ICTnews – Google bán Motorola cho Lenovo đã tạo điều kiện cho thương hiệu điện thoại nổi tiếng một thời trở nên giống với… Google hơn bao giờ hết.
Motorola vừa tổ chức 3 sự kiện cùng lúc để ra mắt 3 mẫu điện thoại khác nhau, tuy nhiên, chúng có chung một tầm nhìn. Tầm nhìn đó, ngay cả dưới sự lãnh đạo của công ty mẹ là Lenovo, cũng rất giống với tinh thần của “chủ cũ” Google. Tại hội nghị cho nhà phát triển I/O 2015, Sundar Pichai đã nêu lên sứ mệnh của Google là phát triển công nghệ hữu ích và ai cũng tiếp cận được. Đây chính xác là chiến lược mà Motorola theo đuổi với smartphone của hãng trong vài năm qua. Công ty có trụ sở tại Chicago (Mỹ) liên tục hạ giá thấp hơn so với các đối thủ và khiến chúng ta ngạc nhiên vì sức mạnh mà họ đưa vào trong ngân sách chặt chẽ như vậy. Moto G 2015, hiện tượng thành công trên toàn cầu, tiếp tục có thêm nhiều tính năng cao cấp, trong khi dòng Moto X chia làm hai thiết bị mới là X Style và X Play, hướng đến đối tượng khách hàng đang tìm kiếm một smartphone Android đầu bảng nhưng kinh phí eo hẹp.
Đặc biệt tại Mỹ, Moto X 2015 đang có cơ hội đột phá về giá bán và góp mặt trong danh sách các smartphone Android tốt nhất. Motorola đã bỏ qua giao dịch béo bở với các nhà mạng để bán điện thoại với giá 399 USD bản không khóa mạng, tương thích với mọi mạng lưới. Người dùng Mỹ có thể mua trực tiếp thiết bị từ Motorola, Amazon hay Best Buy. Đây là những gì mà chương trình Nexus của Google thực hiện ngay từ khi mới khởi xướng: bỏ qua nhà mạng, tạo mối quan hệ trực tiếp giữa nhà sản xuất và người dùng. Hiện tại, Motorola đang đánh cược vận mệnh của mình khi làm theo giấc mơ của Google. Tất nhiên, cả Google và Motorola không phải muốn thoát khỏi sự lệ thuộc của nhà mạng chỉ để nhằm mục đích trong sáng là xây dựng thế giới tốt đẹp hơn. Cả hai đều đang theo đuổi lợi ích tốt nhất cho bản thân. Dù sao đi nữa, cần nhiều can đảm để một nhà sản xuất điện thoại đi sâu vào lĩnh vực đáng sợ là bán thiết bị hàng đầu mà không có sự hỗ trợ thông thường từ trợ giá và marketing của nhà mạng. Cho đến nay, nó chủ yếu là kịch bản dành cho những người chơi “chiếu dưới” như OnePlus, Alcatel OneTouch và Huawei. Motorola đang chấp nhận rủi ro mà các đối thủ như HTC hay LG có lẽ không bao giờ sẵn sàng hay có thể chấp nhận. HTC tiếp tục nhờ cậy vào cả AT&T và Verizon, cho họ thay phiên nhau phân phối độc quyền những sản phẩm mới nhất, hạn chế lượng khách hàng tiềm năng. HTC cũng duy trì giao diện Sense trên nền Android để tạo sự khác biệt cho sản phẩm của mình và bổ sung giá trị gia tăng cho khách hàng. Ngược lại, Motorola hạnh phúc thừa nhận Android không cần thêm bất kỳ trang hoàng nào nữa và cung cấp nó ở đúng tình trạng nguyên thủy, chỉ thêm vào vài ứng dụng và tiện ích nhỏ như Active Display. Google thích điều này. Dù nghe có vẻ lạ đời, song đã có ý kiến cho rằng việc Google bán đi Motorola chính là động thái khiến Motorola trở nên giống với Google nhiều hơn trong cách tiếp cận thị trường smartphone. Khi còn trong tay Google, hai hãng trải qua mối quan hệ không hài hòa: Motorola tiếp tục lỗ, không phù hợp với Google; còn Google không thực sự có tầm nhìn dài hạn trong việc sản xuất phần cứng. Ông chủ mới của công ty Mỹ, Lenovo, ngược lại lại có cả nguồn vốn và sự kiên nhẫn để tái tạo danh tiếng cho Motorola thông qua các dự án chưa mang lại lợi nhuận tức thì. Nó mang đến cho Motorola sự dư thừa tài chính mà HTC không có được. Nguồn tài nguyên đáng kể của Lenovo hoạt động như bộ đệm chống lại các đòn tấn công “bắt nạt” từ nhà mạng và cho Motorola không gian để bắt tay vào thử nghiệm các chiến lược táo bạo như đang làm hiện nay. Nhà thiết kế trưởng Jim Wicks, cho biết Google có rất ít ảnh hưởng đến thiết kế của Motorola và Lenovo cũng vậy. Do vậy, ngay cả khi đã trải qua sự xáo trộn lớn về mặt quản trị doanh nghiệp, bản thân Motorola tương đối tự do trong việc vạch ra và đi theo lộ trình riêng. Cách quản lý của Lenovo không gây bất ngờ với giới quan sát thân tín khi công ty Trung Quốc đã chứng minh mình là người giám sát sắc sảo của các thương hiệu nổi tiếng thông qua cách xử lý với mảng ThinkPad của IBM. Cách tiếp cận “rảnh tay” của Lenovo tỏ ra hiệu quả khi bán laptop và có nhiều khả năng thu quả ngọt trong thị trường smartphone. Tất cả các lợi thế trên đồng thời cũng đặt cho Motorola áp lực lớn. Nhà sản xuất smartphone danh tiếng một thời đã vạch ra ranh giới vô hình, hội đủ mọi sự khác biệt và đến lúc thực sự phải mang đến cái gì đó. Giữa vô vàn lời hứa hẹn trong sự kiện ra mắt sản phẩm mới, Phó Chủ tịch tiếp thị Adrienne Hayes đưa ra lời bảo đảm đanh thép nhất rằng “camera trên điện thoại Motorola là tốt nhất trong phân khúc”. Nó là nhiệm vụ cao cả tương tự với đột phá thị trường smartphone Mỹ vốn đã bão hòa. Tuy nhiên, đặt mục tiêu cao và bỏ lỡ nó còn tốt hơn là mãi mãi đi theo con đường dẫn tới sự mai một. Nếu Google là một nhà sản xuất smartphone, nó sẽ làm chính xác như những gì Motorola đang làm ngày nay. Mang đến trải nghiệm Android thuần túy. Loại bỏ nhà mạng. Giảm giá. Táo bạo, mãnh liệt và một chút điên rồ. Ngay cả khi không còn là một công ty con của Google, Motorola đang mang trong mình cá tính của “cựu” phụ huynh. |
Theo ICTNews