Trong cuộc sống chúng ta có thể thường thấy cảnh này: Một số mẹ chồng đối với con dâu không hiểu sao cứ không vừa mắt, thậm chí hay “bới lông tìm vết” bắt bẻ nàng ta. Chỉ thấy quan hệ mẹ con cứ mãi căng thẳng không thể dung hòa, kỳ thực hết thảy đều không ngẫu nhiên, đều có nguyên nhân sâu xa mà rất ít người có thể nhìn thấu được…
Quả Khanh là một cư sĩ có công năng túc mệnh thông, tức là có thể thông qua thiên mục (con mắt thứ 3) mà thấy được quá khứ, tương lai của người khác.
Tháng 9/2006, tại Thượng Hải, ông gặp một đôi vợ chồng, người chồng là Kim Đồng, người vợ là Diễm Lệ. Quả đúng như tên, mặc dù tuổi không còn trẻ nhưng tướng mạo bên ngoài của họ trông vẫn rất đẹp.
Người chồng kể: “Chúng tôi có 2 con gái, sự nghiệp tương đối phát đạt, của cải sung túc lại có chung tín ngưỡng Phật giáo, nên cả hai đều cảm thấy mình là người có số mệnh may mắn, hạnh phúc”.
Nhưng không ngờ năm trước vợ anh mắc bệnh ung thư ác tính, phải cắt bỏ một bên ngực. Bệnh tình đau đớn cộng thêm tinh thần suy sụp khiến cô rầu rĩ không thôi, may nhờ có anh đồng cảm động viên, cô mới nguôi ngoai phần nào. Thế nhưng chưa dừng lại ở đó, mấy tháng sau tế bào ung thư tiếp tục phát tán, bác sĩ chẩn đoán cuộc sống của cô có kéo dài cũng không quá 3 tháng nữa. Tin này đối với hai người mà nói như sét đánh ngang tai.
Nhân duyên đưa đẩy khiến họ tìm đến cư sĩ Quả Khanh nhờ giải rõ vấn đề nhân quả: “Chúng tôi đã thân cận Phật Pháp mười mấy năm, vì sao vẫn gặp phải tai nạn như hiện nay? Đã biết bao lần tôi ở trước tượng Bồ Tát Quan Thế Âm khóc than cầu cứu, nhưng chuyện xảy đến vẫn luôn là tin dữ. Mong ngài có thể giúp chúng tôi giải trừ nghi mê, xin cảm tạ vô cùng!”
Cư sĩ Quả Khanh sau khi chia sẻ sâu hơn về giáo lý nhà Phật đã khuyên họ dừng sát sinh, lo ăn chay giữ giới, tiết chế dục vọng. Tiếp đó, ông quay qua người vợ hỏi:
– Có phải cô và mẹ chồng rất xung khắc, đến độ dù có gặp mặt nhau cũng không muốn nhìn, ghét đến chẳng muốn chuyện trò… và trong lòng cô rất xem thường bà?
Nghe đến đây Diễm Lệ liền bật khóc tức tưởi, cô kể:
– Tôi mà ở chung với mẹ chồng là bà luôn soi mói, bới móc tìm lỗi, chỉ cần tôi nhấc tay động chân bà lại mỉa mai xỉa xói… khiến tôi rất phiền! Vì vậy mà tôi không muốn ở chung với bà.
Cư sĩ Quả Khanh nói:
– Cô có biết mẹ chồng cô rất thương con trai, luôn mong muốn được ở cùng con, bởi bà sợ cô không khéo chăm sóc con trai bà, mà chồng cô cũng rất muốn ở chung với mẹ để tiện bày tỏ hiếu tâm?
Kim Đồng hết sức kinh ngạc, hỏi:
– Vì sao ngài có thể nắm rõ tình huống gia đình tôi như trong lòng bàn tay vậy?
