Các phóng viên Đài Loan đã lên tiếng quan ngại về việc chính quyền Trung Quốc đưa ra dự thảo mới nhất về luật an ninh quốc gia mới của nước này, trong đó phớt lờ chủ quyền của Đài Loan.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội – cơ quan lập pháp của Trung Quốc – gần đây đã chốt lại biên bản hội nghị dự thảo thứ hai của Luật an ninh quốc gia mới của Trung Quốc vào tháng 5 vừa qua.
Trong một tuyên bố ngày 3/6, Hội Nhà báo Đài Loan (ATJ) đã liệt kê bốn điểm bất đồng đối với luật an ninh hiện nay của Trung Quốc, trong đó đề cập riêng đến hai điều khoản.
Điều 11 quy định rằng việc duy trì “sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền” của Trung Quốc là “nghĩa vụ chung của tất cả nhân dân Trung Quốc, bao gồm cả những đồng bào từ Hồng Kông, Macao và Đài Loan”. Những người Trung Quốc không thi hành các nghĩa vụ an ninh quốc gia hay đe dọa đến an ninh quốc gia chắc chắn sẽ phải đối mặt với việc bị điều tra và khởi tố theo Điều 81.
ATJ đang kêu gọi loại bỏ Điều 11 “vô lý” này với lý do nó không tôn trọng vị thế của Đài Loan như là một quốc gia độc lập và tự chủ. Nếu Luật An ninh Quốc gia của Trung Quốc được thông qua mà không có sự thay đổi, thì sau đó bất kỳ công dân Đài Loan nào cũng “có thể bị điều tra về trách nhiệm pháp lý và bị truy tố bởi chính quyền Trung Quốc”, ATJ viết.
Thông qua dự thảo luật an ninh mới này, chính quyền Trung Quốc đang tham gia vào “những gì được gọi là đặc quyền ngoại giao”, J. Michael Cole, một thành viên cao cấp tại Viện Chính sách Trung Quốc, Đại học Nottingham viết trong một bài viết về chủ đề Thinking Taiwan trên một trang web phân tích và bình luận. Đặc quyền ngoại giao là việc áp dụng quyền xét xử của một quốc gia ở nước ngoài.
Bởi không xác định rõ cái gì cấu thành nên an ninh quốc gia ở Trung Quốc, nên việc các phóng viên Đài Loan có thể bị giam giữ theo dự thảo luật này là một “mối nguy hiểm thực sự”, ông Cole cho biết thêm. Điều này là do các lĩnh vực được coi là thuộc về an ninh quốc gia hiện tại “bao gồm bất cứ điều gì từ thảm họa môi trường cho đến sức khỏe của các nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc”.
Thật vậy, bất cứ bài viết nào của các nhà báo – báo cáo thường xuyên, bình luận, hoặc thậm chí cả các bài viết đăng trên Facebook đều có khả năng bị chính quyền Trung Quốc giữ lại như là “bằng chứng phạm tội” vi phạm an ninh quốc gia, ATJ viết.
Hai tổ chức phóng viên khác, Liên đoàn quốc tế các nhà báo (IFJ) và Hiệp hội các Nhà báo Hồng Kông (HKJA), đã phản đối dự thảo luật an ninh của Trung Quốc trên cơ sở rằng nó không tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế về bảo vệ quyền con người.
Để kết luận tuyên bố của mình, ATJ kêu gọi Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu và chính phủ của ông “hết sức chú ý đến mối nguy hại mà dự thảo “Luật an ninh quốc gia” của Trung Quốc sẽ gây ra đối với các quyền dân sự và chính trị của người dân Đài Loan cũng như sự tự do thể hiện và đưa tin của các nhà báo Đài Loan”.
Tâm Minh biên dịch từ Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh