°33’953’’ độ vĩ Bắc, 104°50’720’’ độ kinh Đông. Điểm này thấp hơn một chút so với tọa độ lý thuyết, nhưng cũng nằm xa hơn về hướng nam so với mũi Cà Mau. Bằng các tài liệu như bản đồ hành chính xã Đất Mũi, chương trình địa cầu ảo Google Earth và nhất là được sự giúp đỡ nhiệt tình của bộ đội biên phòng đóng trên địa bàn, phóng viên đã đến vị trí được cho là điểm cực nam trên đất liền của Tổ quốc (trên địa hình thực tế). Một cán bộ của Đồn biên phòng Rạch Tàu đóng trên địa bàn xã Đất Mũi cho biết vị trí điểm cực nam mà chúng tôi tìm thuộc địa bàn ấp Rạch Thọ, còn mũi Cà Mau thuộc ấp Mũi (vẫn thuộc xã Đất Mũi). Địa danh Xóm Rẫy được nhắc trên còn có tên dân gian là rẫy Trương Phi. Ông Phan Văn Điền (82 tuổi), nguyên bí thư kiêm chủ tịch UBND xã Đất Mũi, người cố cựu tại vùng đất này, khẳng định chắc nịch rằng so với trước, địa hình khu vực ven biển ở đây đã thay đổi rất nhiều. “Trước đây, kinh 5 với vàm Rạch Thọ nằm chung một giồng đất. Trải qua thời kháng chiến, rồi đến khi hòa bình cả mấy chục năm, do sạt lở mà vùng này đã bị tách ra” – ông Điền cho biết. Ông Điền kể thêm ngày trước, những người mới đến vùng đất này đã góp sức đắp một con đê dài trên 1km để chắn sóng. Sau, con đê này cũng đã bị cuốn trôi. Bà Nguyễn Thị Nỗi, người cao tuổi nhất rẫy Trương Phi, kể rằng bà được sinh ra ở đây. Khi bà đến tuổi nhận thức được mọi thứ xung quanh thì bờ biển đã nằm cách xa bờ hiện tại mấy trăm mét…
KIÊN THÀNH
|
Theo Tuổi Trẻ