Lớp mây bao quanh trái đất đã hạ thấp độ cao trong suốt thập kỷ vừa qua, bình quân khoảng 1%, nghiên cứu dựa trên dữ liệu vệ tinh của NASA cho hay.
/
Tờ Physorg cho hay, các nhà khoa học trường Đại học Auckland ở New Zealand đã phân tích độ cao những đỉnh mây của các tầng mây toàn cầu trong 10 năm, từ năm 2000 đến 2010, bằng số liệu lấy từ thiết bị đo bức xạ quang phổ tạo hình nhiều góc MISR trên tàu vũ trụ Terra của NASA. Kết quả nghiên cứu tiết lộ xu hướng giảm toàn diện độ cao của mây. Độ cao mây bình quân toàn cầu đã giảm khoảng 1% trong thập kỷ vừa qua, tức là giảm đi khoảng 30 đến 40 mét. Sự hạ thấp độ cao này hầu như do mây ở những tầng cao nhất đã mất đi. Người dẫn đầu nhóm nghiên cứu, ông Roger Davies nhận xét khoảng thời gian mà họ khảo sát quá ngắn để có thể xác định chính xác hiện tượng mà chỉ giúp báo hiệu rằng điều gì đó hệ trọng đang diễn ra. Cần thêm theo dõi lâu dài để xác định tác động của hiện tượng này tới nhiệt độ trái đất. Mây sụt giảm một độ cao nhất định sẽ giúp Trái đất được mát hơn, giúp làm giảm nhiệt độ bề mặt hành tinh và làm chậm quá trình nóng lên toàn cầu. Song, điều này có thể lại là một cơ chế “tác động ngược”, một thay đổi gây ra bởi hiện tượng nóng lên toàn cầu tác động khiến mây hạ độ cao và rồi cuối cùng lại làm chậm chính quá trình nóng lên toàn cầu. “Chúng tôi không biết chính xác điều gì đã khiến cho mây hạ độ cao. Nhưng nó hẳn phải là do sự thay đổi của các mẫu hình không lưu khiến cho lượng mây ở tầng cao thông thường nhiều lên”, ông Davies giải thích. Tàu vũ trụ Terra của NASA sẽ tiếp tục thu thập dữ liệu về trái đất cho đến hết thập kỷ này. Theo đó, các nhà khoa học sẽ theo dõi sát sao dữ liệu của MISR để xem xét liệu xu hướng này sẽ tiếp tục hay không. Là một trong năm dụng cụ của con tàu được phóng vào năm 1999, máy dò MISR sử dụng 9 camera ở những góc độ khác nhau để chụp hình ảnh mây quanh địa cầu, giúp tính toán được độ cao và chuyển động của mây. Đinh Đồng |
Theo VietnamNet