Dù cho cuộc sống du mục đã in dấu rất rõ nét lên nền văn hóa của Mông Cổ, đặc biệt ở những vùng quê. Nhưng văn hóa của quốc gia du mục này không đồng nhất mà ngược lại đa dạng đến ngạc nhiên với một bản sắc riêng ít pha tạp. Sự đa dạng đó tới từ các tôn giáo khác nhau, các phong tục tập quán, các điệu múa, lời ca, trang phục và bề dày mỹ thuật của các sắc tộc.
Nhìn trên bản đồ Ulan Bator bạn hẳn sẽ kinh ngạc về mật độ bảo tàng và các di tích. Bên cạnh bảo tàng lịch sử còn có Bảo tàng Văn hóa du mục, Bảo tàng Lịch sử thiên nhiên Mông Cổ, Bảo tàng Nghệ thuật Zanabazar, Nhà trưng bày mỹ thuật hiện đại Mông Cổ, Bảo tàng Phật giáo Lama, Bảo tàng Tri thức quốc tế… Tại Quảng trường trung tâm Sukhabaatar hay những dinh thự chính phủ, hoặc trên đường phố, trong công viên, thậm chí cả nhà hàng, đều có những tượng đài các nhân vật lịch sử, những công trình điêu khắc mang tính thẩm mỹ cao. Dù bạn ghé thăm bảo tàng mỹ thuật truyền thống hay hiện đại, hay Bảo tàng Cung điện mùa Đông Bogd Khan, đều thấy rõ một nền mỹ thuật mang hơi thở của cuộc sống du mục và dấu ấn Phật giáo Tây Tạng. Các vật dụng thường ngày, vũ khí, trang phục của các tầng lớp trong đế chế Mông Cổ xưa, cũng như những vật trang trí cho yên ngựa, cho tới những túp lều… đều được chạm khắc, vẽ tay tỉ mỉ và vô cùng tinh xảo. Bên trong một căn lều ở thảo nguyên Đặc biệt ấn tượng với chúng tôi là Bảo tàng Cung điện mùa đông Bogd Khaan của vị Khaan thứ tám của Mông Cổ. Đây là một trong những bảo tàng đầu tiên của Mông Cổ, được xây dựng vào năm 1924, là nơi nghỉ đông của vị Khaan cuối cùng mang tên Javzandamba. Quần thể cung điện này nổi tiếng không chỉ về cổng thành hòa bình đầy màu sắc, chùa và một thư viện riêng của vua, mà còn về hơn 8.000 hiện vật quý hiếm gồm tranh, tượng, đồ trang trí nội thất, trang phục triều đình, vũ khí, các loại thú quý hiếm nhồi bông… Trong đó phải kể tới bộ sưu tập các bức tượng Tara vô cùng sống động và tinh xảo của vị vua đầu tiên Zanabazar. Thăm cung điện duy nhất còn được bảo tồn này, du khách sẽ thực sự ấn tượng về sự đa dạng của một nền nghệ thuật Phật giáo. Đặc biệt, đây còn là nơi lưu giữ những bức chân dung các bậc vương giả của triều đình theo phong cách Zurag của họa sĩ nổi tiếng người Mông Cổ Marzan Sharav (họa sĩ Marzan Sharav nổi tiếng thế giới với bức tranh mang tên One Day In Mongolia ). Những bộ triều phục bằng lông thú như hổ, sư tử, sói đỏ… được đính hạt quý, thực sự xứng đáng là những tác phẩm nghệ thuật có một không hai. Cách dùng màu của họ cũng rất độc đáo, với những màu nguyên hầu như không pha trộn, những cặp màu đối chọi tạo ra ấn tượng thị giác rất mạnh và rất đặc trưng qua nhiều thời đại. Phổ biến nhất là cách sử dụng 2 cho đến 3 màu như vậy trên một chủ thể, mỗi màu mang một ý nghĩa riêng: đỏ là màu của niềm vui và chiến thắng; xanh da trời biểu thị sự quan tâm và vững vàng; vàng là màu của tình yêu; trắng là sự trinh nguyên; xanh lá cây tượng trưng cho