Vị cư sĩ đáp:
– Tất cả ngôn hành, tâm niệm của chúng sinh, không những chư Phật, Bồ Tát, mà cả đến quỷ thần đều nhìn thấy hết, do tôi minh bạch lý này rồi nên mới quyết tâm đoạn ác tu thiện… Tôi mong các vị từ hôm nay trở đi, sau khi đã sáng tỏ lý này rồi thì hãy phát tâm ăn năn sám hối, sửa đổi… Bởi vì tất cả việc ác chúng ta làm, những việc mà ta luôn chắc mẩm chỉ mình biết, thì không những chư Phật, Bồ Tát biết hết, mà ngay cả quỷ thần đều biết rõ tất tần tật…
Mọi việc xảy đến tất cả đều căn cứ theo đức hạnh của bạn mà định đoạt. Bởi vậy đối với các ác nghiệp sát, đạo, dâm vọng… Nếu bạn có thể thành tâm sám hối, thì những bệnh bất trị mà bạn ngỡ đã cùng đường, vẫn tìm ra lối thoát…
Nghe cư sĩ nói xong, hai vợ chồng đều phát nguyện từ nay sẽ không sát sinh ăn thịt nữa, quyết tâm bỏ ác tu thiện, tuân thủ giới luật. Người vợ còn phát nguyện sẽ cố gắng sửa đổi và tạo quan hệ tốt với mẹ chồng.
Vị cư sĩ lại hỏi Diễm Lệ:
– Có phải cô thấy việc cải thiện quan hệ với mẹ chồng là rất khó?
– Dạ phải. Bởi mẹ chồng coi bộ không dung nổi tôi, tôi không có lỗi gì bà cũng cố tìm cho ra hoặc cố tình biến không lỗi thành có lỗi, vì vậy tôi chẳng biết phải làm sao cho ổn?
Quả Khanh hỏi:
– Hai vị có muốn biết nhân duyên kiếp trước của mình với bà là như thế nào không?
Hai người đồng thanh đáp:
– Dạ muốn, muốn quá đi chứ ạ!
Thế là vị cư sĩ bèn kể rõ nhân duyên của họ như sau:
Nhân duyên tiền kiếp
“Vào thời Võ Tắc Thiên triều Đường, có 2 vị công tử con nhà quan, tạm gọi là An công tử và Bảo công tử, họ là bạn tâm giao, nghĩa tình thân thiết. Hay rủ nhau đi du ngoạn, đến chùa thắp hương, cúng dường… tay luôn lần chuỗi hạt… Điều này chứng tỏ họ rất mộ đạo, thành tâm tín Phật. Thế nhưng, đáng tiếc họ thường đến lầu xanh xem ca vũ, uống rượu giải trí.
Công tử Bảo hay nổi nóng với người đầy tớ theo hầu mình, mỗi lần chỉ bảo hắn mà cáu tiết là chàng lại nổi cơn thịnh nộ, khiến anh ta sợ phát khiếp. Người đầy tớ này cả đời phục vụ công tử, còn công tử thì cũng quát mắng anh ta cả đời.
Người đầy tớ đó sau khi chết do tạo nhiều ác nghiệp nên phải vào địa ngục chịu khổ, còn 2 vị công tử do nhiều đời hay cúng dường Tam Bảo nên sau khi chết được lên cõi trời, hưởng hết phúc báo lại chuyển sinh xuống trần gian, sống đời vô cùng giàu có.
Do nhân duyên đời trước, họ vẫn làm bạn hữu, thường ở chung, cúng lễ Phật, hành thiện bố thí, rất được bá tính thời ấy kính ngưỡng.
Rồi kiếp sau nữa, 2 người sinh ra vẫn tin thờ Phật nhưng lại ham mê săn bắn, họ thường rủ nhau lên núi đi săn. (Xin tiếp tục gọi 2 công tử này là An và Bảo). Một lần khi Bảo phát hiện ra một con nai thì giương súng lên bắn, ngay lúc đó công tử An khởi niệm xót thương liền đưa tay đẩy họng súng của bạn chỉa lên trời, khiến đạn bắn vào hư không, nhờ vậy mà con nai sống sót, nó quay đầu nhìn rồi hoảng hốt co giò chạy mất.
Con nai đó chính là tên đầy tớ của công tử Bảo kiếp xưa. Sau khi hắn từ địa ngục lên thì đầu thai vào cõi súc sinh làm nai, may được An công tử cứu mạng…”
Vị cư sĩ nhìn Kim Đồng bảo:
– Anh chính là kiếp này của An công tử, vợ anh chính là kiếp này của Bảo công tử. Con nai sau khi mãn kiếp súc sinh thì được đầu thai vào nhân gian, chuyển sinh làm người đã mấy đời, đến kiếp này thì làm mẫu thân của anh. Bà tìm đến để báo ân cứu mạng kiếp xưa khi làm nai. Chẳng phải đối với anh bà rất quan tâm, chăm sóc, yêu thương cực kỳ đặc biệt?
