Bằng phiên bản Windows 10 cuối cùng, Microsoft sẽ sửa chữa được nhiều sai lầm trước đó?
Ngày 29/7, phiên bản hệ điều hành Windows 10 sẽ được giới thiệu với các nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) và một số người sử dụng đặc quyền. Ngay cả những người dùng Windows 8.1 hoặc Windows 7 có bản quyền sẽ có cơ hội nâng cấp lên Windows 10 miễn phí (những người muốn nâng cấp từ Windows Vista hoặc Windows XP sẽ phải trả thêm 100 USD). Miễn phí nâng cấp là một thỏa thuận tuyệt vời cho người dùng Windows trước sự lấn lướt của hệ điều hành Macintosh và Linux. Đây sẽ là động lực mạnh mẽ khuyến khích người dùng Windows đón nhận phiên bản mới nhất của Microsoft. Mục tiêu của Microsoft là phải bán được 1 tỷ bản quyền Windows 10 trong vòng 3 năm. Đây là tham vọng rất lớn vì Microsoft từng phải mất 5 năm để bán được 400 triệu bản Windows XP – hệ điều hành phổ biến nhất mọi thời đại. Windows XP đã không đạt được mốc 1 tỷ cho đến 13 năm sau khi ra mắt vào năm 2001. Bên cạnh đó, việc nâng cấp miễn phí Windows 10 vô tình khiến người dùng không có nhu cầu nâng cấp phần cứng. IDC dự đoán tổng doanh số bán PC trong năm 2015 sẽ tiếp tục giảm khoảng 6,2%, cao hơn đáng kể so với con số giảm 2,2% của năm 2014. Một phần nguyên nhân của sự giảm sút này là do người dùng không phải mua sắm máy tính mới để chạy Windows 10.
Trong quá khứ, Hãng cũng mất rất nhiều thời gian để thuyết phục người dùng Windows ngừng sử dụng các phiên bản cũ. Thậm chí hiện nay, 60% người dùng PC vẫn sử dụng hệ điều hành đã được 6 năm tuổi là Windows 7. Trong khi đó, bất chấp là một phiên bản lỗi thời và thiếu cập nhật bảo mật, 18% người dùng tiếp tục gắn bó với Windows XP (tất cả các hỗ trợ phiên bản này đã ngừng vào tháng 4/2014). Chỉ có 22% người sử dụng hệ điều hành mới Windows 8/8.1 với lý do chủ yếu là do mua máy tính mới đã cài đặt sẵn hệ điều hành này. Microsoft đã trải qua một cơn ác mộng khi Windows Vista được ra mắt vào năm 2006 để thay thế cho Windows XP. Cho tới năm 2012, XP vẫn giữ một thị phần lớn hơn so với cả Vista và Windows 7 cộng lại. Thậm chí, Windows 8 cũng là một thất vọng lớn cho hãng phần mềm của Mỹ. Windows 8 đã được phát triển hướng tới một hệ điều hành lấy “phương thức nhập liệu bằng cảm ứng làm chủ đạo” nhưng vẫn có thể làm việc tốt với cách thức cũ là chuột và bàn phím. Tuy nhiên, mọi thứ không theo kế hoạch đã định, nhiều người dùng nhanh chóng cảm thấy trải nghiệm không cảm ứng trên Windows 8 không tiện dụng. Thực tế, đó là lý do tại sao Microsoft đã thực hiện rất nhiều cải tiến nhằm giúp người dùng trải nghiệm tốt hơn với chuột và bàn phím khi ra mắt Windows 8.1. Microsoft đã bỏ qua nhiều thói quen sử dụng của người dùng với Windows như các thủ thuật và phím tắt. Sai lầm khác là cho rằng tất cả các nền tảng đều có khả năng chạy Windows 8 cho dù đó là smartphone, tablet, laptop hay desktop…
Microsoft đã học được bài học của mình. Với Windows 10, Microsoft đã tiếp cận vấn đề theo một cách khác: Vẫn tập trung vào yếu tố nhập liệu bằng cảm ứng nhưng đồng thời kết hợp với các phương thức khác, chẳng hạn như chuột, bàn phím và bút. Công ty cũng ý thức được rằng, kéo dài tuổi thọ của Windows XP sẽ tạo nên sự linh hoạt cho người dùng cá nhân và doanh nghiệp. Windows 10 sẽ là phiên bản hệ điều hành cuối cùng được Microsoft cho ra mắt, sẽ không có Windows 11 hay 12. Thay vì ra một phiên bản Windows hoàn toàn mới, Microsoft đang hướng tới việc duy trì và tập trung phát triển Windows 10 với những cải tiến về tính năng và kỹ thuật được cập nhật thường xuyên. Như vậy, với Windows 10, Microsoft không thể thất bại. > Windows 7 trở thành hệ điều hành phổ biến nhất thế giới > Microsoft có sứ mệnh kinh doanh mới > Cuộc “lột xác” ngoạn mục của Windows > Chọn Windows hay iOS? HOÀNG HÀ
|
Theo Doanh nhân Sài Gòn