sự giàu sang và sung túc. Truyền thống sử dụng màu sắc và các chi tiết trang trí tinh xảo, tỉ mỉ như vậy có thể tìm thấy trong đồ thờ cúng, các vật dụng hàng ngày, các tác phẩm hội họa, điêu khắc… từ các thế kỷ trước được trưng bày tại các bảo tàng khác, cũng như trong các tác phẩm hội họa đương đại và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ và thời trang ngày nay. Bảo tàng Nghệ thuật Zanabazar tọa lạc tại trung tâm Ulaanbaarta có thể được coi là một bảo tàng lịch sử mỹ thuật truyền thống của Mông Cổ. Tại đây, du khách sẽ có được cái nhìn tổng thể hơn về nền mỹ thuật truyền thống của quốc gia du mục Phật giáo này. Những hiện vật trưng bày được sắp xếp từng phòng trưng bày riêng theo các đặc thù về phong cách và kỹ thuật sáng tác: In khắc trên gỗ; Zurag – một phong cách đồ họa, xuất hiện vào thế kỷ 19 – 20, sử dụng nhiều chất liệu mực, pigment từ đất, hoặc vẽ chì trên giấy; Applique – một dạng tranh thêu vô cùng tinh xảo tạo hình từ các hạt đá quý, vàng và bạc, kỹ thuật này có nguồn gốc từ cách đây 2.000 năm, xuất hiện tại Mông Cổ cùng Phật giáo kim cương thừa; và Thangkas, một dòng tranh thờ đặc trưng của mỹ thuật Phật giáo Lama, du nhập vào Mông Cổ khoảng thế kỷ thứ 17. Đó là những bức tranh cuốn, vẽ trên lụa, thường có khổ lớn, nền đen hoặc đỏ với nét viền vàng được vẽ bằng bút lông cực nhỏ, thường sử dụng màu thiên nhiên. Các tác phẩm này chủ yếu miêu tả những nhân vật và sự tích Phật giáo, là những sáng tác của các nhà sư dòng Lama trong các tu viện và phải tới thế kỷ 20, kỹ thuật vẽ Thangkas mới được giảng dạy trong các trường mỹ thuật Mông Cổ. Sự kế thừa truyền thống từ nhiều thế kỷ hết sức nổi bật trong các tác phẩm được trưng bày tại đây. Từ những motive và cấu trúc trong các bức vẽ từ thời kỳ đồ đồng, tới dòng tranh thờ, cũng như các kỹ thuật xử lý bề mặt và chi tiết, hầu hết được kế thừa và phát triển trong những tác phẩm ở các thời kỳ sau. Tranh Thangkas
Điều đặc biệt của hội họa Mông Cổ, theo chúng tôi, là sự thống lĩnh của đề tài thiên nhiên, sự hiện diện của các biểu tượng (symbol) và vật thờ. Các màu chủ đạo thường được sử dụng là xanh lá, xanh trời và trắng. Các tác phẩm thường phản ánh góc nhìn du mục về cuộc sống thường ngày của các bộ lạc, cũng như những triết lý và tinh thần Phật giáo và chịu nhiều ảnh hưởng của mỹ thuật Tây Tạng và Trung Hoa cả về đề tài lẫn các biểu tượng và phong cách. Dòng sáng tác mặt nạ cũng làm nên một trong những điểm đặc trưng của mỹ thuật Mông Cổ. Xuất phát từ nhu cầu trang trí cho những điệu múa xưa kia, sáng tác mặt nạ đã phát triển thành một dòng tác phẩm quan trọng và mang phong cách rất riêng trong mỹ thuật Mông Cổ. Mặc cho quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ, nhưng đất nước của bầu trời xanh, của thảo nguyên và sa mạc cùng cuộc sống du mục vẫn giữ cho mình một nền mỹ thuật với bản sắc riêng biệt, đặc sắc đầy cuốn hút và không thể lẫn. Bài và ảnh: Trần Thùy Linh |
Theo TTVH