Trong khi nền kinh tế lao dốc không phanh, khối doanh nghiệp tư nhân giải thể và dừng hoạt động hàng loạt đã chiếm tới 22% toàn khối (tính đến ngày 30/8/2020), bong bóng bất động sản chực chờ nổ tung và tình trạng thất nghiệp tăng cao tới hàng chục triệu người thì người ta lại chứng kiến thị trường chứng khoán ở Việt Nam rất “náo nhiệt”.
Dường như việc cách ly xã hội đã khiến cho những nhà đầu tư Việt Nam – những người không quan tâm và cũng hiếm khi đọc hiểu một bản cân đối kế toán hay kết quả kinh doanh, xong lại cực kỳ “thính nhạy” các nguồn tin “nội bộ”– đã thay đổi thói quen “café chém gió” bằng việc ngồi máy tính, chơi Line 98 và quyết định “mua, bán” theo xác suất hên xui “sáng mua, chiều xổ”. Niềm tin mãnh liệt của những “con bạc”, khiến cho dòng vốn đổ vào chứng khoán tăng vọt. VNindex đã vượt mốc 900 điểm kể từ 19 tháng Tám, 2020 và mức giao dịch ghi nhận khá lớn.
Bên cạnh đó, một xu hướng khác đáng chú ý trên thị trường là việc khối ngân hàng thương mại, doanh nghiệp bất động sản, các “ông lớn” và cả những “tay mơ” trên thị trường chứng khoán có những khoản nợ lớn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu đã và đang ồ ạt đua nhau phát hành trái phiếu doanh nghiệp với mức lãi cao ngất ngưởng từ 12-18%/năm.
Đáng chú ý là phần lớn trái phiếu doanh nghiệp phát hành từ 2019 tới nay đều có đặc điểm 3 KHÔNG – không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không tài sản đảm bảo. Khối doanh nghiệp đầu tiên bắt đầu phong trào này là nhóm ngân hàng thương mại. Tiếp tới là khối doanh nghiệp bất động sản đang có kết quả kinh doanh lao dốc không phanh từ 3 năm trở lại đây. Chính xác thì đây là cuộc “bán giấy, lấy tiền.”
Sau khi hết kỳ hạn, những tờ trái phiếu 3 Không này có giá trị bao nhiêu hay chính thức được công nhận là giấy …lộn thì có lẽ không khó đoán. Cứ nhìn vào cách thức các doanh nghiệp này sử dụng đồng tiền huy động được vào việc gì, kết quả hoạt động kinh doanh thực sự của doanh nghiệp, cũng như sức khỏe và xu hướng của nền kinh tế thì có thể đưa ra câu trả lời.
Thống kê của Công ty Cổ Phần Chứng Khoán SSI cho biết, năm 2019, khối doanh nghiệp bất động sản huy động tổng cộng 57.110,7 tỷ đồng bằng trái phiếu, chiếm 19,25% tổng giá trị toàn thị trường. Tuy nhiên, nhóm doanh nghiệp bất động sản trong 6 tháng đầu năm 2020 đã phát hành 45.590 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, tương đương 2 tỷ USD, bằng 80% so với tổng giá trị đã phát hành năm 2019.
Cũng cần nhắc lại rằng, một lượng lớn trong số 2,1 tỷ Mỹ Kim trái phiếu doanh nghiệp của các công ty bất động sản năm 2019 là các ngân hàng thương mại. Số trái phiếu doanh nghiệp phát hành những đợt đầu tiên thường là có tài sản đảm bảo. Còn những đợt phát hành trái phiếu từ nửa cuối 2019 trở lại đây đều thuộc họ “3 KHÔNG.”
Báo cáo tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp 7 tháng đầu năm 2020, của Sở Giao Dịch Chứng Khoán Hà Nội (HNX) cho thấy giá trị trái phiếu doanh nghiệp ở sàn này đã lên tới 179.000 tỷ đồng với kỳ hạn 3,97 năm. Chỉ riêng trong tháng Bảy, giá trị phát hành của tổ chức tín dụng là 8.134,9 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 40,79%; các doanh nghiệp bất động sản là 6.993,9 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 35,07%.
