Dù chiến lược di động của Microsoft trong thời gian qua có nhiều biến động, song ông Guenter Weimer, Giám đốc cao cấp khối Hệ điều hành Windows, Microsoft Châu Á – Thái Bình Dương khẳng định với VietNamNet rằng, Việt Nam vẫn là một thị trường đầy hứa hẹn và hãng sẽ tiếp tục phát triển, hỗ trợ thị trường một cách mạnh mẽ trong thời gian tới.
Hệ điều hành mới nhất của Microsoft, Windows 10, đã chính thức phát hành trên toàn cầu vào ngày 29/7 vừa qua. Tuy nhiên, phiên bản dành cho smartphone (Windows 10 for Phone) hiện vẫn đang trong giai đoạn cho cộng đồng Windows Insiders chạy thử và thu thập phản hồi. “Chúng tôi hy vọng hệ điều hành cho smartphone sẽ sẵn sàng để ra mắt trong một vài tháng tới”, ông Weimer cho biết. Một số nguồn tin nội bộ tiết lộ rằng, Windows 10 for Phone gần như chắc chắn sẽ phát hành vào tháng 10, vì đây cũng là vòng đời chung của các hệ điều hành Windows. Từ nay cho đến lúc đó, Microsoft sẽ vẫn tích cực tiếp nhận, phân tích các phản hồi, góp ý từ người dùng Insiders để hoàn thiện sản phẩm cuối cùng. Liên quan đến chiến lược smartphone của Microsoft trong tương lai gần, ông Weimer nói rằng chiến lược này sẽ xoay quanh “trải nghiệm và sự đa dạng của thiết bị”. “Windows là hệ điều hành duy nhất cho tới nay mà người dùng có thể chạy được trên tất cả các loại thiết bị điện toán, từ máy tính cho đến tablet, smartphone, từ những màn hình lớn treo tường cho đến các thiết bị Internet of things….”. Một câu hỏi mà Microsoft luôn nhận được là về hệ sinh thái ứng dụng hỗ trợ smartphone Windows, bởi quy mô và số lượng thực tế của quầy ứng dụng Windows Store vẫn còn rất khiêm tốn nếu so sánh với 2 đối thủ chính là Apple App Store và Google Play Store. Trong khi đó, thành công của một hệ điều hành di động lại được quyết định rất nhiều bởi độ phong phú, hấp dẫn và tiện ích của ứng dụng hỗ trợ. Có vẻ như Microsoft nhận thức rất rõ về điểm yếu này của Windows Phone. Vì thế, với Windows 10, hãng đã có nhiều chiến lược để khuyến khích, thúc đẩy, tạo động lực cho cộng đồng lập trình viết ứng dụng cho Windows 10. Chẳng hạn như hãng cung cấp tới 4 bộ công cụ để các nhà phát triển ứng dụng iOS và Android có thể dễ dàng đưa những ứng dụng đó lên Windows Store. Và một khi hiện diện trên Windows Store, ứng dụng đó sẽ là “universal app” – thuật ngữ dùng để chỉ những ứng dụng có thể chạy được đồng thời trên mọi dạng thiết bị mà Windows 10 hỗ trợ. Hiện số lượng ứng dụng có xuất xứ từ Việt Nam chiếm hơn 50% số lượng ứng dụng cho Windows Phone trong khu vực APAC. Do đó, việc Microsoft đặc biệt chú trọng hỗ trợ giới lập trình Việt là một điều dễ hiểu. Đối với những ứng dụng phải trả tiền để mua thì thói quen tiêu dùng của người Việt là không sử dụng thẻ tín dụng. Do vậy, Microsoft đã làm việc cùng các nhà mạng, cho phép khách hàng mua ứng dụng bằng cách trả tiền bằng thẻ cào trả trước. Mỗi khi người dùng mua một ứng dụng nào đó, nhà mạng sẽ tính tiền vào tài khoản trả trước của thuê bao đó rồi thanh toán cho tác giả ứng dụng. “Cùng với việc hỗ trợ hạ tầng thì hy vọng với cơ chế hỗ trợ thanh toán này, Windows 10 sẽ hấp dẫn giới lập trình Việt Nam hơn”, ông Weimer chia sẻ. T.C |
Theo VietnamNet