Năm 2009, giải đấu ở và ở Hamburg là ứng viên phải nhường địa vị Masters 1000 cho Thượng Hải. Có lẽ nhờ vận động khéo léo ở ATP, Monte Carlo vẫn giữ được địa vị Masters 1000.
Giải đấu ở Hamburg có bề dày lịch sử hơn và nước Đức là nền kinh tế số 1 châu Âu và có nhiều tay vợt nổi danh trong quá khứ đành ngậm ngùi hạ bậc xuống ATP 500. Ban tổ chức giải Hamburg kiện ATP ra tòa vì việc hạ bậc họ nhưng thua kiện. Giải đấu Hamburg ra đời năm 1892 chỉ hơn 5 tuổi so với giải Monte Carlo ra đời năm 1897. Nhưng đọ tuổi làm gì khi mà cả hai đều để cho “đứa con nít” trong làng quần vợt là Thượng Hải qua mặt. Mất một vài năm gián đoạn vì chiến tranh thế giới, năm nay là giải Monte Carlo thứ 109 trong lịch sử. Tuy thế, Monte Carlo Rolex Masters vẫn bị hạ bậc: thành giải Masters 1000 duy nhất không bắt buộc các tay vợt hàng đầu phải thi đấu (8 giải kia bắt buộc, nếu bỏ không có lý do chính đáng sẽ bị phạt tiền và điểm). Mùa giải 2010, 2012 và 2013, Roger Federer vắng mặt. Gần đây, vì từ chối đấu giải Miami Open để nghỉ ngơi nên Federer mới trở lại Monte Carlo. Nhiều người nghĩ rằng Monte Carlo là thủ đô của Công quốc Monaco. Cái công quốc nhỏ xíu, diện tích chưa đến 2 cây số vuông bày đặt thủ đô làm gì cho mệt. Thực ra, Monte Carlo là một trong bốn tiểu khu (gọi là phường hay khu dân phố cũng được) của Monaco, bên cạnh Fontvieille, Monaco-ville, La Condamine. Có một thực tế nữa làm bạn bất ngờ: Giải đấu Monte Carlo Rolex Masters được tổ chức tại khu thể thao Monte Carlo Country Club, mà khu này lại KHÔNG nằm trên đất Monaco. Khu thể thao này nằm ở thị trấn Roquebrune-cap-Martin thuộc tiểu khu Nice, thuộc khu hành chính Alpes-Maritimes, tỉnh Provence Alpes Cote d’Azur, thuộc nước Pháp. Nói ra mấy cái “thuộc” như thế để thấy Monaco nhỏ so với Pháp ra sao. Riêng Roquebrune-cap-Martin có diện tích gấp 5 lần Monaco rồi. Sở dĩ khu thể thao phải đặt bên Roquebrune-cap-Martin vì Monaco “tấc đất tấc vàng”, lấy đâu đất cho cụm sân gồm 21 sân đất nện và 2 sân mặt cứng đều nhìn ra ngoài khơi Địa Trung Hải này. Người hâm mộ hay nói Rafael Nadal tới Monte Carlo như là về nhà, vì anh 8 lần vô địch liên tiếp ở đây từ 2005 đến 2012. Nhưng thực ra, những tay vợt như Novak Djokovic, Tomas Berdych, Grigor Dimitrov, Milos Raonic… mới được xem là “về nhà” vì họ là công dân Monaco. Các tay vợt Thụy Điển huyền thoại như Bjorn Borg, Mats Wilander, Stefan Edberg dẫn đầu trào lưu đến Monaco làm công dân vào những năm 1970-80 để tránh thuế suất lên đến 90% ở Thụy Điển (giờ mức này đã giảm nhưng còn tới 57%).
Tới Monaco đúng là “ra ngõ chạm sao”. Đây là nhà của Boris Becker, kia là căn hộ của Goran Ivanisevic, mấy anh Thụy Điển thế hệ sau như Thomas Enqvist, Magnus Norman, Jonas Bjorkman… lập thành xóm. Rồi một số em đẹp như Petra Kvitova, Caroline Wozniacki nữa. Monaco không thu thuế thu nhập cá nhân, nên dù có chi tiêu đắt đỏ một chút thì suy đi tính lại vẫn lợi hơn nhiều so với ở quê nhà. Tất nhiên, để giữ danh hiệu công dân Monaco thì mỗi năm anh phải sống ở đây một số ngày nhất định. Djokovic chẳng hạn, khi có thời gian ở châu Âu, nhất định anh phải trù tính lịch ở giữa Monaco với Belgrade sao cho hợp lý. Các tay vợt Pháp như Jo Wilfried Tsonga, Richard Gasquet, Gael Monfils, Gilles Simon… thật ngạc nhiên lại không phải công dân của Monaco. Vì Pháp đánh thuế các công dân của họ sống ở Monaco như các công dân Pháp khác, theo một hiệp ước giữa Pháp và Monaco từ những năm 1960. Thay vào đó, các tay vợt Pháp chọn làm công dân ở nước láng giềng khác cũng rất thoáng trong việc thu thuế là Thụy Sỹ. Dù giá vé rẻ nhất vào sân trung tâm của giải trong một ngày chỉ là 22 euro, nhưng còn tiền ăn, tiền ở rất đắt đỏ nữa nên đây ắt chẳng phải là nơi cho dân ba-lô yêu quần vợt. Chưa nói đến việc mon men đến sòng bài… |
Theo TinTheThao