Chiều 11.5, Đoàn cán bộ của Quân Khu 5 cùng lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng và chính quyền địa phương đã đi kiểm tra thực tế khu mộ bị múc “nhầm”.
Theo đó, đoàn cán bộ của Quân Khu 5 do Thiếu tướng Nguyễn Đình Tiến, Phó Tư lệnh Quân Khu 5 dẫn đầu cùng ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng và Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường (TNMT) cùng các ban ngành liên quan đã kiểm tra thực tế khu nghĩa trang Nghi An. Quân Khu 5 cùng lãnh đạo thành phố Đà Nẵng kiểm tra hiện trường san ủi.
Sau khi khảo sát hiện trường, ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở TNMT Đà Nẵng khẳng định, Công ty Tiến Thanh, đơn vị nhận san ủi mặt bằng khu vực nghĩa trang Nghi An (thuộc kho đạn CK55, Quân Khu 5) đã vi phạm pháp luật. Theo ông Điểu, tại hiện trường, cao trình san ủi do Công ty Tiến Thanh thi công dao động tối thiểu là 2m cho đến hơn 5m. Đơn vị này đã vận chuyển đất san ủi ra khỏi hiện trường mà không có sự cho phép của UBND thành phố. Sở TNMT kiến nghị thành phố giao việc xử lý vi phạm của công ty Tiến Thanh cho Sở TNMT thụ lý. Quân Khu 5 cùng người dân kiểm tra miếu âm linh nghĩa trang Nghi An
UBND TP. Đà Nẵng đề nghị Quân khu 5 cho dừng mọi hoạt động san ủi tại khu vực này và giao Sở TNMT xem xét xử lý vi phạm của công ty Tiến Thanh. Đồng thời thành phố giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu hồ sơ lịch sử của khu nghĩa trang Nghi An để có hướng tôn tạo và báo cáo lại UBND thành phố trong tháng 5, ông Nguyễn Ngọc Tuấn cho hay. Về phía Quân khu 5, Thiếu tướng Nguyễn Đình Tiến cho rằng, qua kiểm tra thực tế, Công ty Tiến Thanh có múc nhầm vào các ngôi mộ. Tại hiện trường có 10 ngôi mộ bị múc dở đã được cải táng và chôn cất lại. Những ngôi mộ bị múc dở đã được cải táng
Tuy nhiên, việc xác định có bao nhiêu ngôi mộ bị múc đi thì phải có thời gian và cơ sở để xác định lại. Hiện Quân khu 5 đã cho dừng san ủi mặt bằng tại đây và giao cho Cục Chính trị, Cục Kỹ thuật (trực thuộc Quân Khu 5) phối hợp cùng chính quyền địa phương các nhà nghiên cứu lịch sử xác định lại khu di tích nghĩa trang Nghi An để Quân Khu 5 có phương án xây dựng và tôn tạo thành di tích. Trước đó, như đã phản ánh, người dân làng Nghi An rất phẫn nộ khi Công ty TNHH Tiến Thanh múc “nhầm” 400 ngôi mộ trong khu nghĩa trang Nghi An đem đi bán vật liệu san lấp mặt bằng đường cao tốc. Theo lịch sử Đảng bộ phường Hòa Phát (quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng), khu nghĩa trang này đã có trên 100 năm với khoảng 1.000 ngôi mộ các nghĩa binh của tướng Nguyễn Tri Phương hy sinh khi Pháp tấn công thành Thái Phiên, mộ của các chiến sĩ Trung đoàn 96 hy sinh trong trận Bà Điếc-Nghi An và mộ của người thân cư dân sinh sống tại làng Nghi An. |
Theo Dân Việt