Được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2009, “chợ ve chai ngàn đô” nhanh chóng trở thành điểm hẹn ưu thích của du khách, đặc biệt là những người đam mê, yêu thích sưu tầm, mua bán những món đồ cổ.
“Chợ” thuộc khuôn viên quán cafe Cao Minh, nằm trong một con hẻm gần cầu Băng Ky (đường Nơ Trang Long, Q. Bình Thạnh). Tuy gọi là “chợ”, nhưng thực chất đây chỉ là nơi giao lưu giữa những người đam mê đồ cổ. Họ đến đây để trao đổi, mua bán hoặc để khoe những món đồ mà mình sưu tầm được. Còn về cái tên “Chợ ngàn đô” là do ở “chợ”, đồ được bày bán đơn giản chỉ là những vật dụng quen thuộc cổ xưa cách đây mấy chục năm mà đối với những ai không biết chơi đồ cổ thì nó sẽ là những vật không sử dụng được hoặc không có giá trị. Giá của những món đồ này dao động từ vài trăm ngàn đồng cho đến những món đồ có giá lên tới hàng ngàn USD. Chợ chỉ hoạt động cố định vào sáng chủ nhật hàng tuần, từ 6 giờ tới 14 giờ chiều cùng ngày. Mỗi khách tham quan, người mua, kẻ bán không phân biệt khi vào cổng đều chỉ mất một khoản phí 30 ngàn đồng. Phí này bao gồm 1 phần nước uống để khách vừa nhâm nhi thưởng thức vừa dạo xem, trao đổi với nhau. Ngoài ra, các chủ quầy, sạp trưng đồ trong “chợ” đều không hề phải bất cứ một khoản phí nào. Anh Đoàn Văn Linh Sơn (31 tuổi, quản lí quán cafe Cao Minh) cho biết những ngày bình thường, quán đón khoảng 100 lượt khách, tuy nhiên tới chủ nhật, khi “chợ” mở cửa lượt khách tăng mạnh từ 500 đến 600 lượt: “Quán do ca sĩ Cao Minh thành lập. Ban đầu chỉ là một nhóm anh em cùng chung sở thích tới đây uống cafe rồi khoe những món đồ mình sưu tầm được. Về sau ngày càng đông người tới tham gia. “Chợ” cũng từ đó hình thành”. Anh Sơn cho biết thêm, “chợ” hiện tại có khoảng 40 sạp bày bán, giao lưu trao đổi với đủ các mặt hàng, từ những tờ vé số cũ, tiền cũ, những chiếc quạt con cóc, những cây đèn dầu tới những bộ ấm trà, huy hiệu, tượng phật… Tất cả đề là những mặt hàng cổ, cũ độc đáo khó tìm. “Chợ” không chỉ thu hút du khách Việt mà còn cả những du khách nước ngoài. Theo quan sát của PV, khách tới “chợ” có đủ mọi thành phần, lứa tuổi. Những người lớn tuổi đến đây để tìm lại những món đồ xưa cũ, tìm về những kỉ niệm thời đã qua. Còn giới trẻ tới nơi đây vì tò mò, yêu thích sự độc đáo, khác lạ mà những món đồ xưa cũ đem lại. Nở nụ cười sau khi mua được một chiếc huy hiệu thời Pháp thuộc, anh Phạm Văn Hùng (21 tuổi, khách tham quan) cho biết: “Mình được ông anh giới thiệu cho chỗ này. Ban đầu cứ nghĩ chắc là nơi của người già, chán lắm. Ai ngờ tới đây nhìn những món đồ cũ độc đáo, khác lạ, mình cảm thấy rất thích. Vậy nên hơn 1 năm nay, chủ nhật nào rảnh là mình đều tới đây tham quan, mua sắm”. Tới với “chợ ve chai ngàn đô”, du khách sẽ được đắm chìm trong những giai điệu du dương, những bản nhạc trữ tình. Cầm trên tay ly Cafe, hãy thả mình theo dòng người dọc theo những sạp hàng để chiêm ngưỡng những món đồ xưa cũ, tìm cho mình một khoảng lặng, một niềm vui nhỏ nhoi khi mua được một món đồ ưng ý, hoài niệm về quá khứ và tạm quên đi những lo lắng, hối hả thường ngày.
Chén, muỗng, bình sành thời xưa với nhiều mẫu mã lựa chọn
Nhiều gian hàng chen chúc xếp gần nhau. Được biết ở đây có tới hơn 40 gian hàng
Khách đang xem những đồng tiền xưa
Máy đánh chữ, hũ sành, dây nịt vải còn khá mới
Chén, chum bằng đá, ở đây đều thứ đều là hàng thật
Chân đèn truyền thống bằng đồng, sứ
Những tờ tiền xưa được cất giữ cẩn thận
Dân chơi đồ cổ trao đổi với nhau về một tờ tiền xưa
Lư đèn, vật trang trí đều được làm bằng đồng nguyên chất.
Nhẫn mã não xưa, giá dao động từ vài trăm tới hàng triệu đồng.
Những đồng xu từ thời trước giải phóng được cất giữ cẩn thận.
Tất cả được lưu và bảo quản từ cách đây mấy chục năm.
Một vị khách mừng rỡ khi tìm được một tờ tiền mà mình mong muốn.
Nếu không phải là dân chơi đồ cổ thì khi đến đây mua hàng bạn sẽ được tư vấn rất nhiệt tình
Rất nhiều mẫu đồ khác nhau để lựa chọn
Chia sẻ kinh nghiệm, hiểu biết với nhau rất rôm rả
Các gian hàng giao lưu, trao đổi với nhau khi vắng khách
Toàn cảnh buổi hợp mặt của những đại gia đam mê đồ cổ Hoàng Tuấn – Võ Thái |
Theo Người Đưa Tin