Có một quy luật chung ở đây. Dù là “cá mập” hay kể cả những “cá lòng tong” của thị trường, càng làm ăn bê bết thì càng “nghiện” phát hành trái phiếu. Từ những đại gia “nợ như chúa chổm” như Novaland, FLC… có số dư nợ trái phiếu hàng chục ngàn tỷ đồng, đến những “ông lớn” như Vinhomes hay Masan cũng đều ưa thích kênh huy động vốn này.
Có vẻ như quá dễ dàng kêu gọi hàng trăm ngàn tỷ từ đám đông các “nhà đầu tư” hám lợi luôn bị chi phối bởi “tâm lý bầy đàn” và bị dẫn dắt bởi các “chiên da” tung hứng, kết hợp với hệ thống truyền thông toa rập.
Thậm chí, có doanh nghiệp với ngành nghề kinh doanh chính là “cắt tóc, gội đầu” như Công ty TNHH Thương Mại Dịch Vụ Xích Lô Đỏ, doanh số hàng tháng chỉ vài chục triệu đồng cũng tham gia thị trường chứng khoán, phát hành thành công 738 trái phiếu mã GA2.H2030.001 với tổng trị giá là 738 tỷ đồng. Đúng là chuyện chỉ có ở xứ…
Hãy xem kế hoạch phát hành trái phiếu và sử dụng nguồn tiền huy động trong quí IV 2020 của Masan – một “đại gia” đa ngành từ sản xuất các mặt hàng tiêu dùng chủ chốt, chiếm thị phần lớn ở Việt Nam, tới khai khoáng, tài chính, bất động sản. Phần lớn số tiền sẽ được dùng để trả nợ vay nội bộ. Tức là doanh nghiệp dùng tiền huy động được từ kênh trái phiếu để trả nợ cũ của doanh nghiệp. Nó là một hình thức đảo nợ. Điều đáng nói là 8.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp sẽ được huy động đều là trái phiếu 3 Không – Không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo.
Tức là với bất cứ lý do gì thì vào một ngày đẹp trời mớ “trái phiếu 3 Không” này sẽ trở thành giấy lộn thì chủ doanh nghiệp cũng chỉ nhún vai nói dăm ba lời với báo giới và đám đông những “nhà đầu tư” rằng đó là điều bất khả kháng và do kinh tế suy thoái hoặc dịch COVID-19 chẳng hạn.
Vốn dĩ nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vận hành phi quy luật thị trường này có vô số những đặc điểm mà có lẽ những chuyên gia kinh tế phố Wall hay các giáo sư đoạt giải Nobel như Milton Friedman khó lòng có thể lý giải.
Tuy đã từng bước hội nhập ngày càng sâu vào các sân chơi quốc tế và dựa vào xuất khẩu để làm động lực phát triển, nền kinh tế Việt Nam vẫn chịu sự chi phối bởi một nhóm nhỏ có tư duy tiểu nông.
Thị trường tài chính, ngân hàng, bất động sản và chứng khoán Việt Nam là những hệ thống phản ảnh rất rõ nét bản chất này của nền kinh tế Việt Nam.
Thôi thì, kinh tế thị trường hay kinh tế chỉ huy thì vẫn luôn được thúc đẩy bằng lòng tham của con người. Quan hệ Cung – Cầu giữa đám đông “các nhà đầu tư”’ tham lam và những doanh nghiệp ma cô, điếm đàng trên thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn diễn ra “khăng khít.” Và, như một câu châm ngôn “thiên đường có lối không đi, địa ngục không cửa lại xông vào,” những “nhà đầu tư” ở Việt Nam vẫn hăng hái học và áp dụng những “bí kíp” biến tiền thành giấy …lộn bằng kinh doanh đa cấp, bảo hiểm, bất động sản và mua bán “trứng khoán” với giấc mơ trở thành tỷ phú dễ dàng. Đến lúc, tất cả sự điên rồ hoang tưởng này phải kết thúc và một thực trạng tan hoang có lẽ sẽ giúp cho đám đông cuồng dại thức tỉnh phần nào?
Theo Tân Phong