(TNO) Thành viên bị bệnh của một nhóm phát thanh nghiệp dư Philippines cuối cùng đã được máy bay đưa ra khỏi đảo Thị Tứ thuộc Quần đảo Trường Sa của Việt Nam sau nhiều ngày kẹt trên đảo vì bị tàu hải quân Trung Quốc ngăn cản.
Trang tin InterAksyon (Philippines) ngày 23.4 dẫn lời ông Leo Almazan, thành viên nhóm phát thanh không chuyên Mabuhay DX (Philippines), cho biết chiếc máy bay dân sự chở Chito Pastor, một thành viên đang bị bệnh của nhóm, đã bay khỏi đảo Thị Tứ và dự kiến đến đảo Palawan, phía tây Philippines, vào trưa hôm nay (giờ địa phương). Ông Almazan cho biết nhóm của ông đến đảo Thị Tứ vào ngày 17.4 để thực hiện các hoạt động về phát thanh không chuyên, đồng thời phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hải quân Philippines kiểm tra một hệ thống thông tin di động dùng năng lượng mặt trời và tiến hành “một chiến dịch y tế mini” tại đây, vì một thành viên của nhóm là bác sĩ. Tuy nhiên, một tuần sau đó, thận của Chito Pastor bị nhiễm trùng sau khi uống nước quá mặn tại đảo, vì số nước uống mang theo đã hết. Vào sáng thứ hai 20.4, Hải quân Philippines điều động một máy bay tuần tra biển Islander đến Thị Tứ để chở Pastor về Philippines chạy chữa. Tuy nhiên, chuyến bay đã không thực hiện được vì Philippines hoãn toàn bộ các chuyến bay tại vùng biển phía tây nước này, tức biển Đông, sau khi một tàu khu trục Trung Quốc “bắn đạn phát sáng xung quanh một máy bay tuần tra của Không quân Philippines”, theo InterAksyon. Sau đó, ông Almazan cho biết đã nhận được tin nhắn từ Hải quân Philippines thông báo rằng một máy bay dân sự đã được phép bay đến đảo Thị Tứ vào sáng 23.4 để chở Pastor khỏi đảo.
Đảo Thị Tứ trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Philippines chiếm đóng trái phép hồi năm 1971, Philippines gọi là đảo Pagasa, Trung Quốc gọi là Zhongye. Phía Philippines đầu năm 2014 đã gia tăng lực lượng tại đảo này với một đơn vị máy bay hải quân, cung cấp phương tiện giao thông giữa đảo này với tỉnh Kalayaan của Philippines. Trang tin China Daily Mail của Trung Quốc từng trắng trợn nói rằng hải quân Trung Quốc sẽ thu hồi đảo này bị Philippines chiếm đóng trái phép hơn 40 năm qua, và việc này không xâm phạm lãnh thổ Philippines (. Hoàng Uy |
Theo Thanh Niên