Vào tối 12/10, một chiến đấu cơ J-10 thuộc quân khu Thẩm Dương của Trung Quốc đã gặp nạn khi bay huấn luyện vì động cơ do Nga chế tạo gặp trục trặc.
Tờ Want China Times của Đài Loan dẫn bản tin của truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) cho biết, rất may phi công đã kịp bật dù thoát hiểm khi máy bay gần chạm đất.
Hiện phi công Li Tong, trung đoàn trưởng một trung đoàn của quân khu Thẩm Dương, đang được tung hô như anh hùng, do đã dũng cảm điều khiển máy bay ra khỏi khu đông dân cư trước khi bật ghế thoát hiểm.
Nguyên nhân tai nạn được xác định do động cơ AL-31, do Nga chế tạo, trên chiếc J-10 gặp trục trặc.
Tại thời điểm đó, máy bay đang ở độ cao chỉ 3400 – 3500m. Tháp kiểm soát không lưu đã ra lệnh cho phi công thoát hiểm nếu không thể kiểm soát máy bay ở độ cao trên 1000m.
Tuy nhiên, Li đã không thoát ra ngay mà cố gắng điều khiển cho máy bay ra xa 2 khu dân cư, và chỉ bung dù khi còn cách mặt đất 351m, bản tin của CCTV cho biết.
Tại thời điểm xảy ra tai nạn, chiếc J-10 của Li Tong đang mang theo khoảng 200 viên đạn.
Đây không phải lần đầu tiên một chiếc J-10 gặp sự cố trong khi bay huấn luyện. Hồi tháng 11/2014, một chiếc J-10B cũng đã gặp nạn tại tỉnh Tứ Xuyên, khiến 7 người bị thương. Nguyên nhân tai nạn cũng do sự cố động cơ AL-31FN, trang tin Duowei News khẳng định.
Về mặt chính thức, J-10 là mẫu chiến đấu cơ do Nhóm thiết kế máy bay Thành Đô của Trung Quốc thiết kế. Dù vậy, theo trang National Interest tại Mỹ, chiến đấu cơ này được tin là có nguồn gốc từ một chương trình hàng không của Mỹ.
J-10 có sự tương đồng rất rõ với mẫu chiến đấu cơ Lavi do Mỹ cùng Israel phát triển. Mẫu chiến đấu cơ này dựa trên thiết kế những chiếc F-16, nhưng cuối cùng chương trình Lavi bị hủy do vấn đề chi phí và chính trị. J-10 còn sử dụng động cơ Saturn-Lyulka AL-31 do Nga chế tạo.
Khi tham chiến trên không, J-10 có thể mang 10 tên lửa không đối không PL-9, dẫn đường bằng tia hồng ngoại, cùng các tên lửa PL-12 dẫn đường bằng radar. Ngoài ra máy bay được trang bị đại bác 23mm GSh-23 cũng của Nga.
J-10 được đưa vào biên chế Không quân Trung Quốc năm 2004 và đang được chào bán cho một số quốc gia. Hồi tháng 8, trang tin quân sự và tình báo Israel DEBKAfile khẳng định, Bắc Kinh về cơ bản đã đồng ý bán cho Iran 150 chiếc J-10.
Ngoài ra, báo giới Pakistan cũng từng đưa tin hồi tháng 8 việc quân đội nước này quan tâm và muốn đặt mua mẫu máy bay của Trung Quốc.
Theo Dân Trí