Kim Đồng kể:
– Dù cha mẹ tôi ở quê, nhưng hàng ngày trước và sau khi dùng cơm tôi đều gọi điện hỏi han chuyện trò, bằng không tối đó bà chẳng thể ngủ yên.
Quả Khanh bảo Diễm Lệ:
– Cô chính là công tử Bảo thường quở mắng người đầy tớ, cũng là người từng muốn giết con nai năm xưa. Tên đầy tớ này vốn mồ côi cha mẹ, cũng nhờ Bảo có lòng nhân từ thu nhận nuôi dưỡng, nhưng do hắn có nhiều tật xấu nên Bảo thường mắng mỏ, la rầy bất kể giờ nào, ở đâu….
Vì hắn là kẻ dễ tự ái, lại có lòng tự tôn cao, nên đã sinh tâm oán hận. Mặc dù kiếp ấy hắn tri ân Bảo thu nhận nuôi dưỡng nên cam chịu nhục vâng theo, song tâm oán hận vẫn ôm giữ đến đời này. Trong các kiếp trước thì hắn với cô là thân phận đầy tớ và chủ nhân, con nai và thợ săn… nhưng giờ đây đã chuyển thành mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu. Nhưng hiện giờ mẹ chồng ở địa vị bề trên. Do đó nên biết rằng không có gì vô cớ mà sinh lỗi đâu, đều tại kiếp trước cô đã gieo nhân xấu nên nay mới gặt quả không ưng ý. Đã hiểu rõ điều này rồi, cô còn oán hận mẹ chồng hay nhăn nhó, chuyên bới lông tìm vết bắt bẻ cô hoài hay không?”
Diễm Lệ hiểu ra sự tình, tâm tư cũng nhẹ đi rất nhiều, gương mặt tươi sáng hẳn ra.
Một thời gian sau khi cáo biệt, hai vợ chồng gọi điện tới cư sĩ Quả Khanh, Diễm Lệ đã khỏe lại, tâm trạng rất vui. Cô kể mình hàng ngày đều đọc kinh, còn trực tiếp xin lỗi mẹ chồng. Mặc dù bà không hoàn toàn tiếp nhận nhưng cô vẫn gắng tiếp tục thay đổi. Hai vợ chồng còn bàn bạc với nhau một ngày sẽ đón bố mẹ chồng về ở chung nếu họ đồng ý. Thật là một kết cục đáng mừng.
Cảm ngộ
Chúng ta trong các mối quan hệ, dù là người thân trong gia đình hay đồng nghiệp ngoài xã hội, sẽ không tránh khỏi tình huống: Có người rất tâm đầu ý hợp, hòa thuận với ta, lại có người cứ luôn xung khắc, chửi mắng, gây đau khổ cho ta. Ta không hiểu vì sao nên một mực oán hận họ, cuộc sống thật nặng nề.
Nhưng kỳ thực theo nhà Phật giảng, mọi thứ đều có quan hệ nhân duyên, đều là do nghiệp lực luân báo. Hiện nay họ đối xử không tốt với ta, rất có thể là vì đời trước ta đã xử tệ với họ. Kiếp này họ đến đòi nợ. Như câu chuyện của cô Diễm Lệ ở trên. Vì đời trước cô thường mắng mỏ người đầy tớ, lại có đời định sát hại con nai do tên đầy tớ chuyển sinh, nên đời này anh ta mới đầu thai thành mẹ chồng “đòi nợ”, đồng thời cũng là để báo ân Kim Đồng, người từng cứu con nai một mạng. Cuộc đời vốn là vậy, có oán báo oán, có ân đền ân, mục đích cuối cùng là kết thúc duyên nợ.
Nếu có thể hiểu thấu lẽ nhân duyên này, ta sẽ không còn phải bất bình, phẫn nộ khi bị ai đó bắt nạt hay đối xử bất công. Cũng có thể kiềm chế cái tâm để chỉ gieo đi cái duyên thiện lành.
Hồng Liên (s/t)